Thôn 5, xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) có 138 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu. Tuy người dân trong thôn sinh sống bằng nghề nông, còn nhiều khó khăn nhưng lại là thôn luôn dẫn đầu toàn huyện trong mọi phong trào.
Thôn 5, xã Lộc An (huyện Bảo Lâm) có 138 hộ dân với hơn 600 nhân khẩu. Tuy người dân trong thôn sinh sống bằng nghề nông, còn nhiều khó khăn nhưng lại là thôn luôn dẫn đầu toàn huyện trong mọi phong trào. Theo Bí thư Chi bộ thôn Nguyễn Xuân Chiến, yếu tố cơ bản giúp thôn làm được điều đó, chính là nhờ có sự đồng thuận giữa ý Đảng với lòng dân. Mọi việc của thôn và của dân đều được bàn bạc và đưa vào nghị quyết của Chi bộ.
Buổi sinh hoạt Chi bộ tháng 1/2015 của thôn 5 tập trung cho công tác chuẩn bị Đại hội Chi bộ thôn nhiệm kỳ 2015 - 2017. Kèm theo đó là một nội dung không kém phần quan trọng là bàn kế hoạch và giải pháp triển khai Nghị quyết Chống hạn năm 2015. Ông Nguyễn Xuân Chiến cho biết: “Nghị quyết Chống hạn đã được triển khai từ 3 năm nay. Mỗi năm mỗi khác, nhưng đều được người dân thôn hưởng ứng rất tích cực”.
|
Nhà nước và nhân dân cùng làm, trục đường chính thôn 5 đã được nhựa hóa |
Nằm dọc theo QL 20, cách trung tâm xã Lộc An 5km, thôn 5 có trên 240ha cà phê và 15ha chè. Do cách xa nguồn nước nên từ nhiều năm trước, người dân thôn 5 đã phải dùng nhiều cách để mang nước về tưới vào mỗi mùa khô. Bắt đầu từ năm 2013, Chi bộ thôn 5 đã triển khai kế hoạch giúp dân chống hạn. Kế hoạch được đưa ra bàn bạc cụ thể trong dân và cuối cùng đi đến thống nhất một phương án: Toàn thôn sẽ đầu tư đường ống, máy bơm và tập trung bơm nước từ đập Nông trường (cách thôn 3km) về tưới cho từng vườn cà phê. Kết quả là năm đó, toàn bộ diện tích cà phê của thôn đều có nước tưới, nhưng lại tốn chi phí lên đến 23 triệu đồng. Năm 2014, Chi bộ thôn tiếp tục triển khai một phương án khác để chống hạn, với phương châm giảm thiểu tối đa chi phí. Lần này, người dân không dùng máy bơm, thay vào đó, hệ thống hơn 30 đường ống cũ của từng hộ dân được thôn vận động thanh niên trong thôn vác lên tận đầu đập, dìm xuống lòng nước, rồi dùng áp suất nước và độ cao để nước tự chảy về thôn. Cách này giảm chi phí xuống chỉ còn 2 triệu đồng (phí thuê người bảo vệ đường ống), vừa đỡ tốn công vừa hiệu quả. Người dân thôn hưởng ứng nhiệt tình. Tuy vậy, cách thức chống hạn năm 2015 lại tiếp tục được cải tiến. Thay vì dùng nhiều ống nhỏ của dân thì thôn vận động những hộ dân có nhu cầu tưới góp kinh phí để thay hệ thống ống dẫn nước tự chảy tốt hơn, to hơn. “Cách này được người dân rất đồng tình, vì đầu tư một lần nhưng tưới được nhiều năm. Trước đây, mỗi hộ mỗi ống, to nhỏ khác nhau nên nguồn nước về không đồng đều, hộ nhiều hộ ít. Khi tưới xong, từng hộ có đường ống phải tự đi thu ống về cất giữ. Nay, toàn bộ hệ thống ống được đầu tư mới nên đồng bộ, lại là tài sản chung nên công tác bảo quản thuộc về tập thể. Sau khi tưới, hệ thống ống sẽ gom về một mối, do thôn cất giữ và bảo quản để dành cho các mùa khô sau” - ông Chiến cho biết.
