Đã qua 85 "mùa rẫy"

04:02, 13/02/2015

Theo cách gọi ngày xưa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, Trại Cùi Di Linh (sau đó được đổi tên là Trại Phong và hiện là Khu Điều trị Phong) tính đến xuân này là đã "bước" trọn 85 mùa rẫy. Chặng đường 85 năm ấy cũng đã khá dài và để lại nhiều "dấu ấn" khắc sâu những tấm lòng nhân ái, bao dung...

Theo cách gọi ngày xưa của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Tây Nguyên, Trại Cùi Di Linh (sau đó được đổi tên là Trại Phong và hiện là Khu Điều trị Phong) tính đến xuân này là đã “bước” trọn 85 mùa rẫy. Chặng đường 85 năm ấy cũng đã khá dài và để lại nhiều “dấu ấn” khắc sâu những tấm lòng nhân ái, bao dung. Họ đã tìm đến với những người có số phận kém may, đã một thời bị con người và buôn làng ruồng bỏ, khinh khi. Họ đã miệt mài lần theo những mùa rẫy. Và, đến hôm nay, tất cả chúng ta đều nhận ra ở họ, là những ân nhân, những tấm lòng cao cả đã góp phần dựng xây nên một “tổ ấm” cho những ai mang căn bệnh phong.
 
Từ người sáng lập - Linh mục Jean Cassainge 
 
Jean Cassaigne sinh ngày 30/1/1895 tại Grenade, Pháp. Ông được thụ phong Linh mục ngày 19/2/1925. Ngày 24/1/1927, Linh mục Jean Cassaigne đến Cao nguyên Djiring (Di Linh) nhận công việc truyền giáo. Trong thời gian mới đến vùng đất Di Linh, Jean Cassaigne gặp gỡ dân làng và đã cảm nhận, yêu thương đồng bào DTTS, vì họ quá nghèo khổ, cần được sự sẻ chia, giúp đỡ. Cái khó nhất ban đầu là ngôn ngữ, nên Linh mục Jean Cassaigne đã dành thời gian để bắt đầu khởi sự bằng cách học nói tiếng Kơ Ho, một ngôn ngữ lúc bấy giờ chưa có chữ viết. Jean Cassaigne đã phải tìm tòi từng ký tự trong ngôn ngữ của họ. Đến tháng 12/1929, Jean Cassaigne đã xuất bản Từ điển Pháp - Kơ Ho - Việt. Đây là cuốn từ điển đầu tiên hình thành chữ viết cho ngôn ngữ Kơ Ho, một “công trình” rất đáng trân trọng. Sau đó, ông xuất bản cuốn “Phong tục tập quán người dân tộc Kơ Ho” (12/1937) và xuất bản tập “Giáo lý cho người Kơ Ho” (1938).         
 
Trong thời gian sinh sống tại Di Linh, Jean Cassaigne được người DTTS ở địa phương đón nhận tình cảm và sự yêu thương từ hành vi bác ái của ông. Họ đã thực sự nhận ra ở Linh mục Cassaigne tình yêu thương họ, qua việc ông giúp đỡ, đón nhận và nuôi dưỡng những người mắc phải bệnh “cùi”. Đây là những con người “xấu số”, bất hạnh, vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị nhiễm lây, nên đã ruồng rẫy, xua đuổi vào rừng rú xa vắng, khiến họ chết dần trong nỗi đau tinh thần và thể xác. 
 
Đến ngày 11/4/1929, Linh mục Jean Cassaigne đã quy tụ những người mắc phải bệnh cùi để thành lập Trại Cùi Di Linh. Ông đã chọn một khu đất biệt lập, chông chênh đồi núi, cách trung tâm thị trấn Di linh chừng 2 cây số để thành lập Trại (gồm Khu Điều trị là Làng Phong). Ông đã xây dựng Trại Cùi thành một gia đình ấm cúng, chở che, đùm bọc những phận số không may. 
 
Một tin vừa mừng vui vừa lo lắng, ngày 24/6/1941, Linh mục Jean Cassaigne được tấn phong Giám mục. Ông phải tạm rời xa những người con yêu thương xứ Thượng Di Linh để về Sài Gòn. Sau đó, theo lời thỉnh cầu của mình và được Tòa Thánh chấp thuận, ngày 2/12/1955, Đức Giám mục Jean Cassaigne trở lại Di Linh. Từ đây, ông dành trọn cuộc đời còn lại để sống, để yêu thương và phục vụ bệnh nhân tại Trại Cùi. Thời gian trôi nhanh, tháng 2/1973, Đức cha bị té gãy chân, không đi lại được. Trên giường bệnh, Đức cha nói: “Suốt 46 năm, cha đã cùng chung sống với các con; đã sống tại Việt Nam, quê hương thứ hai của cha và đã dâng hiến tất cả cho các con! Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo!…”. 
 
