Khói sương như không muốn rời khỏi Dran. Hẳn đây là những dải lụa trời rồi. Nó cứ quần quanh thung lũng, kéo nhau lê thê từ đỉnh cao sườn bắc Trạm Hành vòng theo cánh cung sườn núi xuống đầu đèo Sông Pha, qua suối Cát, vắt các cánh rừng gần Lạc Lâm, rồi va vào sườn nam Trạm Hành. Dran thành thung lũng chứa sương.
Mây mang nhan sắc qua đèo phong lưu...
Khói sương như không muốn rời khỏi Dran. Hẳn đây là những dải lụa trời rồi. Nó cứ quần quanh thung lũng, kéo nhau lê thê từ đỉnh cao sườn bắc Trạm Hành vòng theo cánh cung sườn núi xuống đầu đèo Sông Pha, qua suối Cát, vắt các cánh rừng gần Lạc Lâm, rồi va vào sườn nam Trạm Hành. Dran thành thung lũng chứa sương.
|
Đập Đa Nhim và phố thị Dran ngay bên dưới |
Trong mây
Những sườn núi kia rõ là thành vách sương mù. Dưới chân đập Đa Nhim là một phố thị và làng vườn. Nghĩa là phố nằm dưới tấm lụa trời đó. Tôi cứ ngồi nhìn khói sương như thế này, như bao năm qua. Dran nghĩa khí, nó không biết có một thảo dân hay nghiêng mình dưới sự mơ hồ đó. Tôi cần Dran thanh tẩy, tôi cần Dran dạy dỗ cho rằng trần gian này thơ mộng vẫn chưa kết thúc, cuộc đời luôn đáng sống. Tôi đang tâm thế “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”(*).
Mười bảy tuổi Dran chào đón tôi bằng vệt sáng nhuộm vàng ánh điện khuya của đường ống dẫn nước dài thê lê 5 kilômét nằm ngửa trên sườn núi Sông Pha của công trình thủy điện Đa Nhim, với đỉnh núi là thị trấn Dran, khi tôi từ hướng Ninh Thuận nóng cháy lên cao nguyên Langbian lạnh giá. Ói mửa mặt xanh, kiệt sức, nằm bệt trên chuyến xe tốc hành xa lạ, mà tôi vẫn gắng gượng dậy để thưởng thức cảnh sắc đó. Từ món quà thị giác đầu tiên cho đến thành phố chốn an trú với những “Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua”, tôi không hiểu được là duyên hay nợ với Dran. Tôi không thể lý giải vì sao nó có thể trong sáng, an lành, bình tâm gần như tuyệt đối giữa thời buổi ồn ã sắc màu hiện đại này. Nó vẫn cổ xưa như lịch sử của nó.
Nó ra đời trước Đà Lạt, là “trạm”, là điểm đặt nền móng mở đường khám phá, ra đời, và xây dựng nên Đà Lạt, từ tháng năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Người Việt sống cùng người Churu. Tất nhiên người Churu ở cuối các con phố, chỗ có rừng. Giờ nó vẫn dăm ba tuyến phố như buổi nào. Nhà cửa vẫn khiêm tốn, không có công trình cao tầng nào, nét xưa vẫn tỏa ra. Những tên tiếng Pháp đó đây vẫn còn gọi, những Osari, Lachaisai, Aviat, Bellevue, Labuye… Và đôi ba con đường từ hồi Pháp đó vẫn còn dùng, mặt đường trơ ra sỏi đá khi đã sạch nhựa đường từ lâu. “Phố” ở Dran rất thơ dại, nhỏ bé và trong sáng. Ba con phố chính thôi, để từ đó tẽ ra chừng chục hẻm, luồn, mà cuối những hẻm luồn là gặp lơghim, cây hồng - vườn. Còn cư dân cứ hiền hậu, mộc mạc, đơn giản, sâu sắc, vẫn chất “tri điền” lồng vào chút chút “phố thị”. Chính xác hơn, họ không rõ nông dân mà cũng không rõ thị dân. Xe cộ để an nhiên trước nhà không quá lo về an ninh, trộm cướp như nhiều nơi khác. Ở đây bán buôn không có nói thách, nói sao bán vậy. Ở đây ai cũng có vườn, cho dù buôn bán, trồng Lơghim, hay hồng, dứa.
