Đại diện cho tiếng nói của dân phải trí tuệ và cần dũng khí

09:02, 20/02/2015

"Là đại biểu của dân, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh cho Đảng, Quốc hội biết tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân". Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng.

“Là đại biểu của dân, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh cho Đảng, Quốc hội biết tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân”. Đó là lời tâm sự của anh Nguyễn Bá Thuyền - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng.
 
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền tiếp nhận ý kiến cử tri
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền tiếp nhận ý kiến cử tri
 
Mình không nói thì ai nói cho dân
 
Cùng đi với anh tiếp xúc cử tri ở vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số Lạc Dương và ở thành phố Đà Lạt, tôi cảm nhận lúc nào đại biểu (ĐB) Nguyễn Bá Thuyền cũng thật gần gũi với mọi người. Anh pha ấm giảo cổ lam giới thiệu vị đắng và mời tôi uống. Đà Lạt nhiệt độ xuống rất thấp, gió lạnh trong nắng hanh hao. Ngồi với nhau nhấp ngụm thức uống này mà đàm đạo quả là vô cùng thi vị, ấm áp. Trong không gian lắng sâu ấy, tôi mở đầu câu chuyện với anh Thuyền:
 
- Nghe nhiều lần anh phát biểu rất thẳng thắn trên diễn đàn QH, anh có nghĩ, “trung ngôn nghịch nhĩ” không?
 
- Anh Thuyền trả lời: Tôi chỉ có một suy nghĩ thế này, mình là ĐB của dân, phải lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân để phản ánh cho Đảng, Quốc hội biết tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của người dân. Tất nhiên tiếng nói đó phải có trí tuệ, có dũng khí nữa. 
 
- Trước khi chất vấn các ĐB, để phát ngôn có hàm lượng thông tin cao chắc vấn đề phải được anh nghiên cứu kỹ lưỡng?
 
- Thứ nhất là căn cứ vào tâm tư, tình cảm của nhân dân, đặc biệt thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, bằng nhiều kênh: truyền thông, chuyên đề… Thứ hai là xuất phát từ thực tiễn chất vấn tại hội trường để tìm những vấn đề nẩy sinh và mình xoáy sâu hơn. Có ĐB đọc bài soạn sẵn nên vấn đề đã được ĐB khác nêu trước đó rồi lại nói lại. 
 
Anh Nguyễn Bá Thuyền sinh ngày 3/2/1955, quê ở Mỹ Hương, Lương Tài, Bắc Ninh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) 2 khóa liên tục, đang là Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh Lâm Đồng. Mấy năm gần đây, “ông nghị” Thuyền xuất hiện ấn tượng trên diễn đàn QH bởi chính kiến của anh nóng hơi thở của cuộc sống và toát lộ từ một trí tuệ mẫn cảm, một trái tim nhân văn. Không chủ trương lập ngôn, nhưng anh thành công vì thực tâm là đại biểu của dân. 

Gần dân là cốt lõi trong hành động của ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền. Anh “chúa ghét” những cán bộ quan liêu xa dân: “Ngày xưa, trong chiến tranh, cán bộ lấy thông tin từ dân để đánh giặc; bây giờ hòa bình lập lại, nhân dân đóng thuế nuôi cán bộ, trả tiền điện thoại cho cán bộ, mua điện thoại cho cán bộ, nhân dân gọi không nghe”. 

Nhiều cử tri trong cả nước vẫn còn nhớ mãi 3 câu hỏi được ĐB Nguyễn Bá Thuyền chuyển tới Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: Giải pháp và thời gian khắc phục tình trạng đường sá, tai nạn giao thông?; Bao giờ khởi công đường cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt? Thông cảm với ĐB Thăng lần đầu trả lời chất vấn nhưng lòng vòng nên ĐB Thuyền nói thẳng: “Trả lời như thế thì ai cũng làm được Bộ trưởng”. Sau hơn 1 năm, chính ĐB Thuyền chia sẻ với tôi rằng, anh tâm đắc nhất về sự chuyển biến của ngành GTVT, trong đó vai trò và dấu ấn của vị trưởng ngành rất rõ. Anh nói: “Sau đó, Bộ trưởng Thăng là người rất lắng nghe các cộng sự; tăng cường đi cơ sở; hạn chế việc phát ngôn không chuẩn”.   
 
Còn nhiều ý kiến của ĐB Thuyền đã đưa lại hiệu quả trong sự vận động của cuộc sống. Ví dụ, vấn đề cải cách tư pháp, anh phản bác: “Nếu chúng ta thành lập tòa án khu vực chỉ chống được một mặt là sự tác động của chính quyền; còn tiền bạc, còn tình cảm đi vào tòa thì lấy gì để chống đỡ”. Việc sáp nhập tòa án khu vực theo anh là không có căn cứ; dẫn đến nhiều mặt: xa dân, mâu thuẫn trong nội bộ, tốn tiền của dân. Sáp nhập chỉ là thay đổi về hình thức chứ không thay đổi về nội dung. Vấn đề then chốt là đội ngũ, “phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ, trong sáng về mặt đạo đức và lối sống”. Người thẩm phán theo anh phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trái tim đầy nóng bỏng và nhiệt huyết; cái đầu lạnh và bàn tay sạch. Phương án sáp nhập sau đó đã được bãi bỏ. 
 
- Nhưng trong quá trình chất vấn, phát biểu đã có lần nào anh lỡ lời chưa? 
 