Ngày 20/10/1973, Đức cha Jean Cassaigne bắt đầu trở bệnh nặng và 10 ngày sau, vào lúc 1 giờ 25, đã được Chúa “gọi” về. Đức cha được an táng bên cạnh Nhà nguyện của Trại Phong Di Linh vào ngày 5/11/1973.
 
Đến các thế hệ kế thừa
 
Đức Giám mục Jean Cassaigne qua đời, các soeur Mai Thị Mậu, Nguyễn Thị Lý cùng nhiều vị nữ tu và các thế hệ y, bác sĩ, nhân viên tiếp tục sự nghiệp của ông. Trong đó, người có công lao nhất góp phần xây dựng Khu Điều trị Phong trở thành một đơn vị tiêu biểu được Nhà nước phong tặng Huân chương Lao động hạng Ba, là bà Mai Thị Mậu (một vị nữ tu, nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng, Trưởng Khu Điều trị Phong Di Linh). Bà đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cách đây gần 10 năm. 
 
Năm 27 tuổi (1968), khi vừa tốt nghiệp Trung cấp Y dược Dòng tu Nữ tử Bác ái Vinh Sơn (Sài Gòn), bà Mai Thị Mậu về Trại Cùi Di Linh để cùng cộng sự với Đức Giám mục Jean Cassaigne. Bốn mươi sáu năm ròng rã xả thân, hy sinh và chung sống với bệnh nhân phong, bà Mai Thị Mậu luôn được mọi người yêu thương, cảm phục với tên gọi trìu mến Mơi (Mẹ) Mậu. Trong mấy chục năm qua, tại Khu Điều trị Phong có bao nhiêu bệnh nhân là Mơi Mậu đều biết đến tên từng người. Mặc dù đã được nghỉ hưu, nhưng hiện nay bà vẫn đang tiếp tục giúp Khu Điều trị Phong Di Linh tại Cơ sở 2 (Làng Phong II) trực tiếp hướng dẫn các gia đình bệnh nhân phong làm ăn, sinh sống và tái hòa nhập cộng đồng. 
 
Bà Mai Thị Mậu tâm sự với chúng tôi: “Tôi nghĩ, đời người ai mà không khát khao cuộc sống và hạnh phúc. Còn bản thân người mắc bệnh phong, họ luôn mặc cảm, gánh chịu nỗi đau của số phận. Họ sống bằng sự cưu mang, đùm bọc của cộng đồng, của xã hội và khả năng, sức lực còn lại của mình khi thân thể không còn nguyên vẹn nữa! Chính vì thế, ngoài việc chăm lo điều trị, chăm sóc tàn tật và phục hồi chức năng cho người bệnh, tôi cũng như cả tập thể Khu Điều trị Phong còn lo lắng, tạo điều kiện giúp họ nên vợ, nên chồng, xây dựng hạnh phúc gia đình và lo lắng cho con cái họ học hành…”.   
 
Kế thừa sự nghiệp Đức Giám mục Jean Cassaigne, soeur Mậu một mực thủy chung và hết lòng yêu thương người bệnh. “Chừng nào còn sống, tôi còn ăn ở với bệnh nhân phong!” - Bà Mậu đã có lần tâm sự với tôi như thế. Bà Mậu đã nghỉ hưu nhưng còn “để lại” một nền nếp làm việc và sinh hoạt rất chuẩn mực. Các soeur, các y, bác sĩ và nhân viên phục vụ tại Khu Điều trị Phong Di Linh hiện là một tập thể “lương y như từ mẫu” đúng nghĩa.
 
Các bác sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân.
Các bác sĩ tận tình chăm sóc bệnh nhân.
 