*
Thời gian ở đây như đứng lại. Nó cứ như là trường hợp ngoại lệ của lịch sử. Sự tồn tại của nó có gì đó cứ là ngoại cuộc với những xáo động của lịch sử, thời gian,“là chính mình”, vững chãi, hoặc là bên lề, bị “bỏ rơi”, mắc kẹt. Cái vị trí đỉnh đèo (đèo Sông Pha), nơi để “bước qua”, nhưng là “chân” của cao nguyên Langbian, nên nó rất chơi vơi, không vai trò “địa kinh tế”, tự nhiên khiến nó thành thế.
Nó là nơi đón gió biển, và bão tố từ biển lên cao nguyên. Nghĩa là nó cũng là nơi đón mây duyên hải. Đứng dưới đồng bằng Ninh Thuận bao la kia nhìn ngược lên bao giờ cũng thấy mây phủ đỉnh đèo Krông Pa (Sông Pha). Dran đúng nghĩa thị trấn nằm trong mây. Bè bạn bảo tôi là kẻ “sống” trên mây, thì xem ra họ không quá đáng. Nhưng chính xác nhất thì tôi chỉ là kẻ “tị nạn” trong mây. Chính cư dân Dran mới đích thực vẹn toàn với sự “trong mây” ấy. Sự êm ái, mát lành của Dran có gì đó phiêu lãng, mang hồn của biển cùng lúc hồn của núi, của nước mạch khe sâu, thảo mộc, rừng. Cái duyên hải kia đã bị “bản địa hóa”, “Dran hóa”. Như thứ tiếng Việt của họ, người Dran, là một thứ giọng riêng, không phải giọng Đà Lạt, Bảo Lộc, hay Tùng Nghĩa. Giọng của họ nghiêng về hướng Ninh Thuận, chừng 6,5 phần Ninh Thuận và 3,5 phần Lâm Đồng. Dưới chân đèo Sông Pha, là thị trấn Ninh Sơn (của Ninh Thuận), trên chút là Trạm Hành (là Đà Lạt) và Thạnh Mỹ (cũng thuộc Đơn Dương), nhưng mọi thứ tinh thần ở Dran không hề thuộc những nơi đó. Lên khỏi đèo Krông Pa, đi chưa hết 10 phút chiều dài, gặp tiếp con đèo khác (đèo Dran, để lên Đà Lạt), và Dran tồn tại ở không gian địa lý như vậy đó. Dran ạ, mi là chốn xứ dành riêng cho những người sống bằng tâm hồn, hay bị đấng tối cao “lưu đày” vậy nhỉ!?
Đất thơ bí ẩn
Nợ nần quá nhiều với nó nên lâu ngày tự dưng tôi hòa vào nó. Người chưa hòa vào nó như ông thầy dạy toán ở thị trấn Tùng Nghĩa Tôn Thất Lê Nguyên hay tâm tình rằng một ngày nào đó ông phải đến đó để ngủ một đêm, dù nó cách Tùng Nghĩa độ 20 cây số theo đường chim bay, cùng thuộc Lâm Đồng. Lê Vĩnh Tài, thi sĩ xứ Buôn Ma Thuột, cũng bày tỏ vậy vào một lần tôi chở cậu ngang qua Dran để xuống Phan Rang. Trong lòng người thầy giáo và ông thi sĩ đương thời kia: “Dran nhỏ mà “lạ” quá. Muốn được “sống” với nó thật!”.
Đến giờ mà bạn bè tôi còn thế, huống gì ông Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Nguyễn Đức Sơn, Phạm Cao Hoàng, Nguyễn Đạt, Hồ Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Dương Quang… Hình như sự lạc loài của Dran lay động được những kẻ đa mang, có tâm hồn. Nghĩa là khi tôi được tham dự vào “tiệc” gió mây của Dran, thì những kẻ nông nổi, bóng bẩy hơn gọi là hào kiệt, tao nhân mặc khách đã “hòa” vào nó từ lâu lắm rồi. Họ là những kẻ “phát hiện” ra một “Dran địa thi”, Dran - miền mơ tưởng. Hay nói đúng hơn họ bị gió mây Dran lưu đày trước kẻ hậu sanh này ra đời.
