Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị

05:02, 03/02/2015

Thành ủy Đà Lạt vừa tiến hành tổng kết Chỉ thị số 41- CT/TU ngày 30/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và sơ kết Nghị quyết 02-NQ/TH.U ngày 29/3/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cuộc chiến bảo vệ lá phổi xanh của thành phố đang cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, tổ chức Đảng phải giữ vai trò quan trọng.

Thành ủy Đà Lạt vừa tiến hành tổng kết Chỉ thị số 41- CT/TU ngày 30/9/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng và sơ kết Nghị quyết 02-NQ/TH.U ngày 29/3/2011 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Lạt về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cuộc chiến bảo vệ lá phổi xanh của thành phố đang cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó, tổ chức Đảng phải giữ vai trò quan trọng.
 
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân. Ảnh: Thanh Toàn
Bảo vệ rừng là trách nhiệm của toàn dân.
Ảnh: Thanh Toàn
Theo kết quả rà soát quy hoạch, diện tích rừng của thành phố Đà Lạt là 26.182ha, trong đó rừng phòng hộ là 20.914ha và rừng sản xuất 5.268ha. Rừng và đất rừng đã được giao cho các đơn vị chủ rừng gồm Ban quản lý (BQL) rừng Lâm Viên, Ban QLR phòng hộ Tà Nung, Công ty CP Giống lâm nghiệp Tây Nguyên, Viện Nghiên cứu khoa học Nam Trung bộ và Tây Nguyên và trên 100 tổ chức kinh tế được giao, cho thuê rừng và đất lâm nghiệp để đầu tư trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng, sản xuất nông lâm kết hợp, kinh doanh du lịch với diện tích trên 3.656ha. Trong những năm qua, mặc dù không xảy ra những vụ phá rừng lớn nhưng việc vi phạm lâm luật vẫn diễn ra, đất rừng vẫn bị xâm hại từng ngày. Cụ thể, từ năm 2009 tới nay, có 511 vụ phá rừng trái pháp luật, 262 vụ khai thác lâm sản trái phép… và nhiều vụ việc khác, khiến tổng số vụ vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý rừng là 1.136 vụ. Tổng số vụ đã xử lý là 1.136 vụ, trong đó xử lý hình sự 44 vụ, thu nộp ngân sách trên 4,7 tỷ đồng. Các vụ vi phạm phá rừng chủ yếu là lấn chiếm đất để sản xuất nông nghiệp, tại những địa bàn giáp ranh với khu sản xuất của người dân như xã Xuân Thọ, Tà Nung, phường 5, phường 7 và phường 11. Tổng số vụ vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp đã xử lý là 1.856 vụ với 368ha rừng bị lấn chiếm. 
 
Để bảo vệ an toàn diện tích rừng, Đà Lạt đã triển khai Chỉ thị số 41-CT/TU ngay từ những ngày đầu tiên với việc thành lập các ban chỉ đạo giải quyết, xử lý tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng như kiện toàn những cơ quan chức năng có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng. Các biện pháp tổng lực từ xử lý hành chính, hình sự, lo lắng cho sinh kế của người dân trong khu vực cận rừng cho tới đẩy mạnh tuyên truyền… đã giúp tình hình vi phạm lâm luật của thành phố giảm đáng kể, không còn điểm nóng về chặt phá rừng. Đặc biệt, hoạt động giao khoán bảo vệ rừng đã được thực hiện hiệu quả, mang lại sinh kế và sự gắn bó của người dân sống cận rừng. Năm 2014, đã có 14.859ha rừng được giao khoán cho 522 hộ, trong đó có 105 hộ đồng bào dân tộc thiểu số và 2 tập thể với mức chi trả là 400-450 ngàn đồng/ha từ nguồn thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng, tăng cao so với mức chi trả 270-290 ngàn đồng/ha của năm 2009. Người dân đã có thu nhập ổn định từ rừng và trách nhiệm, ý thức của họ với đất rừng ngày càng tăng cao. Ngoài ra, Đà Lạt đã chuyển đổi một số diện tích đất rừng nghèo kiệt sang đất sản xuất nông nghiệp cấp cho bà con dân tộc thiểu số tại thôn Măng Ling, phường 7 và xã Tà Nung. 
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của thành phố, tình trạng tài nguyên rừng bị xâm hại vẫn diễn biến liên tục bởi nhiều lí do. Trong đó, có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền các địa phương, Ban lâm nghiệp, các đơn vị có chức năng quản lý, bảo vệ rừng, việc thiếu trách nhiệm của các đơn vị chủ rừng cũng như nhiều hộ nhận khoán làm việc chưa tốt. Ông Trần Đức Quận, Bí thư Thành ủy Đà Lạt khẳng định, giữ rừng là trách nhiệm của toàn thể hệ thống chính trị, trong đó các cấp ủy Đảng phải quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, đoàn thể trong công tác tuyên truyền pháp luật, trong xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, từng địa phương. Việc chỉ đạo phải nhanh chóng, sâu sát từ những vấn đề nảy sinh trong thực tế. Ông Quận cho hay, thành phố sẽ xem xét cụ thể những vấn đề phát sinh, đặc biệt là vấn đề thiếu đất sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiếu số để giải quyết triệt để.  Giữ rừng không phải là việc làm trong một thời gian ngắn mà sẽ là nhiệm vụ lâu dài, thường xuyên của Đà Lạt, giữ bình yên cho lá phổi xanh của thành phố cao nguyên xinh đẹp.
 
DIỆP QUỲNH