Ðầu xuân vui lễ hội

01:02, 26/02/2015

Ngày 24/2 (mùng 6 Tết Ất Mùi), trong không khí ấm áp đầu xuân  Ất Mùi, đông đảo bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng ở địa phương và du khách gần xa đã nô nức về sân vận động xã Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên) tham dự Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Ngày hội xuống đồng). 

Ngày 24/2 (mùng 6 Tết Ất Mùi), trong không khí ấm áp đầu xuân  Ất Mùi, đông đảo bà con các dân tộc thiểu số (DTTS) Tày, Nùng ở địa phương và du khách gần xa đã nô nức về sân vận động xã Phước Cát 1 (huyện Cát Tiên) tham dự Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là Ngày hội xuống đồng). 
 
Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng ở Cát Tiên được diễn ra theo nghi thức gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ bắt đầu bằng việc rước 10 mâm lễ vật từ 10 thôn của xã Phước Cát 1 về sân vận động xã. Theo quan niệm, trong các mâm lễ, bà con chuẩn bị các lễ vật của địa phương để dâng tạ ơn các vị thần linh đã phù hộ cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ vật gồm gà luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh dày, bánh khảo, bánh khẩu si, ngũ quả, hoa, gạo, rượu, nước lá chanh, trứng vịt luộc… Sau khi dâng xong lễ vật, Thầy Tào (người cúng chính) cử hành nghi lễ. Sau phần lễ, là phần hội, với các trò chơi dân gian như: Ném còn, kéo co, đi cà kheo, đập heo đất, hát then đàn tính, giao lưu văn nghệ. 
 
Ông Trần Trọng Cương, Chủ tịch UBND xã Phước Cát 1, cho biết: Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Nùng có lịch sử lâu đời và được tổ chức vào đầu xuân. Đây là thời điểm giao hòa giữa đất trời, là dịp để cầu mong mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng tươi tốt và muôn vật sinh sôi nảy nở; đồng thời, cầu cho mọi người bước vào năm mới bình an, no đủ và hạnh phúc. Hiện nay, xã Phước Cát 1 đang từng bước đưa Lễ hội Lồng Tồng về các thôn nhằm tạo sự gắn kết giữa người dân để xây dựng, bảo tồn nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Đây cũng là điểm “nhấn” để đưa Lồng Tồng trở thành sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng của địa phương.
 
° Cũng trong ngày 24/2, làng Mông (thôn 10C, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) đã nô nức tổ chức Lễ hội mùa xuân. Đây là lễ hội được cộng đồng người Mông và một số dân tộc anh em duy trì nhiều năm trở lại đây vào mỗi dịp tết đến xuân về. Ông Nguyễn Văn Cửu, Trưởng thôn 10C, cho biết: Lễ hội mùa xuân là dịp để người dân thôn 10C nói riêng và người dân các thôn, xã lân cận cùng nhau hội tụ để giao lưu văn hóa truyền thống. Nhiều trò chơi dân gian của các dân tộc phía Bắc được tổ chức tại Lễ hội mùa xuân. Đây là địp để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống trong cộng đồng dân cư, nhất là thế hệ thanh niên được sinh ra và lớn lên trên quê hương mới Lộc Thành. 
 
Tại Lễ hội mùa xuân năm nay, có nhiều trò chơi dân gian lý thú như ném còn, leo cột mỡ, múa khèn, đâm bù nhìn, kéo co, đẩy gậy… và các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ.
 
Không gian lễ hội
Không gian lễ hội

 

Đi cà kheo
Đi cà kheo

 

Hát then đàn tính
Hát then đàn tính

 

Người dân thôn 10C nô nức tham gia Lễ hội mùa xuân
Người dân thôn 10C nô nức tham gia Lễ hội mùa xuân

 

Ném còn
Ném còn

 

Múa khèn
Múa khèn

 

Đâm bù nhìn
Đâm bù nhìn

 

KHÁNH PHÚC - ÐÔNG ANH