Hội nghị trực tuyến kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015

03:02, 05/02/2015

(LĐ online) - Chiều ngày 5/2, Ban Chỉ đạo trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 đã tiến hành tổ chức hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Phía đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh Lâm Đồng tham dự.

(LĐ online) - Chiều ngày 5/2, Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011 - 2020 đã tiến hành tổ chức hội nghị trực tuyến về kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2015. Phía đầu cầu tỉnh Lâm Đồng có đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh Lâm Đồng tham dự.
 
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững cho biết: Theo tổng hợp báo cáo sơ bộ của các địa phương, đến cuối năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm khoảng 1,8% - 2% (từ 7,8% xuống còn khoảng 5,8% - 6%); riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm bình quân 5% (từ 38,2% năm 2013 xuống còn 33,2% năm 2014), đảm bảo theo kế hoạch đầu năm. Năm 2014, ngân sách Trung ương đã bố trí 6.242 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; trong đó, Chương trình 135 chiếm gần 3.130 tỷ đồng, Chương trình 30a chiếm hơn 3.060 tỷ đồng... Ngoài ngân sách Trung ương, cũng trong năm 2014, tổng nguồn lực được huy động cho công tác giảm nghèo lên đến 34,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hộ nghèo, vùng nghèo là 30,8 nghìn tỷ đồng; vốn huy động 3,8 nghìn tỷ đồng.
 
Tại hội nghị trực tuyến, ngoài việc ghi nhận những kết quả đạt được, các đại biểu từ đầu cầu Hà Nội và các đầu cầu khác còn nêu lên những khó khăn, tồn tại của công tác giảm nghèo: Kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ tái nghèo hằng năm còn cao (nhất là khu vực miền núi phía Bắc và vùng Tây Nguyên). Về huy động nguồn lực, tuy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng trong thực hiện vẫn chưa khai thác, huy động được nhiều nguồn lực tại chỗ, chưa phát huy được nội lực trong dân. Về công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức giảm nghèo tuy đã được các cấp, các ngành quan tâm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả cao... 
 
Năm 2015, mục tiêu giảm nghèo của cả nước được đặt ra là giảm tỷ lệ hộ nghèo khoảng 1% - 1,5% theo tiêu chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020; trong đó, tỷ lệ hộ nghèo thuộc địa bàn các huyện và xã nghèo giảm bình quân 3% - 4%.
 
K.D