An Bang - nơi đầu sóng

05:02, 05/02/2015

Đêm trước ngày đến với An Bang, đại tá Bùi Hải Phước Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác phía Nam quần đảo Trường Sa, thông báo: "Sóng gió ở An Bang dữ lắm, không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, khả năng vào được An Bang rất thấp"...

Đêm trước ngày đến với An Bang, đại tá Bùi Hải Phước Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân, Trưởng đoàn công tác phía Nam quần đảo Trường Sa, thông báo: “Sóng gió ở An Bang dữ lắm, không cẩn thận sẽ rất nguy hiểm, khả năng vào được An Bang rất thấp”. Không chỉ riêng trưởng đoàn công tác mất ngủ mà cả thuyền trưởng con tàu 561 cũng có một đêm trằn trọc. Tôi hồi hộp mong chờ tới An Bang!
 
Những chiến sỹ cảm tử bơi ra bắt dây mồi
Những chiến sỹ cảm tử bơi ra bắt dây mồi
 
Xúc động An Bang
 
An Bang là chốt tiền tiêu phía Nam Trường Sa, là khu vực có nhiều con sóng dữ. Đảo có diện tích hẹp, rìa đảo là vực sâu hun hút. Những con sóng tạo thành một gọng kìm bao vây dồn dập đập vào đảo. Đảo không có bãi san hô cản nên sức đập của sóng là rất lớn, ít tàu bè nào dám lại gần. Theo như kinh nghiệm của các chiến sỹ hải quân thì đây là hòn đảo khó cập bến nhất trong quần đảo Trường Sa.
 
An Bang còn có một tên gọi khác là đảo Đồng Hồ, vì dưới chân đảo thường nổi lên bãi cát nhỏ di chuyển theo mùa, chạy vòng quanh. Theo chu kỳ, bãi cát di chuyển hết một vòng là tròn một năm. 
 
Thấy sóng quá mạnh, chỉ huy tàu 561 đã quyết tâm đưa tàu vào gần bờ hết mức có thể. Khi tàu cách bờ hơn 200m, xuồng lần lượt đưa đoàn công tác đi vào đảo. Từ xa đã nhìn thấy trên bãi cát, hơn 50 cán bộ, chiến sĩ đang chờ sẵn ở bãi cát. Tôi đã bắt đầu thấy sóng An Bang dữ dội khi mà mỗi lần cuộn trào, hình ảnh hàng chục người trên bãi cát lại nhòa đi sau bọt nước. 
 
Xuồng vận tải được kéo bởi một xuồng máy vào sát bờ. Khi gần đến nơi, xuồng máy sẽ cua gấp tháo dây kéo và xuồng vận tải lao vào gần bờ tung dây vào bãi cát. Kế hoạch là như vậy nhưng khi xuồng chỉ cách bãi cát An Bang khoảng 100m nhưng không thể chạy vào vì sóng đập quá mạnh. Ở An Bang gió mạnh, anh Hảo một tay đi xuồng thiện nghệ của đội tàu 561 đã ngã nhào xuống biển khi anh đứng ném sợi dây vào bãi cát. Khi anh Hảo rơi xuống nước cũng là lúc mọi người trên xuồng thót tim. Bàn tay tôi như vô thức bám chặt vào bàn tay của anh đồng nghiệp ngồi bên cạnh. Tay bơi lão luyện nhưng anh Hảo, dù đã cố bơi ra níu lấy sợi dây nhưng không thể bởi chiếc xuồng anh vừa ngã xuống như tên bắn lao vun vút tới theo sức đẩy của sóng. Chỉ còn lại mình anh Đắc, trên chiếc xuồng máy, một tay anh ghì lấy cần lái khi mà chiếc xuồng đã lên cao khoảng 4m theo ngọn sóng, tay còn lại anh vẫn cố gỡ sợi dây mồi để ném vào. Anh Chung, một trong hai người điều khiển trên chiếc xuồng chuyển tải có chúng tôi, lựa lúc chiếc xuồng bên anh Đắc lại gần đã “nhanh như cắt” nhảy qua để cùng ghì tay lái. Chiếc xuồng máy bị sóng đẩy mạnh đâm thẳng vào mạn chiếc xuồng chuyển tải trong nỗi sợ đến “tái mặt” của mọi người trên xuồng nhưng tất cả đều ngồi yên theo khẩu lệnh của chiến sỹ hải quân. Hai chiếc xuồng như hai chiếc lá tre mỏng manh giữa biển khơi. Còn riêng tôi tim như “nhảy ra khỏi lồng ngực” theo mỗi lần các anh lái xuồng cự lại với con sóng. Lúc tôi hoàn hồn cũng là khi tay anh đồng nghiệp đã rớm máu. Xuồng cứ vòng đi vòng lại ngoài xa, bờ An Bang như “con thú dữ” xù lông không cho chúng tôi tiếp cận đảo. 
 
Trên bãi cát, một chiến sĩ, tay cầm 2 cây cờ hiệu màu đỏ hướng dẫn cho xuồng máy kéo xuồng chuyển tải. “Ném dây đi!” Khẩu lệnh ngắn gọn đanh thép, dứt khoát của thiếu tá Đặng Ngọc Nam - Chỉ huy trưởng đảo An Bang được phát ra cũng là lúc sợi “dây mồi” được anh Chung và anh Đắc ném vào. Hai chiến sĩ đã cột sẵn hai sợi dây vào bụng, đeo ống thở  nhanh như cắt nhảy xuống nước chụp lấy sợi dây và nối lại để đồng đội kéo vào. Hơn 50 chiến sỹ nắm chắc hai hướng dây, lựa theo con sóng mà kéo nhanh chiếc xuồng lên bờ. Lúc sóng rút ra, các chiến sỹ vẫn nắm chắc dây, đứng vững như thành đồng để ngăn xuồng không tuột ra theo sóng. Ngồi trên xuồng, nhìn các chiến sĩ gồng mình đánh vật với sóng, mắt nhiều người đỏ hoe. Cuối cùng, xuồng cũng tiếp cận bờ, người và hàng hóa lên đảo an toàn, ai cũng thở phào nhẹ nhõm.
 
