Một gia đình "đại đoàn kết dân tộc" hiếm có với 3 dân tộc: Kinh, K'ho, H'rê đã sinh ra những người con hiếu học, không ngại gian khó đem kiến thức, tay nghề để giúp ích cho đời.
Một gia đình “đại đoàn kết dân tộc” hiếm có với 3 dân tộc: Kinh, K’ho, H’rê đã sinh ra những người con hiếu học, không ngại gian khó đem kiến thức, tay nghề để giúp ích cho đời.
Chuyện nàng sơn nữ H’rê
BS Đinh Thị Phương Châm - Trưởng Phòng khám Đa khoa khu vực Hòa Ninh làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân 5 xã phía nam của huyện Di Linh: Hòa Ninh, Hòa Nam, Hòa Bắc, Hòa Trung, Đinh Trang Hòa. Chị Phương Châm kể rằng: Bố mẹ chị đều là người dân tộc H’rê từ tỉnh Quảng Ngãi tập kết ra Bắc theo diện học sinh miền Nam ra Bắc học. Họ gặp và lấy nhau sinh ra 4 người con gái trên đất Bắc; trong đó, Phương Châm (sinh năm 1972) là con út trong gia đình. Giải phóng miền Nam, gia đình chị trở về sinh sống tại quê nhà ở xã Thanh An, huyện Minh Long (tỉnh Quảng Ngãi). Khó khăn ập đến khi Phương Châm 12 tuổi đang học lớp 7 thì mẹ mất. Học hết lớp 9, Phương Châm theo chị gái lên Đắc Lắc để tiếp tục việc học tập. Lúc này, nàng sơn nữ H’rê đã phải lựa chọn theo đuổi ước mơ làm bác sĩ hay là phát triển năng khiếu ca hát. Bởi chị thi đậu vào Trường Văn hóa nghệ thuật Đắc Lắc bộ môn thanh nhạc - múa, nơi đây chị có thể vừa tiếp tục học văn hóa cấp 3 vừa học năng khiếu, nhưng khi nhận giấy báo nhập học thì Phương Châm lại từ bỏ để vào học Trường PTTH nội trú N’Trang Lơng. “Mình ước mơ làm bác sĩ từ nhỏ còn ca múa chỉ là thú vui thôi!” - Phương Châm cười giải thích sự lựa chọn con đường làm bác sĩ ngay từ năm học lớp 10.
Theo đuổi ước mơ làm bác sĩ, Phương Châm đã thi vào Khoa Y của Trường Đại học Tây Nguyên và tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 1998. Tại đây, Phương Châm đã gặp chàng trai người dân tộc K’Ho cũng học bác sĩ trước chị 2 năm, anh K’Ngọc Hùng (sinh năm 1971) đến từ xã Liên Đầm, huyện Di Linh (Lâm Đồng). Tình yêu và nghề nghiệp đã đưa nàng sơn nữ H’rê về với cao nguyên Di Linh.
Làm bác sĩ chuyên môn tại Phòng khám Đa khoa khu vực Hòa Ninh từ năm 2000, đến năm 2012, Phương Châm nhận nhiệm vụ trưởng phòng khám với quy mô 10 giường bệnh và 12 cán bộ y tế. Phòng khám có đầy đủ trang thiết bị như: siêu âm, điện tim, xét nghiệm sinh hóa, thực hiện được các kỹ thuật tiểu phẫu, KHHGĐ, sơ cấp cứu ban đầu, khám chữa các bệnh thông thường, mỗi ngày khám trung bình 80 bệnh nhân. “Điều trị khỏi bệnh cho từng bệnh nhân, cảm giác vui vô cùng. Giống người thân của mình đỡ bệnh cũng có cảm giác y như vậy. Bệnh nhân chưa khỏi thì mình lo lắng không yên” - BS Phương Châm thổ lộ tâm trạng hàng ngày của mình khi chữa bệnh cho bà con. Do đặc thù công việc, một tháng chị ở lại phòng khám hết nửa tháng để đảm nhiệm việc quản lý, làm chuyên môn và thường xuyên đưa con theo mẹ đi trực đêm hoặc gởi con cho nhà nội chăm sóc vì chồng đi công tác xa.