Không chỉ việc chống hạn, Chi bộ thôn 5 còn cùng dân bàn bạc và “nghị quyết hóa” nhiều vấn đề khác, như xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phòng chống dịch bệnh, giảm nghèo, phát triển các tổ đội liên kết sản xuất... Anh Nguyễn Văn Sương, một người dân thôn 5, cho hay: “Từ việc lớn đến việc nhỏ trong thôn, từng người dân như chúng tôi đều được biết và đều được góp tiếng nói để bàn bạc. Ví dụ như việc làm đường. Năm 2009, Chi bộ đã bàn bạc với dân, vận động chúng tôi cùng đóng góp với Nhà nước để nhựa hóa toàn bộ trục đường chính dẫn vào thôn. Các năm gần đây, người dân tiếp tục đóng góp trên 100 triệu đồng và trên 400 ngày công để tu sửa, cứng hóa hơn 5km đường xóm. Hoặc, ngay cả việc riêng như hiếu, hỉ trong từng gia đình cũng phải thực hiện tiết kiệm, văn minh theo tinh thần của Nghị quyết. Nếu nhà nào có việc đám, việc vui hoặc xây nhà, sửa cửa... tuy không nhờ vả, nhưng mọi người trong thôn đều tự nguyện đến giúp một tay, rồi vui vẻ ra về mà không cần trả công, không cần trà nước, ăn uống”.
Ngay cả phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng được Chi bộ thôn đưa vào nghị quyết. “Thôn có 1 đội văn nghệ và 8 đội bóng chuyền, với đủ các lứa tuổi và thành phần tham gia. Mỗi dịp lễ, tết, lực lượng này tham gia. Trong 2 năm qua, thôn 5 được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen” - anh Nguyễn Thành Tân, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 5, cho biết. Cũng theo anh Tân, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều được người dân thôn đồng lòng thực hiện, là nhờ tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao. Ngày 13/6 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập thôn. Đó cũng là ngày hội của thôn. Vào ngày này, mọi gia đình, mọi thành viên trong thôn, kể cả con cháu đi học ở xa cũng cố gắng trở về, chỉ để được tham gia vào các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao do thôn tổ chức. Phó Bí thư Chi đoàn thôn Nguyễn Hữu Thắng cho hay: Các bạn trẻ trong thôn rất thích tham gia vào các phong trào. Chính vì qua các phong trào mà các bạn trẻ được rèn luyện, cọ xát, học cách sống, cách làm việc và cộng đồng trách nhiệm.
Đáng kể nhất là Nghị quyết giảm nghèo của thôn. Nhờ thực hiện Nghị quyết này mà từ hơn 50% hộ nghèo của những ngày đầu thành lập thôn (1996), đến nay, thôn chỉ còn 3 hộ nghèo, 8 hộ cận nghèo. “Thôn thành lập được 3 tổ nhóm liên kết, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, với hơn 30 hộ dân tham gia. Ban đầu, phần lớn trong số này đều là những hộ nghèo. Những hộ này giúp nhau giảm nghèo bằng cách tự gây quỹ nhóm; cho nhau vay lãi suất thấp và trả chậm; hỗ trợ ngày công, phương tiện sản xuất… Cùng với đó, thôn còn thành lập nhiều tổ nhóm khác thuộc các đoàn thể Thanh niên, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Nông dân, Chữ thập đỏ... với tổng nguồn quỹ đóng góp đến nay đã trên 800 triệu đồng. Từ nguồn quỹ này, những hộ nghèo và cận nghèo trong thôn được hỗ trợ để phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững” - ông Nguyễn Xuân Chiến - Bí thư Chi bộ thôn, trao đổi.
HẢI UYÊN