Ấm áp một “mái nhà” chung
 
Sau ngày giải phóng, Khu Điều trị Phong Di Linh được Đảng và Nhà nước quan tâm, từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp và trở thành một đơn vị trực thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Lâm Đồng. Toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng (khu làm việc, các công trình phúc lợi, đường, điện, cấp nước sinh hoạt…) được đầu tư xây dựng. Năm 2006, Khu Điều trị Phong được Nhà nước đầu tư 310.000 USD từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Châu Á (ADB) và vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Thụy Điển (thuộc Dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân Tây Nguyên) để xây dựng, nâng cấp khu bệnh xá và các công trình khác. Hiện nay, kết cấu hạ tầng Khu Điều trị Phong Di Linh tương đối hoàn thiện, cấu trúc không gian rất “xanh, sạch, đẹp”. Đây còn là điểm “dừng chân” của nhiều đoàn từ mọi miền đến tham quan, tìm hiểu và làm công tác từ thiện xã hội. Và, đến mùa cưới, nhiều đôi “uyên ương” đến đây quay phim, chụp hình lưu niệm.  
 
Khu Điều trị Phong Di Linh gồm có bệnh xá (25 giường bệnh), khu làm việc, trường học, nhà trẻ, khu nhà ăn, khu dân cư và cơ sở sản xuất… Để phục vụ bệnh nhân, Khu Điều trị Phong được trang bị các phương tiện, thiết bị y tế và thuốc men để khám và điều trị chuyên ngành về bệnh phong, da liễu… Đội ngũ các bác sĩ, y sĩ và nhân viên phục vụ, phần lớn là con em của bệnh nhân phong, sau khi được đào tạo, trở về phục vụ tại Khu Điều trị. Các soeur và các y, bác sĩ rất tận tụy khám, chữa bệnh và chăm sóc cho từng bệnh nhân. Hàng ngày, các chị nhân viên cấp dưỡng tận tâm, chu đáo lo toan từng bữa ăn cho bệnh nhân. Đến giờ ăn, các chị niềm nở chuyển từng phần cơm đến tận giường bệnh và phòng ăn tập thể. 
 
Không theo dõi và tổng hợp được bằng con số là Khu Điều trị Phong Di Linh đã khám và chữa cho bao nhiêu bệnh nhân phong. Tuy nhiên, theo một nhân viên trực tại Khu Điều trị Phong, trong 85 năm qua, chắc chắn là lên đến con số hàng vạn lượt người. Bởi ngày trước, không chỉ bệnh nhân phong ở Di Linh, mà trong cả khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ đều đến đây khám và điều trị bệnh. Chỉ riêng trong năm 2014, không tính điều trị ngoại trú, Khu Điều trị Phong đã điều trị nội trú cho 668 lượt bệnh nhân phong. 
 
Những bệnh nhân sau khi “cắt” được bệnh, chỉ còn lại di chứng, nếu có nhu cầu ở lại thì được bố trí nơi ăn, chốn ở. Bên cạnh Khu Điều trị đã hình thành một Làng Phong từ mấy chục năm nay và hiện có 100 gia đình đang sinh sống. Để giảm bớt gánh nặng cho xã hội, Khu Điều trị Phong Di Linh đã hình thành Làng Phong II (Cơ sở 2) tại thôn Gia Lành, xã Gia Hiệp (cách Khu Điều trị Phong Di Linh 12 cây số). Tại đây, trên diện tích 53ha, 50 gia đình bệnh nhân phong đều được xây 1 căn nhà cấp 4 và được cấp từ 2 đến 4 sào đất để canh tác, làm ăn. Cuộc sống của bà con ở đây tuy không khá giả lắm, nhưng tương đối ổn định và các con đều được học hành. Một số con em được đào tạo nghề và đã tìm được công ăn việc làm ổn định. Gia đình ông K’Rẹm có 4 người con: Con đầu là K’Thạch Sơn học nghề sửa chữa ô tô; con thứ 2 là K’Thạch Anh đang theo học năm cuối đại học sư phạm và con thứ 3 là Ka Sương đang học năm đầu cao đẳng sư phạm mầm non. Ông K’Dim có con gái là Ka Lan Linh học ngành y tại Trường Đại học Tây Nguyên. Còn ông K’Sa có 3 con đều học trung cấp và cao đẳng… 
 
Trong lần công tác tại Khu Điều trị Phong Di Linh, chúng tôi đã ghé đến Làng Phong II, khi công việc thu hái cà phê của bà con cũng vừa hoàn tất. Nhà nào ít cũng được vài tạ cà phê, đủ để lo đón Tết. Ông K’Dim rất vui mừng khi tâm sự với chúng tôi: “Tuy sinh sống trong môi trường của Khu Điều trị Phong, nhưng gia đình tôi cũng như mọi người ở đây mừng lắm. Tất cả đều ấm áp trong tình yêu thương, giúp đỡ, đùm bọc của các soeur và của cộng đồng!”.
 
BÙI TRƯỞNG