(LĐ online) - Vừa qua, tại đầu cầu UBND tỉnh, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành liên quan tham dự Hội nghị trực tuyến kế hoạch hành động năm "An toàn thực phẩm trong nông nghiệp" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
(LĐ online) - Vừa qua, tại đầu cầu UBND tỉnh, ông Trần Ngọc Liêm – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cùng các sở, ngành liên quan tham dự Hội nghị trực tuyến kế hoạch hành động năm “An toàn thực phẩm trong nông nghiệp” do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát chủ trì tại đầu cầu Hà Nội.
Bộ Nông nghiệp – PTNT chọn năm 2015 là năm “An toàn thực phẩm trong nông nghiệp”, tập trung thanh tra, kiểm tra, giám sát, lấy mẫu và tuyên truyền giáo dục người hướng đến nền nông nghiệp sạch. Kế hoạch hành động năm “An toàn thực phẩm trong nông nghiệp” nhằm tạo chuyển biến rõ nét về đảm bảo an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản, trọng tâm là sản phẩm rau, thịt và thuỷ sản nuôi. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: Việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng vì đáp ứng mong đợi của nhân dân, người tiêu dùng cần sản phẩm thực phẩm an toàn và đây cũng là giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của nông sản nước ta trên thị trường trong và ngoài nước.
Mục tiêu cụ thể của kế hoạch hành động là: tỉ lệ mẫu giám sát tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng giảm 10% so với năm 2014; tỉ lệ mẫu giám sát tồn dư hoá chất, kháng sinh trong sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản nuôi giảm 10% so với năm 2014; tỉ lệ mẫu giám sát ô nhiễm vi sinh trong thịt gia súc, gia cầm vượt ngưỡng giảm 10% so với năm 2014.
Theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp – PTNT, 2 địa phương: Hà Nội và Tp.HCM được chọn thí điểm phối hợp với Bộ Nông nghiệp – PTNT chỉ đạo triển khai Kế hoạch hành động trong năm “Vệ sinh an toàn thực phẩm trong nông nghiệp”. Các địa phương trong cả nước xây dựng kế hoạch hành động và triển khai thực hiện có hiệu quả theo 3 nhóm giải pháp chính: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn áp dụng các kỹ thuật đảm bảo an toàn thực phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản; tổ chức lại sản xuất hình thành các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn đảm bảo có thể truy xuất được nguồn gốc sản phẩm; áp dụng các quy trình VietGAP, các tổ hợp tác, HTX VietGAP; kiểm tra giám sát theo phương pháp mới, gia tăng tần suất giám sát, giám sát khoa học, có hệ thống để phát hiện đường dây đưa vào thị trường những sản phẩm không an toàn để xử lý tận gốc.
DIỆU HIỀN