|
Bác sĩ Đinh Thị Phương Châm (bên trái) cùng con trai và giảng viên hướng dẫn luận án chúc mừng bác sĩ K’Ngọc Hùng trong ngày lễ tốt nghiệp BSCKII |
BS K’Ngọc Hùng 9 năm trên vùng đất khó
BS K’Ngọc Hùng ra trường từ năm 1996 và nhận công tác tại Trạm Y tế Đinh Trang Hòa (Di Linh). Công tác ở trạm 10 năm, anh được Sở Y tế Lâm Đồng phân công về Đam Rông công tác từ năm 2006, làm Phó Giám đốc TTYT huyện và năm 2007 làm Giám đốc TTYT Đam Rông. Huyện nghèo của cả nước vừa kỷ niệm 10 năm thành lập thì với BS K’Ngọc Hùng bắt đầu năm thứ 9 công tác xa nhà, trường kỳ bám trụ ở vùng đất gian khó để xây dựng hệ thống y tế Đam Rông bắt đầu từ lúc khó khăn nhất trở thành điểm sáng của ngành Y tế Lâm Đồng về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Anh có cho rằng làm việc ở huyện nghèo của cả nước như Đam Rông là sự hy sinh lớn của người bác sĩ?
- Câu hỏi của chị làm tôi chợt nhớ đến một bài hát “… ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai ...” và là một người thầy thuốc thì dù ở đâu cũng cần thực hiện chức năng của mình là chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ở những vùng khó khăn nói chung thì đời sống của những cán bộ y tế ở những vùng này đều nhờ vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nên cần có thêm những chính sách để cán bộ y tế yên tâm gắn bó lâu dài và phục vụ nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lúc nhận nhiệm vụ mình hết sức trăn trở là mình phải làm gì, làm bằng cách nào để có thể giúp được cho nhiều cán bộ nhân viên y tế của mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và qua đó họ giúp ích được cho nhiều bệnh nhân và cộng đồng. Với cách làm cũng hết sức bình thường là mình hướng dẫn, trao đổi, chia sẻ với anh chị em từ cán bộ trạm y tế xã cho đến TTYT huyện với những gì mình hiểu biết và uốn nắn, chấn chỉnh những vấn đề mà anh chị em chưa hiểu đúng hoặc làm chưa nghiêm túc để lần sau làm tốt hơn. Đồng thời, nghiên cứu những vấn đề mới do vị trí công tác yêu cầu mà trước đây mình chưa có điều kiện tiếp cận và cứ như thế công việc đã làm cho mình cảm thấy bận rộn, say mê. Hơn thế nữa, mình thấy anh em cán bộ ở đơn vị cần mình, người dân ở đây cũng cần mình, bản thân mình thì cũng cảm thấy mình đã làm được điều gì đó có ích cho nhân dân ở đây và cũng lấy đó làm niềm vui để tự động viên mình.
Là tấm gương điển hình Học tập và làm theo Bác đã được ngành Y tế biểu dương, anh cho biết cụ thể về những việc mình đã làm?
- TTYT huyện Đam Rông từ một đơn vị khó khăn về mọi mặt, xuất phát điểm rất thấp, sau 10 năm hình thành và phát triển, ngành Y tế Đam Rông đã đạt được kết quả như hôm nay là nỗ lực phấn đấu của cả một tập thể cán bộ y tế từ huyện cho đến trạm y tế xã, chứ không phải riêng một cá nhân nào.
Đối với y tế xã: Năm 2006 chưa có xã nào đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; từ năm 2007 đến năm 2009, đã xây dựng được 8/8 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí giai đoạn 2001-2010 của Bộ Y tế và về trước nghị quyết của Huyện ủy và Tỉnh ủy Lâm Đồng một năm. Đến nay, đơn vị đã xây dựng được 3/8 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí mới giai đoạn 2011-2020 của Bộ Y tế.
Đối với hệ dự phòng: Công tác phòng chống dịch bệnh đã tổ chức triển khai khống chế dịch bệnh một cách có hiệu quả, không để các dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Các chương trình mục tiêu y tế luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, thực hiện chương trình một cách có hiệu quả. Đội chăm sóc sức khỏe sinh sản đạt loại tốt và Đội y tế dự phòng đạt loại xuất sắc nhiều năm liền.
Đối với hệ điều trị: Ngày càng triển khai được nhiều kỹ thuật mới, công tác thu dung điều trị nội trú, ngoại trú ngày càng tăng theo từng năm. Năm 2006 công suất sử dụng giường bệnh dưới 30%, năm 2007-2008 tăng lên 45-65%. Năm 2009 tăng lên 90%, từ năm 2012 đến 2014 đều vượt trên 100%, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên.