Bão tố ở đảo An Bang là chuyện “như cơm bữa” nên việc ra vào đảo thực sự là một cuộc vượt ải đầy khó khăn, nguy hiểm. Không ít chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sĩ vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào được đảo. May mắn cho đoàn công tác chúng tôi vượt qua bao khó khăn nhưng vẫn vào được đảo khi gió đã lên cấp 8. Tâm sự với chúng tôi, đại tá Bùi Hải Phước bộc bạch: “Lúc xuồng lờn vờn không vào được đảo ai cũng như nghẹt thở vì lo lắng. Chạm tới bãi cát rồi mới thật sự thở phào. Cả tư lệnh vùng 4 hải quân cũng thở phào nhẹ nhõm vì không tin nổi gió lớn vẫn có thể vào được An Bang”. 
 
Giọt mồ hôi nơi thao trường An Bang 
 
Đội kéo xuồng là lực lượng duy nhất có thể giúp người và hàng của mọi chuyến tàu cập bến An Bang. Giữ cho xuồng không lật, “áp tải” 100% người và hàng hóa ra vào đảo an toàn là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Vì vậy, đội kéo xuồng ở đảo An Bang được huấn luyện rất bài bản. Chắc chắn giọt mồ hôi của các chiến sỹ đã rơi thật nhiều trên thao trường An Bang. 
 
Thiếu tá Đặng Ngọc Nam, Chỉ huy trưởng đảo An Bang, chia sẻ: “An Bang là chốt tiền tiêu ở phía nam Trường Sa. Địa hình của đảo hết sức phức tạp và thường xuyên hứng chịu những trận cuồng phong và sóng dữ nên rất khó ra vào. Chính vì vậy, việc huấn luyện kỹ năng kéo xuồng cho chiến sỹ rất được chỉ huy đảo chú trọng tổ chức thường xuyên. Nhiều mô hình được đặt ra, được vẽ ngay trên sân cảng để anh em luyện tập. Các chiến sĩ luôn được quán triệt có ý chí kiên cường, tư tưởng vững vàng, sức khỏe dẻo dai và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Trong quá trình huấn luyện, chỉ huy đảo chọn ra một vài cá nhân có đủ các yếu tố sức khỏe, nhiệt tình, và xử lý tình huống tốt làm hạt nhân trong mỗi lần tổ chức kéo xuồng”.
 
Những hạt nhân ấy luôn đảm nhận những nhiệm vụ nguy hiểm, khó khăn nhất. Hạt nhân thiếu úy Lê Bá Kình cười nói: “Nhiệm vụ kéo xuồng được xem là mệnh lệnh chiến đấu mà chúng tôi phải hoàn thành”; còn trung úy Bùi Văn Đông thì khiêm tốn: “Tất cả anh em như một khối, nhất nhất làm theo mệnh lệnh của chỉ huy, tất cả vì mục tiêu 100% người và hàng ra vào đảo an toàn”; binh nhất Nguyễn Văn Quỳnh tâm sự :“Khi đã vào nhiệm vụ thì xác định nhiệm vụ là trên hết, sẵn sàng xả thân quên mình”.
 
Được biết, mỗi lần kéo xuồng được bố trí như một trận đánh, nhiệm vụ từng người được xác định rất chi tiết, tuyệt đối không được phép hấp tấp, cảm tính, nhất nhất phải tuân theo mệnh lệnh.
 
 “Vào được An Bang đã khó, ra khơi An Bang lại càng khó hơn” đó là câu nói của thiếu tá Nam trước đêm chia tay, anh giải thích “sóng luôn có hướng đẩy vào bờ nên khi đẩy xuồng ra sẽ gặp những con sóng liên tiếp xô lại. Bởi thế chúng tôi phải lựa theo con sóng, thao tác nhanh và phải sử dụng sức chắc và đều khắp mạn xuồng, còn nếu không xuồng sẽ rất dễ lật úp lại, nguy hiểm cho cả người trên xuồng và các chiến sỹ”.
 
Sáng rời khỏi An Bang, những chiến sỹ đã mặc sẵn đồng phục dưới nước cùng đồng loạt đẩy xuồng ra. Những bàn tay ngăm đen rắn chắc bám chặt vào mạn xuồng, trên những gương mặt đang tập trung làm nhiệm vụ nổi lên những đường gân vì đang gồng mình chống sóng. Tất cả nhất nhất linh hoạt trong tiếng hô đanh thép của chỉ huy. Kỷ luật và sự đoàn kết đã chiến thắng thiên nhiên, sóng lùi lại trong nụ cười và những cái vẫy tay của cả chúng tôi và chiến sỹ.
 
Tạm biệt An Bang tôi đã hiểu vì sao lúc chia tay đảo Trường Sa Lớn các đồng chí chỉ huy ở đảo đã nói rằng “Đặt chân lên được An Bang như đã đặt chân được lên hết quần đảo Trường Sa, trải qua sóng gió ở An Bang như đã trải qua hết sự dữ dằn của biển cả”.
 
NGỌC NGÀ