Hằng năm, họ lặng lẽ hẹn gặp nhau vào một ngày đầu tiên của năm mới. Những người dự buổi liên hoan họp mặt, trước đó đã tập trung tại Nghĩa trang Tp. Đà Lạt để viếng các anh hùng liệt sĩ và những người đồng đội đã nằm xuống...
Hằng năm, họ lặng lẽ hẹn gặp nhau vào một ngày đầu tiên của năm mới. Những người dự buổi liên hoan họp mặt, trước đó đã tập trung tại Nghĩa trang Tp. Đà Lạt để viếng các anh hùng liệt sĩ và những người đồng đội đã nằm xuống. Những người đang yên nghỉ nơi đây không phải hy sinh trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc hay chống giặc ngoại xâm, mà ra đi vì cuộc đấu tranh bảo vệ sự bình yên của buôn làng Tây Nguyên những năm đầu giải phóng. Họ thuộc biên chế của Hội đồng đội D1-E29-C22 (Bộ Công an) - Tiểu đoàn 1 tăng cường vào Tây Nguyên chống Fulro.
|
Những cựu binh Tiểu đoàn 1 Anh hùng hằng năm kính cẩn, nghiêng mình trước Tượng đài liệt sĩ |
Những năm tháng gian khó không thể nào quên
8 giờ sáng ngày thứ bảy (4/1/2015), những người đàn ông ở độ tuổi 60 lần lượt xuất hiện ở Nghĩa trang Tp. Đà Lạt. Họ gặp nhau, mừng rỡ bắt tay, vỗ vai hỏi thăm nhau cuộc sống một năm qua, công việc làm ăn, gia đình, con cái…; nhắc nhau về những người đồng hương, những người đồng đội cũ,… Có những người phụ nữ đi cùng chồng… Ông Nguyễn Thanh Hùng (60 tuổi) cho biết: “Tiểu đoàn 1 chúng tôi là Tiểu đoàn Anh hùng đó chứ, nhưng sau đó chia năm xẻ bảy. Ở Hà Nội khoảng trăm mấy, hai trăm “đứa”, còn lại là Tây Nguyên. Tiểu đoàn trưởng ngày trước là ông Nguyễn Tiến Thạc, rồi đến ông Canh…”. “Giờ họ ở đâu ạ?”/ “Chắc chết rồi! Các ông ấy ngày xưa là thượng úy - đại úy đều đã già lắm rồi… Tôi lúc đó là đội phó Đội vệ binh của Tiểu đoàn, khoảng hai mấy tuổi, từ lính giải phóng miền Nam về… Tiểu đoàn 1 chúng tôi được thành lập từ ngoài Bắc, đến năm 1978, chúng tôi vào đây…”.
Ông Nguyễn Bá Tường - đang là Phó Chủ tịch UBND phường 5, kể: Sau khi giải quyết xong vấn đề Fulro ở Lâm Đồng, năm 1985, Tiểu đoàn lên Gia Lai, nay vẫn còn một Trung đoàn chống bạo động ở trên đó. Sau khi Tiểu đoàn rút lên Gia Lai, một số được bàn giao về Công an tỉnh, có người chuyển đi các khu vực khác, có người ra quân… Bây giờ, Ban liên lạc Tiểu đoàn 1 ở Lâm Đồng có khoảng 60 người, nhưng sinh hoạt khoảng bốn mấy người, anh em ở Đà Lạt, Di Linh, Lâm Hà, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương…
Quân số Tiểu đoàn 1 lúc ấy gồm 4 đại đội, mỗi đại đội gồm 4 trung đội, mỗi trung đội có 2 tiểu đội với khoảng 400 chiến sĩ. Các chiến sĩ đều ở độ tuổi 17-21 tuổi, nhập ngũ từ khi 17 tuổi, ai đã trải qua thời gian huấn luyện (3 năm) ở Trường Trung cấp Cảnh sát bảo vệ thì 20, 21… Đa số quân Tiểu đoàn là người từ Quảng Bình trở ra, đông nhất là người Nghệ An, Hà Tĩnh… Nên, chúng tôi bây giờ về tới Quảng Bình là có đồng đội đón, sau đó đi đến đâu là có anh em đến đó…