Khi mới thành lập, TTYT Đam Rông có 76 cán bộ y tế, trong đó có 1 BSCKI, 6 BS Đa khoa, còn lại là trung cấp trở xuống. Đến nay, có 166 cán bộ y tế, trong đó có 1 BSCKII, 4 BSCKI, 1 DSĐH, 5 cử nhân, 25 BS Đa khoa và 2 BS Y học cổ truyền. Trong đó có 10 BS được cử đi học từ nguồn tại chỗ của đơn vị đã trở về công tác, đã đào tạo 3 phẫu thuật viên, kíp phụ mổ, gây mê hồi sức, chuyên khoa sơ bộ… Hiện đang đào tạo 4 BSCKI, 1 DSĐH, 1 cử nhân gây mê hồi sức, 5 cử nhân điều dưỡng và NHS.
Gia đình dân tộc thiểu số hiếu học
Bước chuyển mình của ngành Y tế Đam Rông dĩ nhiên có dấu ấn cá nhân BS K’Ngọc Hùng. Anh chấp nhận công tác xa nhà 150km, có khi hàng tháng mới về thăm nhà vì công tác thường trực phòng chống dịch, khám cấp cứu và củng cố kiện toàn bộ máy y tế từ huyện đến thôn bản. Quá trình công tác ở huyện nghèo Đam Rông, BS K’Ngọc Hùng đã không ngừng học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, anh đã hoàn thành bác sĩ chuyên khoa cấp I (BSCKI) tại Trường Đại học Y Huế năm 2004 và vừa tốt nghiệp BSCKII tại Trường Đại học Y Hà Nội năm 2014.
BS Phương Châm qua 14 năm công tác tại Phòng khám Đa khoa khu vực Hòa Ninh đã thi vào lớp BSCK I của Trường Đại học Y Dược Tp.HCM. Đầu tháng 3/2014, chị có thông báo trúng tuyển đi học thì lại không sắp xếp được việc gia đình nên đành bỏ dở. Chị cho biết: “Hai vợ chồng bàn bạc, thấy con trai còn bé quá (mới 6 tuổi), nếu học ở Tp.HCM mình phải dẫn cháu theo mẹ 2 năm nên không đành lòng đi học”. Rồi chị lại tiếp tục đi thi và trúng tuyển vào học lớp Chuyên khoa cấp I về Y tế Công cộng do Trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội mở tại Lâm Đồng khai giảng vào tháng 11/2014 hệ vừa học vừa làm. Chị học theo đợt, mỗi đợt 3 tháng, thuê nhà trọ ở Đà Lạt để học. Tranh thủ ngày cuối tuần về thăm nhà, có khi con nhớ mẹ gọi điện khóc nên ban ngày học, chiều tối chị về Di Linh với con để sáng sớm 4 giờ lại đón xe đò lên Đà Lạt học.
BS K’Ngọc Hùng có bố là người K’Ho, mẹ là người Kinh. Gia đình có 6 anh em (K’Ngọc Hùng là con đầu) đều học hành thành đạt: 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 1 nữ hộ sinh, em dâu là dược sĩ và 1 đại học ngân hàng. Ngày nàng sơn nữ H’Rê về làm dâu, Phương Châm chỉ nói được tiếng Kinh, còn các thành viên trong gia đình sử dụng 2 thứ tiếng: Kinh, K’Ho. “Mình không biết nói tiếng K’Ho, bây giờ mình nghe được, nói được một ít. Mẹ chồng mình rất hiền, gần gũi, chỉ dạy cho mình như con gái nên mình không thấy khoảng cách con dâu - mẹ chồng. Anh em trong gia đình rất yêu thương đùm bọc, mình đi học, thường xuyên làm việc ở phòng khám, chồng công tác xa, con cái đều nhờ nhà nội chăm sóc” - BS Phương Châm chia sẻ.
Lúc K’Ngọc Hùng đi học BS chuyên khoa, gia đình cũng gặp nhiều khó khăn vì còn phải lo cho 2 em đang học đại học. K’Ngọc Hùng cho biết: “Kiến thức y học rất mênh mông, là cán bộ y tế nói chung và là bác sĩ nói riêng để có thể thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình thì không ngừng tự học hỏi, cập nhật kiến thức để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau. Người thầy thuốc phải có cái tâm tốt và cần phải có kiến thức tốt, kỹ năng giỏi để cứu giúp người bệnh. Cho nên mình động viên vợ và các em cố gắng thu xếp công việc gia đình cho phù hợp, khắc phục khó khăn để đi học nâng cao trình độ, như vậy mới hy vọng có điều kiện thực hiện tốt hơn chức năng nhiệm vụ của người thầy thuốc”.
DIỆU HIỀN