|
Một căn nhà chan hòa với thiên nhiên của nông dân Dran |
Ông Đinh Cường, cả một thời trẻ trai, giai đoạn quan trọng nhất nghiệp đời họa sĩ của ông là vẽ trong không gian mơ hồ của Dran. Bao nhiêu bức tranh ông vẽ từ đấy, và vẽ đến giờ, sau 50 năm, vẽ vọng về từ nước Mỹ. Ông lạc đến đây, rồi sống trong một căn chòi gỗ ở thôn trang Lạc Lâm hút sâu bên trong và “trao đổi chất” với Dran bằng những lúc ra “phố”, mà phố kia chính là những dãy “Thị” thơ dại đến ngày hôm nay. Những năm đầu 1960 thế kỷ trước ấy, không ai ở Dran biết ông là họa sĩ. Ông tự biết mình, với những chuyến xe ngựa ra “phố” để lấy họa liệu gửi từ Sài Gòn lên. Là kẻ gầy nhom ngoài 20 tuổi hay đi trong lòng Dran, tay cầm một can dầu về rửa cọ, và tay kia là nhánh chuối Laba, mớ rau, mớ cá, bịch muối… Tiếng xe ngựa Dran ám ảnh văn nhân đến giờ. Ông bảo tôi thời tươi đẹp nhất của ông là thời lưu lạc cô đơn ở Dran, không tí tiếng tăm. Và ông Trịnh Công Sơn cũng thế. Ông nhạc sĩ tài danh của quốc gia này đã viết nhiều ca khúc tuyệt diệu mà ở đó có bóng dáng của khói sương, núi đồi phiêu lãng Dran, rộng hơn chính cái hồn núi rừng Dran đã quyện vào với hồn B’lao trong nhiều ca khúc của ông. Thứ hơi thở “Về trên phố cao nguyên ngồi/ Tiếng gà trưa gáy khan bên đồi” (“Lời thiên thu gọi”) đó mà. Cũng chính Dran, ông đã viết những lá thư tình mà nay người ta công bố và xuất bản thành sách, viết cho mỹ nữ Ngô Vũ Dao Ánh - người con gái đi nhiều vào nhạc ông.
Ở Dran, ngay cái bưu cục nhỏ bé kia cũng lặng lẽ, chỉ có điều nó vẫn đưa tới nơi những bức thư tình tuyệt cảm của người nghệ sĩ lớn ra bên “ngoài cuộc đời” kia, thoát khỏi vòng hư ảo của chốn xứ. Trong một lá thư cho nàng từ Dran, Trịnh Công Sơn viết: “Anh còn quà gì quí báu để cho Ánh ngoài những bụi bặm, mùi cỏ hoang, hoa dại suốt những miền anh đã đi qua…”. Thậm chí tâm hồn người nghệ sĩ bay lên mơ ước giản đơn đẹp đến độ: “Có lẽ anh sẽ kiếm một số tiền kha khá để lên đây hùn làm rẫy, và bỏ những ngày công chức ở đó (tức B’lao, NHT) đi… Anh sẽ sống cho mòn đời anh đi… Anh sẽ sống tự do nằm rũ và…” . Rồi lần khác: “…Bây giờ rừng núi đã dậy cùng với anh… Có lẽ rồi anh cũng kiếm cách về đây, làm đồn điền… Làm một căn nhà sàn với bàn ghế bằng những gốc thông ghép lại, sống rất gần với gỗ, với cây với núi rừng, với đất…”. Dran là nơi chứng minh tình bạn tuyệt đẹp, trong vắt, nghĩa khí, thậm tình của danh họa Đinh Cường và người nhạc sĩ tài ba họ Trịnh này. Những lúc nhớ bạn, Trịnh Công Sơn đón xe đò để từ B’lao - nơi ông đang dạy tiểu học - lên thăm bạn trên căn chòi gỗ hoang vu. Có hôm khi người nhạc sĩ chui vào căn nhà gỗ thì ngài họa sĩ kia đã theo ngựa xuống “phố”. Cuối năm 2013, ngài Đinh Cường từ Mỹ về Việt Nam, trở lại thăm Dran, và “lặng người” khi đứng trước nó. Mặc kệ những người khác muốn quay nhanh về với Sài Gòn đô hội, Đinh Cường “xin” ở lại để ngủ một đêm với Dran, trong một nhà nghỉ. Ông đã nghĩ gì về nó, không ai biết.
Còn bao nhiêu con người thầm lặng, văn nhân khác nữa từng bị “dính” khói mây Dran mà ta sao biết được.