Cuộc đấu tranh chống Fulro rất khắc nghiệt. Fulro đã dùng khẩu hiệu tuyên truyền rất “thâm thúy” để lôi kéo, dụ dỗ bà con dân tộc thiểu số: “Hỡi đồng bào Tây Nguyên, đường lối của ông Hồ Chủ tịch là đúng đắn, là cái cán bộ chúng nó làm sai, đồng bào Tây Nguyên chúng ta hãy vùng lên để tự cứu lấy ta”… Chúng còn phân biệt người miền Bắc với miền Nam, người Bắc bị bắt là bị diệt ngay… Nên, chúng tôi lúc đó, ý chí của người chiến sĩ là trên hết chứ cuộc sống hồi ấy vô cùng gian khổ. Sống trong vùng Păng Tiêng hay Đạ Nghịt cả nửa năm, nếu không ra phố là không có thấy người. Chúng tôi ở trong làng cũ của người đồng bào đã chuyển đi nơi khác (du cư), đào hầm ở trong rừng cỏ tranh. Đồng bào đã đi nơi khác làm rẫy, nhưng trâu của đồng bào vẫn ở đấy. Sợ nhất là ban đêm, Fulro về làng theo trâu (đi lẫn vào trong đàn trâu, nhìn không thấy người) thì có mà tiêu. Lúc ấy thật kinh khủng, nghĩ lại bây giờ vẫn thấy khủng khiếp luôn…
Anh Nguyễn Hà Thế - cán bộ nghỉ hưu ở Đức Trọng, tiếp lời đồng đội: Hồi ở Tiểu đoàn 1 tôi là cán bộ Tiểu đội phục vụ chiến đấu ở C1, D1, đóng quân ở Suối Thông A, Suối Thông B, Cam Bốt. Anh em Tiểu đoàn 1 của chúng tôi hy sinh 12 đồng chí, ở nghĩa trang đây có 11 đồng chí. Tôi đã ở bên liệt sĩ Trương Quang Đãi những giờ phút cuối cùng. Anh Đãi cùng tiểu đội với tôi, đóng ở chốt Cam Bốt, bị thương đêm 2/9. Chúng tôi đang ngủ thì khoảng 2 giờ bị Fulro tập kích. Có 2 người bị thương, nhưng anh Đãi nặng nhất bị bắn thủng bụng, lòi ruột… Chúng tôi tập trung cấp cứu, nhưng trong rừng điều kiện không có, nên chỉ hơn một tiếng sau là hy sinh.
Lấy lính là phải chấp nhận
Ông Nguyễn Cảnh Phượng - Trưởng Ban liên lạc, hồi đó là thượng sĩ, trợ lý Chính trị của Tiểu đoàn 1, trước lúc về hưu là trung tá thuộc Công an tỉnh Lâm Đồng, kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về chiến sĩ Nguyễn Văn Tuất: Anh Tuất (sinh năm 1957) vừa bị Fulro bắt thì có tin vợ anh lên tàu vào thăm chồng. Khi chị đến nơi, Chỉ huy Tiểu đoàn nói: “Đồng chí Tuất còn đang đi công tác!” chứ chưa dám nói thật. Nghe chiến sĩ Tiểu đoàn xì xào bàn tán, chị nằm khóc sụt sịt cả đêm… chúng tôi nằm ở giường bên cạnh chịu không nổi phải bỏ ra ngoài… Lúc đó là tháng 2 năm 1981, nhưng phải 2 năm sau mới tìm được xác đồng chí Tuất trong rừng cỏ tranh…
Đồng chí Tuất vào Tiểu đoàn 1 từ tháng 1/1978, ở C4, với nhiệm vụ truy quét Fulro ở Tà Nung, là Tiểu đội trưởng. Ngày 24/2/1981, đồng chí Tuất và đồng chí Tuấn, đồng chí Đủ ở Công an thành phố đi thành một tốp cùng một tốp khác đi trinh sát địa bàn phục vụ cho các trận đánh Fulro. Không may, tốp của anh Tuất bị phục kích. Hồi đó vùng Tà Nung rừng còn nhiều lắm, nên chúng tôi không thể biết là các anh đã hy sinh ở nơi nào, dù đã tổ chức đi tìm kiếm hàng tháng trời… Mãi 2 năm sau, bà con đi rừng, đốt rẫy mới phát hiện ra. Chính tôi và một số anh em ở Tiểu đoàn 1 và bên Công an Lâm Đồng tổ chức bốc hài cốt. Thi thể của anh em không còn đầy đủ, chúng tôi nhận diện bằng chiều cao của từng người mà nhặt xương, còn đốt xương tay thì thu lại chia làm 3, vì không thể phân biệt được nữa…
