Đầu năm 2015 dương lịch là khoảng thời gian còn lại ít ỏi của năm âm lịch Giáp Ngọ, trời đất đang chuyển mùa trôi dần về năm mới Ất Mùi. Đến hẹn lại lên, cứ hai năm một lần vào mỗi độ xuân về, lớp học B9 thuộc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc năm xưa, nay là Học viện Nguyễn Ái Quốc lại tổ chức gặp mặt thăm hỏi nhau.
Đầu năm 2015 dương lịch là khoảng thời gian còn lại ít ỏi của năm âm lịch Giáp Ngọ, trời đất đang chuyển mùa trôi dần về năm mới Ất Mùi. Đến hẹn lại lên, cứ hai năm một lần vào mỗi độ xuân về, lớp học B9 thuộc Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc năm xưa, nay là Học viện Nguyễn Ái Quốc lại tổ chức gặp mặt thăm hỏi nhau.
Năm nay, Ban liên lạc của lớp quyết định tổ chức gặp nhau tại thành phố Hồ Chí Minh. Vào năm 1978 - 1980, lớp B9 được dành cho những cán bộ và sĩ quan đã chiến đấu ở miền Nam về học, họ đến từ nhiều chiến trường, từ nhiều lĩnh vực công tác khác nhau, có những người còn mang theo trong người những mảnh đạn vào lớp. Hai năm đèn sách bên nhau dù đã dạn dày trong cuộc chiến nhưng họ vẫn sống hồn nhiên, vô tư, kể cả nghịch ngợm và đã để lại cho nhau nhiều kỷ niệm đáng nhớ của đời học trò. Mãn khóa học, họ chia tay, tỏa về công tác ở khắp các địa phương, nhiều người sau này giữ những trọng trách của quốc gia như anh Út Anh (Lê Hồng Anh), chị Bảy Thư (Trương Mỹ Hoa), chị Võ Thị Thắng... Cứ sau mỗi lần gặp nhau, sĩ số lại giảm dần, đến nay, sau 38 năm, lớp học chỉ còn lại phân nửa, một nửa số học trò ngày ấy đã ra đi theo qui luật muôn đời của tạo hóa. Hầu hết những người còn sống đã nghỉ hưu, chỉ còn lại anh Út Anh đang công tác nhưng anh vẫn có mặt với lớp. Sau buổi gặp gỡ ôn kỉ niệm xưa, cả lớp về thăm lại chiến khu Rừng Sác, một chiến trường kỳ lạ, một thời làm cho đối phương khiếp vía và một thời vang tiếng đến tận “trời Tây”.
|
Hội tụ ở chiến khu Rừng Sác hôm nay |
Mất 55km từ trung tâm thành phố về đến điểm tiếp đón của khu du lịch sinh thái Cần Giờ, nơi đưa đoàn đến tham quan khu căn cứ Rừng Sác. Thoát ra khỏi trung tâm thành phố đông đúc người xe, đoàn tham quan lên phà Bình Khánh, con phà hàng ngàn tấn rùng mình rời bến, lừng lững cưỡi sóng qua sông, một khúc sông rộng mênh mang sóng nước. Nhìn hút tầm mắt sang bờ bên kia, lại càng khâm phục các chiến sĩ đặc công Rừng Sác thuở xưa bằng sức người đã ngụp lặn hằng đêm giữa dòng nước chảy xiết, vượt qua biết bao cạm bẫy của địch, tiếp cận mục tiêu, nhấn chìm kho bom thành Tuy Hạ và kho xăng Nhà Bè trong biển lửa, khiến cả thế giới kinh ngạc!
Phà cập bến xe bon bon trên đại lộ mang tên Rừng Sác dài trên 30km chạy xuyên qua những cánh rừng ngập mặn bát ngát một màu xanh, băng qua những kênh, tắc nhiều chiến tích đến khu lưu niệm và căn cứ Rừng Sác. Rừng Sác, một thảm đước xanh đã tồn tại hàng trăm năm với nhiều cây có rễ chằng chịt, thân cao vút, tàn lá xanh phủ kín mặt sông đến nỗi ngày trước, khi hành quân bằng xuồng, ghe đi qua một số tắc giữa ban ngày bộ đội ta phải đốt đuốc lên mới thấy đường! Qua mô hình tái hiện cuộc sống và chiến đấu nơi chiến khu Rừng Sác và qua lời thuyết minh của hướng dẫn viên khu bảo tàng, chúng tôi càng kinh ngạc với những khó khăn, gian khổ của bộ đội Đoàn 10 Rừng Sác (tên của trung đoàn đặc công Rừng Sác) bao nhiêu thì càng khâm phục tài năng và ý chí chịu đựng gian khổ, chiến đấu hy sinh của họ bấy nhiêu! Vì là rừng ngập mặn nên không có đất để ở cả trung đoàn đều phải ở trên cây hoặc làm sạp trên mặt nước và làm hầm nổi để tránh bom, pháo của địch bắn phá ngày đêm. Khi Mỹ rải chất khai hoang, rừng trụi lá trơ cành, cây trở nên đen mốc ta phải ngụy trang chỗ ở, và công sự chiến đấu cho phù hợp. Ban ngày, phải nhấn chìm xuồng ghe, nồi niêu, chén bát và các vật dụng khác xuống bùn để giấu. Khi bị địch phát hiện thì chỉ còn cách chấp nhận hy sinh chiến đấu đến cùng vì trận địa sình lầy không đường rút lui. Những đêm xuất kích, nếu có chiến sĩ bị thương bộ đội ta dùng ni lông túm 2 đầu, đặt thương binh vào bọc để một người bơi trước kéo và người bơi sau đẩy hàng chục km về tuyến sau. Cái khó thứ hai là thiếu lương thực và nước uống, người dân đi đánh cá, đi kiếm củi chỉ mang theo một gô cơm thôi thì cũng bị địch kiểm soát làm khó dễ. Rừng ngập mặn không tự sản xuất được, chỉ có đọt cây chà là gai ăn được; dưới sông có nhiều tôm, cua, cá nhưng ăn không như thế chừng 2 ngày là có vấn đề về đường tiêu hóa! May mắn của Đoàn 10 đặc công Rừng Sác là bám được dân, nhờ dân tiếp tế, có những người dân là cơ sở của Đoàn 10 rất gan dạ và mưu trí đã vận chuyển gạo từ Cà Mau, Bến Tre,... ngụy trang nhiều tầng lá dừa nước, vượt qua hàng chục đợt tuần tra, lục soát trên sông để về căn cứ. Tệ tham nhũng, ăn hối lộ phổ biến từ trên xuống dưới của chính quyền Sài Gòn bao gồm cả cánh dân sự và quân sự, nên cơ sở của ta có điều kiện mua chuộc để qua mắt địch. Những đêm đi lấy nước ngọt vô cùng gay go, đã có nhiều người ra đi rồi không trở về! Địch biết rõ nếu thiếu gạo thì ta có thể chịu được nhiều ngày nhưng thiếu nước ngọt thì chắc chắn là không thể chịu nổi, do vậy chúng mai phục ở tất cả các giếng nước, ao hồ, kênh rạch có nước ngọt, nhiều chuyến đi phải đổi máu lấy nước về cho đơn vị. Sau này anh em có sáng kiến dùng thùng phuy để chưng cất nước mặn như kiểu nấu rượu hứng lấy từng giọt tạo ra nước ngọt đã tiết kiệm được xương máu của chiến sĩ. Việc ăn ở, sinh hoạt đã khó khăn thì việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu càng vô cùng khó, ngày nào kẻ địch cũng cho máy bay rà trên đầu, bắn pháo, ném bom, đưa xe tăng và bộ binh đi càn, tàu thủy, xe lội nước, hải quân lùng sục, xe xúc đi ủi phá công sự, rải thuốc khai hoang làm trống địa bàn... hòng tiêu diệt hoặc chí ít là đánh bật Đoàn 10 ra khỏi khu Rừng Sác. Trên không thì đủ các loại máy bay bắn phá, trên bộ thì bộ binh càn quét, dưới nước thì đủ các loại tàu thuyền lớn nhỏ sục vào căn cứ. Bên cạnh đó còn một loại “kẻ thù” không kém phần nguy hiểm nữa là cá sấu, có không ít chiến sĩ Đoàn 10 bị thiệt hại vì loại kẻ thù này. Để đảm bảo bí mật, bất ngờ, thọc sâu, đánh hiểm, mỗi lần xuất kích, lính đặc công Rừng Sác thường chỉ tổ chức thành đơn vị chiến đấu nhỏ khoảng 10 người trở lại, trang bị của họ chỉ mặc một chiếc quần sịp, đeo một ống thở ở cổ, một dao găm, một quả lựu đạn, một túi gạo rang, một bình toong nước, kéo cắt hàng rào kẽm gai, đeo dưới bụng một chùm mìn lõm (loại mìn nhỏ nặng khoảng một kg nhưng có sức công phá cực lớn do kỹ sư của công xưởng Rừng Sác chế tạo từ bom đạn pháo của địch ném vào căn cứ nhưng không nổ). Kíp hẹn giờ cũng do chính bộ đội Rừng Sác chế tạo được đặt tên là “ngòi phèn chua”, có độ chính xác cao, đáng tin cậy hơn các loại kíp hẹn giờ M18 của Tiệp hoặc đồng hồ hẹn giờ của Liên Xô. Trang bị chỉ có vậy cộng với khả năng bơi lặn tuyệt vời và những ngón võ thuật đạt trình độ nhuần nhuyễn. Hầu hết trong những trận đánh, các chiến sĩ Rừng Sác đều phải bơi hơn 20 cây số luồn lách giữa các tàu thuyền tuần tra đủ loại, tránh ánh đèn pha của trực thăng từ trên trời rọi xuống, tránh hoặc phải chiến đấu dưới nước để tiêu diệt nhanh, gọn những tốp người nhái của địch. Khi tiếp cận hàng rào mục tiêu còn phải vô hiệu hóa đàn ngỗng trắng, chó berge, vô hiệu hóa các bãi mìn dày đặc, cắt hàng chục lớp rào kẽm gai xuyên qua hàng chục bốt gác và lính tuần tra... Mười năm kể từ ngày thành lập (15/4/1966) Trung đoàn 10 Rừng Sác đã vượt mọi gian khó trong cuộc sống và chịu nhiều hy sinh, đã đánh hàng trăm trận, đánh cháy và nhấn chìm 500 tàu chiến của hải quân Mỹ và Sài Gòn, 200 tàu vận tải quân sự trên sông Lòng Tàu - một cửa ngõ yết hầu vận tải từ biển Vũng Tàu vào Sài Gòn, bắn rơi hàng chục trực thăng. Đặc biệt nổi tiếng và đạt hiệu quả lớn là hai trận đánh vào kho bom thành Tuy Hạ và kho xăng Nhà Bè.
Để đánh kho bom thành Tuy Hạ phải mất 2 tháng điều nghiên, 8 lần lội sông cắt rào, luồn lách qua hàng trăm cạm bẫy, một chiến sĩ vướng mìn đứt 2 chân đưa ra khỏi hàng rào thì hy sinh nhưng đã tìm được lối vào và xác định được vị trí tấn công. Cho đến đêm 11 rạng ngày 12 tháng 12 năm 1972, chỉ 4 chiến sĩ đã xuyên thủng lưới bố phòng của địch tiếp cận mục tiêu và nhanh như sóc áp các khối chất nổ vào các vị trí đã chọn, bấm kíp hẹn giờ và tuần tự rút lui an toàn. Bốn giờ sáng ngày 12, các khối thuốc nổ thét rền vang trời Sài Gòn, những đám cháy bốc cao rực sáng cả một góc trời, khói lửa kéo dài suốt 2 ngày đêm. Nhưng theo nguồn tin từ bên trong báo ra là trận đánh chỉ phá hủy được 23.000 khối thuốc nổ và 200.000 quả bom napal chứ chưa đánh trúng kho bom chính của thành Tuy Hạ (một kho bom dùng cho cả chiến trường Nam Đông Dương)! Sau nửa tháng nghỉ ngơi lấy lại sức, Đoàn 10 quyết định đánh tiếp trong lúc địch chưa hoàn hồn và chủ quan cho rằng đặc công không dám đánh trận thứ 2 trong thời gian ngắn như thế. Chúng ta tiếp tục trinh sát, xác định đúng mục tiêu chính, lần này đơn vị xuất kích chỉ 5 người, vừa đến đúng kho bom chính thì trời sáng; cả đơn vị chui vào một đám tranh lọt thỏm giữa khu kho nằm đấu chân vào nhau, đầu tỏa ra 5 hướng nghe tiếng xe máy ủi, máy xúc làm việc rần rần dọn dẹp hậu quả trận đánh trước.Đến chiều, một xe ủi tiến đến sát bãi tranh, tổ đặc công đứng trước tình huống có thể bị lộ. Người chỉ huy ra hiệu, một chiến sĩ bật dậy tiến sát chiếc xe, tên lính định bỏ xe chạy nhưng đã bị chiến sĩ đặc công khống chế và ra lệnh “muốn sống về với vợ con thì hãy cứ làm việc bình thường”. Đến 8 giờ tối, tên lính vẫn ngoan ngoãn ngồi trên xe xúc, trong lúc tổ đặc công tỏa ra áp mìn vào kho bom bấm kíp hẹn giờ. Đến 9 giờ tối, ta giải thoát cho tên lính ra về an toàn theo tốp lính thợ và dặn phải biết im lặng để giữ mạng sống cùng với vợ con. Tổ đặc công rút êm ra khỏi mục tiêu, lặn xuống sông về tới nơi an toàn. Khoảng hơn 2 giờ sáng, người Sài Gòn đang say ngủ bỗng bật dậy bởi hàng loạt những tiếng nổ long trời lở đất nhấn chìm kho bom thành Tuy Hạ trong biển lửa. Hơn 80% kho bom bị phá hủy với hàng trăm ngàn quả bom và đạn pháo.
Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973, Mỹ muốn xuống thang chiến tranh để rút quân về nước nhưng Nguyễn Văn Thiệu không thực hiện hiệp định mà tiếp tục xua quân hò hét “tràn ngập lãnh thổ”, đánh chiếm đến đâu chúng vẽ cờ ba que đến đó, trên tường, trên mái nhà, mái chùa, mái đình... để hạ nhiệt “cái đầu nóng” của Thiệu, Trung đoàn 10 Rừng Sác quyết định đánh một đòn đau, triệt hạ nguồn cung cấp chiến tranh. Kho xăng Nhà Bè được chọn! Với 14 lần trinh sát điều nghiên, các tổ trinh sát thay phiên nhau bơi qua sông Nhà Bè, moi hầm bí mật dưới mép nước sát chân rào kho xăng ém lại ban ngày để đêm sau thâm nhập mục tiêu, mất vài tháng mới xác định được cách đánh. 8 chiến sĩ tinh nhuệ được chọn thành lập đội hình tiến công, họ ngày đêm luyện tập trên sa bàn gần như thật. Một đêm tối trời, thủy triều lên chảy xiết từ cửa biển Vũng Tàu theo sông Lòng Tàu vào Nhà Bè, đội hình 8 dũng sĩ dùng dây liên kết nối vào nhau thả trôi trên sông hướng về kho xăng, bằng kỹ thuật điêu luyện họ đã vượt qua tất cả tàu thuyền, máy bay tuần tra, đèn pha, pháo sáng ... tiếp cận hàng rào rồi chia thành 2 tổ xuyên rào, luồn qua các bãi mìn, lính gác, chó berger, ngỗng trắng... 21 giờ 20’ ngày 2 tháng 12 năm 1973, họ đã áp sát các bồn xăng gắn trái, bấm kíp hẹn giờ và rút êm. Đúng 0 giờ 35’ một loạt tiếng nổ kèm theo những cột lửa bốc cao lên trời, kho xăng Nhà Bè chìm trong cơn bão lửa. Các loại phương tiện chiến tranh của địch thi nhau quần đảo bắn như mưa xuống dòng sông, các chiến sĩ cắt dây liên kết, mỗi người bơi về một hướng khác nhau để thoát khỏi vòng vây, 2 chiến sĩ của ta hy sinh xác trôi ra biển cả. Trận đánh đã thiêu cháy hàng trăm triệu lít xăng dầu, Nguyễn Văn Thiệu buộc phải ngưng các cuộc hành quân lấn chiếm.
Về thăm chiến khu Rừng Sác hôm nay để ngưỡng mộ các chiến sĩ đặc công Đoàn 10 một thời tung hoành giữa trùng vây của địch làm nên những chiến tích vang dội. Và tham quan một sản phẩm du lịch mới, khu du lịch Cần Giờ, một khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam với gần 40.000ha rừng ngập mặn, trên 200 loài động vật, một quần thể đa dạng sinh học có giá trị cao. Mùa xuân về cây lá xanh tươi, hoa cỏ khoe sắc dọc đại lộ Rừng Sác đón tiếp hàng ngàn du khách trong nước và quốc tế. Tôi có may mắn được gặp đại tá, nhà thơ Lê Bá Ước - nguyên là Trung đoàn trưởng Đoàn 10 đặc công Rừng Sác năm xưa, ông say sưa kể về những chiến sĩ anh hùng của ông đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, rồi ông kết thúc câu chuyện bằng 2 câu thơ thật hào sảng:
“Nếu mà giặc đến đây thêm lần nữa
Hãy vỗ mộ này mà gọi đến tôi”.
Sài Gòn - Đà Lạt đầu xuân Ất Mùi
HOÀNG NGUYÊN