(LĐ online) - Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đồng loạt trong cả nước triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và mùa lễ hội Xuân 2015. Mục tiêu chung đảm bảo sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông và tiêu thụ.
(LĐ online) - Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đồng loạt trong cả nước triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 và mùa lễ hội Xuân 2015. Mục tiêu chung đảm bảo sản phẩm thực phẩm an toàn, chất lượng khi lưu thông và tiêu thụ.
BS Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng cho biết: Có 2 hoạt động chính trong công tác này là truyền thông hướng dẫn về an toàn thực phẩm và thanh kiểm tra. Tại Lâm Đồng, 4 ngành gồm: Y tế, Nông nghiệp, Công an, Công thương đã phối hợp liên ngành triển khai thanh kiểm tra tại Đà Lạt, Đức Trọng, Đam Rông, Bảo Lộc, Bảo Lâm. Đoàn đã thanh kiểm tra xong tại 3 chợ lớn ở Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc và kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất giò chả, rượu bia. Nhận định bước đầu qua thanh kiểm tra chưa phát hiện hàng giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng. Trong vòng 2 tuần trước Tết, tình hình hàng hoá thực phẩm chưa tập kết nhiều nên kiểm tra chưa phát hiện những vi phạm về an toàn thực phẩm. Kiểm tra các sản phẩm thịt, giò chả được lấy mẫu test nhanh chưa phát hiện có chất hàn the, lạm dụng các chất phụ gia ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Theo BS Độ, đến thời điểm này (5/2), công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục tại các địa phương trong tỉnh. Gần Tết, các mặt hàng về nhiều, ước lượng hàng thực phẩm tăng gấp 5-10 lần so với ngày thường, nguyên liệu chế biến thực phẩm cũng gia tăng. Vì vậy, bên cạnh hoạt động thanh kiểm tra liên ngành, chuyên ngành theo phân cấp trong thời gian trước, trong và sau Tết cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền hướng dẫn người sử dụng thực phẩm biết rõ nguồn gốc, nhãn mác đầy đủ, nên sử dụng lượng thực phẩm vừa đủ dùng, không nên dự trữ quá nhiều khiến thực phẩm biến chất, hư hỏng gây ngộ độc. Trong dịp Tết, các loại mứt đậu, sen, gừng dùng nhiều nên người mua phải kiểm tra hàng có công bố, có nhãn mác, hạn sử dụng, phải là người tiêu dùng thông thái, không mua mứt trôi nổi, bán ở vỉa hè.
Đặc biệt, dịp Tết năm nay, ngành Y tế thành lập đội phản ứng nhanh để phòng chống ngộ độc thực phẩm xảy ra, đội chia thành 3 nhóm: cấp cứu điều trị, lấy mẫu, điều tra dịch tễ. Tuyến huyện và tỉnh trực thanh tra, kiểm tra khi phát hiện thực phẩm không an toàn. Mục tiêu cụ thể của công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2015 phấn đấu giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm so với cùng kỳ năm 2014; bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; huy động tối đa các kênh truyền thông phổ biến các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng đến người dân.
Hoạt động thanh tra trọng tâm, trọng điểm tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết: thịt, bia, rượu, bánh, mứt, kẹo, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Toàn tỉnh có 16.359 cơ sở sản xuất thực phẩm, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đánh giá của Bộ Y tế, năm 2014, tỉ lệ thực phẩm kiểm nghiệm nhiễm bệnh không đạt an toàn thực phẩm đã giảm 30% so với năm 2014. Vì vậy, hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường thường xuyên tại các địa phương cả nước. Trong năm 2014, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng thành lập 14 đoàn thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm; trong đó tổ chức 3 đợt thanh kiểm tra liên ngành vào dịp Tết, Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, dịp Trung thu và 7 đợt thanh kiểm tra chuyên ngành, 3 đợt kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh năm qua có 394 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh, huyện, xã tiến hành tại 13.392 cơ sở thực phẩm, có 75,5% cơ sở đạt, 3.281 cơ sở vi phạm (chiếm 24,5%), 366 cơ sở vi phạm bị xử lý gồm cảnh cáo 247 cơ sở, phạt tiền 119 cơ sở hơn 179 triệu đồng. Trong năm 2014 trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm với 73 người mắc, không có trường hợp tử vong (3 vụ ngộ độc bánh mì và 1 vụ ngộ độc do mắm cá muối). Số mẫu thực phẩm xét nghiệm hoá lý không đạt chiếm 40% và 26,32% mẫu xét nghiệm vi sinh không đạt; các mẫu xét nghiệm nhanh không đạt chiếm 8,2% về chỉ tiêu hàn the, foocmon, phẩm màu, salicylic.
Kiểm soát an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông lâm thuỷ sản, năm 2014 Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh đã thực hiện 21 cuộc kiểm tra 320 cơ sở về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, sơ chế, chế biến nông lâm sản và thuỷ sản. Kết quả có trên 80% cơ sở đáp ứng trên 70% số tiêu chí theo các quy chuẩn kỹ thuật quy định. Qua kiểm tra phát hiện và xử lý 19 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phạt 119 triệu đồng. Lấy 550 mẫu phân tích định tính các sản phẩm rau, chè và hàng nông sản nhập khẩu phát hiện có 4 mẫu không an toàn. Lấy 275 mẫu phân tích định lượng, trong đó có 10/99 mẫu chè, 4/22 mẫu cà phê bột, 1/3 mẫu mật ong, 4/46 mẫu rau củ quả, 4/24 mẫu thuỷ sản, 5/40 mẫu giò chả không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng với việc nâng cao kiến thức hiểu biết của người tiêu dùng thực phẩm, hoạt động thanh tra, kiểm tra góp phần giảm đến mức tối thiểu rủi ro mất an toàn thực phẩm, phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
AN NHIÊN