Không rời khỏi đập
Toàn bộ phố thị Dran nằm gọn dưới đập thủy điện Đa Nhim, ngay cạnh chân đập. Khi khói sương trùm lên phần “thị” của Dran là nó trùm lên hồ nước mênh mông với bên trên là rừng thông che chở đó. Ngay sát chân đập, người dân với nhà cửa, vườn tược sinh sống tự nhiên. Họ nhìn lên đập như nhìn một “tác phẩm” nghệ thuật chứ không như một “quả bom nước”. Thủy điện Đa Nhim là công trình thủy điện Nhật Bản xây dựng như một nghĩa cử hối lỗi, gọi là “bồi thường chiến tranh” cho giai đoạn Nhật Bản chiếm cứ ngắn Việt Nam trước đó. Nó cũng là thủy điện lớn đầu tiên trên lãnh thổ nước ta. Người Dran còn nhớ những năm cuối 50 đầu 60 thế kỷ trước đó, Dran trở thành công trường lặng lẽ cho một công trình chưa từng thấy, với những cư xá, chợ búa, rạp cinema cho công nhân, chuyên gia thủy điện người Nhật. Hồ thủy điện Đa Nhim được hình thành từ việc ngăn dòng sông mang tên nước mắt Da Nhim (tiếng Churu bản địa) chảy từ đỉnh Hòn Giao nhìn xuống Khánh Hòa xa tít tụ về cùng dòng sông Labá chảy từ đỉnh Langbian của Đà Lạt ở chỗ nó gặp nhau là trên đỉnh đèo Krông Pa này.
Chính quyền trước di dời dân Dran đi, ở vùng tái định cư trong Ka Đô - cách đấy 18 cây số theo đường chim bay - khi làm thủy điện. Thế mà nhiều người trong họ vẫn quay về sống ở Dran, số khác sống cả hai nơi, vừa Ka Đô vừa Dran. Họ yêu tha thiết cái ốc đảo trong mây của họ. Thập niên 90, có một kỳ mưa to gió bão, nước về nhiều, người ta xả đập, cả phố thị Dran chìm trong nước. Cư dân vẫn không ngán sợ, cứ sống. Vì thế mới hiểu, sao phố, làng, vườn, nhà chùa, nhà thờ, người… nay vẫn cứ hiện hữu ở Dran.
|
Sương khói ở Dran |
Tôi hỏi người giáo viên về hưu Nguyễn Thị Bay: Không sợ đập nước sao? “Có chỗ nào đáng sống bằng chỗ này đâu mà phải đi. Đi rồi cũng quay về thôi!”, bà tâm sự. Tôi gặp ông Trần Văn Nên, một người từng tham gia xây đập Đa Nhim từ ngày đầu đến khi hoàn thành, và hỏi tương tự. “Làm sao vỡ đập được mà lo. Người Nhật đã làm là không có cẩu thả. Đến đất xây đập người ta còn nghiên cứu, chọn thứ đất đảm bảo kết cấu nhất để chở về đây. Họ kỹ đến mức tôi càng thấy khó chịu!”, ông Nên bày tỏ. Điều ông muốn kể là đến đất đổ đắp đập, người ta nhặt từng cây cỏ lẫn trong đất; cào lớp đất mặt đổ đi trước khi lấy những thớ đất sét bên dưới, để đưa về. Chính ông cũng từng chấp hành việc di dời vào đầu thập niên 60 ấy, rồi 1975 lại quay về ở ngay vị trí cũ, đất và nhà ngay dưới chân đập này. Như bao người dân Dran, gia đình ông sống giản dị, không ai giàu có của cải, với chút vườn lơghim, cây hồng ăn trái, thêm tí bán buôn hoặc làm nghề tự do các loại mà sống. Nhưng ông bảo: “Đời thế đã ngon rồi!”. Không là thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, tức chả dính gì đến văn nghệ, nhưng ông nhận ra xứ mình: “Sơn thủy bao quanh làng mạc, phố thị. Suối “đi” trên đầu, và núi thì “đi” bên trên nữa, còn rừng thông thì nằm phơi mình trên núi đó!”. Nghĩa rằng, người Dran họ có kiểu hạnh phúc của họ. Tôi không biết, có phải sự thơ mộng của nơi chốn, khói mây kia có góp phần hình thành nên phẩm chất thiện, lành của con người.
Dran à, mi hư ảo lạ kỳ!
Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH