Những ngày cuối năm 2014 tôi dự trại viết của Bộ Giao thông - Vận tải, được đi tham quan nhiều bến cảng hàng hải, cảng hàng không, nhiều cung đường cao tốc, với những nhịp cầu hiện đại bắc qua dòng sông thời gian. Có một con đường rạo rực, thắp ấm trong tôi với những chùm ngọn lửa đèn hàn rực rỡ trên các giàn giáo công trình xây dựng trong những ngày đông này - tôi gọi đó là đường xuân…
Những ngày cuối năm 2014 tôi dự trại viết của Bộ Giao thông - Vận tải, được đi tham quan nhiều bến cảng hàng hải, cảng hàng không, nhiều cung đường cao tốc, với những nhịp cầu hiện đại bắc qua dòng sông thời gian. Có một con đường rạo rực, thắp ấm trong tôi với những chùm ngọn lửa đèn hàn rực rỡ trên các giàn giáo công trình xây dựng trong những ngày đông này - tôi gọi đó là đường xuân…
|
Bến Nhà Rồng tại TP Hồ Chí Minh, nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: THANH TOÀN |
Mỗi con người có một con đường số phận riêng của mình. Mỗi dân tộc có một con đường lịch sử từ quá khứ tới tương lai,. Mỗi đất nước có những con đường bộ, đường thủy, đường không. Chúng ta vừa phi nước đại qua năm Giáp Ngọ. Vó ngựa còn âm vang hồi âm hào hùng lịch sử 60 năm Điện Biên Phủ lừng lẫy địa cầu. 70 năm, một mốc son chói lọi đánh dấu ngày ra đời của quân đội ta - một quân đội mang tên “Anh bộ đội Cụ Hồ” từ vũ khí thô sơ, từ 34 chiến sỹ đã làm nên bao chiến công vang dội và trưởng thành nhanh chóng với những quân binh chủng hiện đại…
Có một điều ngẫu nhiên lạ kỳ là các sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước đều gắn liền với mùa xuân của dân tộc: Đảng ta ra đời ngày 3/2/1930 (Mùng 5 tết Canh Ngọ). Trong những ngày đầu xuân tại ngôi nhà nhỏ xóm lao động thuộc Cửu Long gần Hương Cảng, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tức Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này), tại đây đã thông qua chính cương và sách lược vắn tắt do Bác Hồ khởi thảo cùng điều lệ Đảng. Sau 15 năm, từ mùa xuân năm ấy, tháng 8 năm 1945 với 5.000 đảng viên Đảng ta đã lãnh đạo cách mạng tháng 8 thành công, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do ở nước ta. Nhiều vị lãnh tụ của Đảng đã hy sinh anh dũng ở tuổi thanh xuân như các Tổng Bí thư: Trần Phú, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… Đi dọc đường xuân ta trở về khu rừng thuộc xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), nơi đã họp Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ II. Còn đó những nếp nhà sàn đơn sơ, còn đó mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, còn đó Thủ đô kháng chiến gió ngàn đến một ngày 36 phố phường Hà Nội rực rỡ cờ hoa. Và mùa xuân năm 1975 toàn thắng với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử…
Đi dọc đường xuân ta đi từ Pắc Bó (Cao Bằng) có suối Lê Nin, núi Các Mác, nơi cột mốc 108 Bác Hồ trở về hôn lên hòn đất Tổ quốc. Một cử chỉ thân thiết tự nhiên mà sâu sắc cội nguồn dân tộc cũng như giữa quảng trường ngày 2/9/1945 đang đọc Tuyên ngôn độc lập, Bác đã dừng lại hỏi “Tôi nói đồng bào nghe rõ không”. Đường xuân đưa ta trở về Nam Đàn, còn đó cánh võng đung đưa theo nhịp gió đồng thổi mát. Làng Sen - nơi sinh ra người mang tên một loài hoa mà “Tháp Mười đẹp nhất bông sen - Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”. Loài hoa mộc mạc mang những phẩm hạnh riêng như quốc hoa ấy đã theo Hãng Hàng không Việt Nam đến với các quốc gia trên thế giới. Ta lại trở về Bến Nhà Rồng, nơi người đã ra đi tìm đường cứu nước. Những con sóng vỗ bờ thao thiết và lắng trong ngàn trùng khơi là tiếng còi tàu dục dã những chuyến hàng tỏa đi muôn nơi. Từ một anh Ba thủy thủ đến một vị lãnh tụ kính yêu - Hành trình của Bác chính là hành trình cách mạng.