- Tôi nghĩ, mỗi lần phát biểu, chất vấn mình suy nghĩ rất kỹ, đắn đo, bởi vì tiếng nói của mình trước diễn đàn Quốc hội; trước toàn thể nhân dân, cho nên tôi không ân hận gì, bởi vì những vấn đề đó rất thực tiễn và rất gần gũi với nhân dân. Tất nhiên, cũng có người trách cho rằng tại sao “làm căng” thế. Nhưng mình không nói thì ai nói cho dân?
 
Anh cũng từng phát biểu trước QH: “Chúng ta đã giảm thủ tục, nhưng thực ra chưa có chuyển biến mạnh mẽ nên người dân vẫn kêu. Tôi đề nghị Chính phủ phải làm quyết liệt hơn, đặc biệt là xác định vị trí việc làm. Công chức nhiều ông chỉ chơi không, cho nên phải xác định vị trí việc làm, phải sửa luật công chức viên chức làm sao để có điều kiện sa thải mạnh mẽ hơn, chứ bây giờ cứ tuyển một ông viên chức vào là ngồi ì ra đấy thì không được. Chúng ta bảo vệ người dân hay bảo vệ cán bộ? Nếu bảo vệ lợi ích của người dân thì phải sa thải cán bộ không đáp ứng được công việc. Do đó, tôi đề nghị phải làm kiên quyết về tinh giản bộ máy nhà nước để đạt hiệu quả hơn”. 
 
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn TP. Đà Lạt. Ảnh: T.Trang
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền kiểm tra, giám sát các công trình đầu tư nguồn vốn trái phiếu Chính phủ trên địa bàn TP. Đà Lạt. Ảnh: T.Trang
 
Niềm vui và những trăn trở về Lâm Đồng 
 
- Với tư cách là Phó Trưởng đoàn ĐBQH của tỉnh Lâm Đồng, từ chất vấn đến giám sát, anh đã đem lại được những gì cho tỉnh? 
 
- Ví dụ, tôi chất vấn Bộ trưởng Bộ NN - PTNT về hồ Đạ Lây, huyện Đạ Tẻh, sau đó đã được quan tâm đầu tư khởi công làm; hoặc về phát huy lợi ích từ rừng gắn với quyền lợi của người dân. Hoặc chất vấn về 2 bệnh viện (BV Nhi và BV 2 Lâm Đồng - PV) vừa rồi đã được cấp vốn tiếp tục xây dựng. Hoặc chính sách đối với đồng bào dân tộc đã có nhiều sửa đổi; chương trình điện Tây Nguyên đối với đồng bào dân tộc; quốc lộ 20; cụm công trình dự án bô-xít…
 
- Còn điều gì anh trăn trở chưa làm được đối với Lâm Đồng?
 
- Tôi trăn trở, thứ nhất là đường cao tốc Đà Lạt - Dầu Giây chưa được khởi công. Tôi đã gặp gỡ Bộ trưởng Đinh La Thăng và cả Thủ tướng, họ hứa sẽ cố gắng tìm phương án để sớm khởi công đường cao tốc. Cái thứ 2 là mong muốn được nâng thành phố Đà Lạt trực thuộc trung ương; thứ 3 là mong có chính sách đối với đồng bào dân tộc để đảm bảo làm sao tạo điều kiện cho họ chứ không phải chỉ là cho tiền người nghèo theo kiểu bình quân chủ nghĩa.    
 
- Qua tiếp xúc cử tri trong tỉnh, điều đọng lại lớn nhất anh muốn chuyển đến chính quyền Lâm Đồng là gì?
 
- Mong muốn của tôi bây giờ, đúng hơn là ý chí nguyện vọng của nhân dân, là tỉnh ta đất đai, tài nguyên, khí hậu thiên nhiên rất ưu đãi, nhưng việc phát triển của tỉnh chưa ngang tầm, người dân mong muốn có một cơ chế chính sách thế nào để thu hút được đầu tư, thúc đẩy được sản xuất phát triển mang lại lợi ích cho người dân. Lâm Đồng vẫn là một tỉnh nghèo, vẫn phải xin trợ cấp của trung ương. Thứ hai là có một cơ chế chính sách để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, ta mới làm thí điểm và đã thành công, nhưng nhân rộng mô hình chưa làm được. Thứ ba là tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Ta làm ra hoa với sản lượng lớn nhưng không thu được thuế bởi vì chúng ta không tổ chức thu mua được, đáng ra phải tổ chức được dịch vụ thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân mang đi tiêu thụ và đương nhiên sẽ thu được thuế. Nghị quyết tam nông của Chính phủ nói rất rõ vấn đề đó, trách nhiệm của nhà nước đến đâu, nhà khoa học, nhà quản lý đến đâu. Phải xây dựng được một quy chế phối hợp đồng bộ để tạo điều kiện cho người dân và phát triển nông nghiệp. 
 
- Ông nghĩ gì về xếp hạng cạnh tranh của VCCI đối với Lâm Đồng?
 
- Tỉnh chúng ta còn xếp hạng rất thấp, điều đó có một cái gì đó chưa tạo ra được một sự bứt phá, thành thử người ta đến đây đầu tư còn ở mức độ hạn hẹp. Mình chưa tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp đến Lâm Đồng đầu tư, và khi họ khó khăn mình không đồng hành để cùng họ giải quyết dứt điểm. Đó là trăn trở của tôi.     
        
Buổi đàm đạo giữa tôi và ĐB Nguyễn Bá Thuyền có lúc phải ngắt giữa chừng vì anh trả lời thắc mắc của cử tri hoặc PV một tờ báo phỏng vấn qua điện thoại. Tôi cũng chia tay anh để anh làm việc với Chánh văn phòng và chuẩn bị cho chuyến đi giám sát vào ngày mai ở Đăk Nông…
 
MINH ĐẠO