Chị Lập - vợ anh Dương (Công an Di Linh) năm nào cũng theo chồng đi viếng đồng đội, kể: Hồi xưa bọn chị sống gần chỗ mấy anh này. Chị lúc đó làm thương nghiệp. Các anh ấy vào, rồi nhận đồng hương, rồi yêu nhau… Chị cưới anh Dương và có một cô con gái nhỏ sinh năm 1981. Mỗi lần ảnh đi công tác, chị thường chuẩn bị cho 1-2 kg cá khô, đi hàng tháng trời. Nhìn thấy chồng về mới biết là còn sống, chứ đã xác định “Lấy lính là phải chấp nhận”. Các anh mỗi lần lên đường đi công tác chỉ an ủi có một câu: “Lính mà em…!”… Rồi khi Tiểu đoàn rút đi, anh em nào có gia đình thì xin ở lại. Chị bán hàng ở Đơn Dương. Anh xin chuyển về Đơn Dương không được nên xin về Di Linh, rồi chị cũng theo anh về Di Linh năm 1997. Nay, anh chuẩn bị nghỉ hưu, còn ba người con của anh chị đều làm trong ngành Công an của tỉnh…
Tình đồng đội không gì thay thế được
Câu chuyện của chúng tôi với các chiến sĩ của Tiểu đoàn 1 anh hùng cứ nối tiếp, mỗi phần mộ là một câu chuyện xúc động và chi tiết như mới xảy ra hôm qua, từ liệt sĩ Tuất, đến liệt sĩ Đãi, rồi các liệt sĩ Đinh Văn Thiệu, Lại Văn Vinh, Trần Trung Khang, Mai Văn Đề, Trần Đức Hạnh, Hàn Đạt Thọ, Giáp Văn Xuyên, Dương Văn Diễn, cuối cùng là liệt sĩ Lưu Thế Hà. Liệt sĩ Hà được phong Anh hùng thời kỳ xây dựng đất nước, nằm cùng hai anh hùng liệt sĩ tiêu biểu cho thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, ngay cạnh Đài tưởng niệm.
Thượng sĩ Lưu Thế Hà sinh năm 1960, vào Lâm Đồng năm 1977, hy sinh năm 1981… Anh Hà là cán bộ Tiểu đội (A Trưởng), rất gần gũi anh em và rất dũng cảm. Anh Hà hy sinh, khi tắm rửa cho anh, chúng tôi phát hiện, anh trúng đến 4-5 phát đạn. Trong trận chiến, lúc anh Hà bị trúng đạn, một số anh em lao đến định băng bó. Nhưng, trước mặt là Fulro, anh Hà nói: “Thôi, các đồng chí cứ để tôi nằm đây. Đừng có vì tôi! Hãy lao lên tiêu diệt Fulro!”...
30 năm qua rồi, chúng tôi, người còn tiếp tục trong ngành Công an, người đã phục viên làm ngành nghề khác, người là sĩ quan, người là dân thường… nhưng, năm nào chúng tôi cũng gặp nhau, ôn lại những tháng ngày gian khổ khi chúng tôi mới đặt chân lên mảnh đất Tây Nguyên - Lâm Đồng. Chúng tôi đã cùng nhau sống, chiến đấu và trải qua thời trai trẻ vô cùng khó khăn và đã mãi mãi chia tay 12 người đồng đội thân yêu trên mảnh đất này - ông Nguyễn Cảnh Phượng bồi hồi xúc động…
***
Câu chuyện của chúng tôi với từng người cựu binh chống Fulro xưa nối thành câu chuyện về Tiểu đoàn 1 Anh hùng. Nhưng đọng lại là tình đồng đội thân thiết trong hoàn cảnh chiến tranh đã kết thúc mà ranh giới giữa sự sống và cái chết vẫn còn cách nhau gang tấc; là sự thấp thỏm lo âu của những người vợ, người con gái chờ đợi người thân yêu mỗi chuyến công tác không biết trước ngày trở về; là khó khăn, gian khổ và thiếu thốn của những năm tháng sau chiến tranh và là sự nghiệt ngã của tiếng súng giữa thời bình… Năm tháng qua đi, những mái đầu nay đã điểm bạc, lúc chia tay vẫn “mày”, “tao” ríu rít, nhắc nhau một cái hẹn cho tận đầu năm sau gặp nhau, và… thắp cho “chúng nó” vài nén hương…ª
Ghi chép: LÊ HOA