Đi dọc đường xuân với bao công trình nhà máy. Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhịp cầu Vĩnh Tuy đã vươn dài, vươn xa dáng rồng bay trên nước. Khi tốc độ, nhịp độ của đời sống công nghiệp tăng nhanh thì hình như đời sống tâm linh riêng tư chậm lại - Chầm chậm để trở lại mình và tới mình. Một điệu dân ca ví giặm muôn đời được sinh ra từ tình yêu lao động đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được thế giới tôn vinh. An dân lòng người bắt đầu từ những hào quang của quá khứ lịch sử. Nhưng chính hiện tại mới là những hồi quang để thanh lọc, để chưng cất hội tụ và kết tinh vẻ đẹp đời thường tinh khiết và ấm nóng tình người, tình đời. Đó là lòng nhân ái, là sự vươn chồi đón lộc của khí xuân, sắc xuân khi trời đất giao hòa sang xuân.
Đường xuân là con đường từ nông thôn ra thành thị, từ cánh đồng đến nhà máy, từ đồng lúa chín vàng đến những ống khói, cây khói trắng tỏa lên từ hơi thở công nghiệp. Lũy tre làng muôn đời chen dày có nơi đã tự nguyện ngã xuống nhường chỗ cho những mặt bằng cho những công trình mới. Chúng ta “Giải phóng mặt bằng” nhưng không giải phóng tình người gắn bó lâu đời với mảnh đất chôn nhau, cắt rốn. Một thế hệ công nhân lớn lên trở lại vùng đất nơi sinh ra họ để tiếp tục làm ra của cải vật chất bằng những dây chuyền công nghệ mới chính xác và được lập trình bằng tổng thể hơn là những thao tác đơn lẻ rời rạc. Một vẻ đẹp khỏe khoắn trẻ trung và mới mẻ đầy năng động được khởi động và liên kết. Những ca hai, ca ba, ca bình minh rạng ngời trên bao gương mặt ríu rít bên nhau và bao tổ ấm hạnh phúc được chắp cánh từ tình yêu nhà máy, công trường…
Đường xuân tỏa đến biên cương hải đảo. Những dấu chân bấm vào đá núi, dốc tai mèo, đèo sương phủ. Chặng đường tuần tra biên giới của các anh chập chùng bao hiểm nguy rình rập. Nhưng màu áo lính xanh biên phòng vẫn bền bỉ màu rừng thân thuộc. Những chấm lửa heo hút gió đến với bản làng đánh thức con chữ, cho bữa cơm thêm thịt, cho tấm chăn thêm bông. Lòng nhân ái chính là điểm tựa của niềm tin. Và tôi gặp nơi biên cương những chóp núi mang hình cánh buồm lại nhớ đến những người lính ngoài đảo khơi xa xôi “Những nhà dàn như tán cây bằng thép - bốn mùa tươi không thể héo lá cờ!”. Quê mẹ thân thương đã ra với các anh bằng cả những khay rau mang theo màu đất ruộng đồng tươi xốp - Màu đất nâu như tấm áo mẹ mặc. Và mái chùa đất Việt ngàn đời cũng đã vượt sóng gió ra đây đó là những cột mốc tâm linh bên cạnh cột mốc chủ quyền. Ở đây nghe được tiếng trẻ học bài mà có nhà thơ đã ví như những dây leo xanh mơn mởn tỏa rạng ngời những đọt nắng những mầm hy vọng. Đường xuân - đường sóng trắng đó là con đường thức. Thức dậy trong ta bao nỗi niềm canh cánh. Khi cách đây mấy chục năm những đoàn tàu không số đã lặng lẽ chở vũ khí vào Nam đánh giặc. Tàu không số, người không tên, không một tượng đài, một nấm mồ trên biển. Sự hy sinh lặng lẽ ấy Tổ quốc không bao giờ quên. Các anh đã hóa thân thành “Những con sóng băn khoăn ngày giấu lửa - Khi về đêm mới chớp sáng giật mình” . Các anh - Những con sóng vẫn viền quanh đảo, những đảo nổi đảo chìm như những quả cân - Cân sức nặng tình yêu Tổ quốc.
Đường xuân đang mở rộng sang năm Ất Mùi với bao sự kiện lịch sử trọng đại. Những chùm con số chẵn: 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 85 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt nam, 60 năm Cách mạng tháng Tám, 40 năm giải phóng miền Nam.
Những mốc son chói lọi đó đánh dấu một chặng đường lịch sử vẻ vang với hình ảnh Bác Hồ kính yêu, người thuyền trưởng vĩ đại đã lái con thuyền cách mạng vượt qua bao sóng gió. Tư tưởng và di chúc của Người luôn là kim chỉ nam cho con đường cách mạng trên hành trình mới. Đường xuân đã mở nhưng không hết những khó khăn, thử thách. Đi dọc đường xuân chính là chúng ta đang đi dọc chiều dài quá khứ với bao trầm tích lịch sử hào hùng, với bao tiềm năng tương lai trỗi dậy. Đường xuân là con đường khởi đầu cho một năm hứa hẹn của sức xuân, sức trẻ…
Tùy bút: NGUYỄN NGỌC PHÚ