Tân Lâm sau 5 năm thành lập

09:02, 09/02/2015

Xã Tân Lâm (huyện Di Linh) được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Thượng, với xuất phát điểm thấp, là xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn…, nhưng sau 5 năm thành lập, kinh tế - xã hội của xã Tân Lâm đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đề ra tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã hoàn thành.

Xã Tân Lâm (huyện Di Linh) được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Tân Thượng, với xuất phát điểm thấp, là xã vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn…, nhưng sau 5 năm thành lập, kinh tế - xã hội của xã Tân Lâm đã có nhiều chuyển biến rõ nét, nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đề ra tại Đại hội Đảng bộ lần thứ I (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đã hoàn thành.
 
Xã Tân Lâm được thành lập từ ngày 14/7/2009, theo Nghị định số 10 ngày 26/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc chia tách địa giới hành chính. “Từ khi mới thành lập, điều kiện kinh tế của xã Tân Lâm hết sức khó khăn, nhất là đường giao thông nông thôn; tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao; đội ngũ cán bộ công chức, người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra... Trước tình hình trên, hàng năm, Đảng ủy, UBND xã đã có giải pháp qui hoạch, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ “nguồn” để có nhân lực kế cận. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương từng bước được củng cố, kiện toàn và đi vào nề nếp. Bên cạnh đó, xã đã triển khai nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả, vận động nhân dân chú trọng đầu tư thâm canh, chuyển đổi, cải tạo diện tích cà phê già cỗi kém hiệu quả…, giữ vững an ninh chính trị trật tự xã hội tại địa phương” - ông Hàn Văn Chúc, Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, trao đổi.
 
 Theo Nghị quyết của Đảng bộ lần thứ I (nhiệm kỳ 2010 - 2015), Đảng ủy, chính quyền xã Tân Lâm đã thực hiện rất tốt vai trò lãnh, chỉ đạo của mình trong việc củng cố, xây dựng hệ thống chính trị từ xã đến cơ sở; thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương và đã gặt hái được những thành quả đáng khích lệ. Trong 5 năm qua, Đảng ủy xã Tân Lâm đã phát triển được 32 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ từ 54 lên đến 86 đảng viên, sinh hoạt tại 10 chi bộ cơ sở; Toàn xã hiện có 1.900 hộ, với 9.235 nhân khẩu, chủ yếu là các dân tộc K’Ho, Kinh và Mường. 
 
Vì là một xã mới được thành lập, cơ sở hạ tầng còn nhiều thiếu thốn, nên những năm qua, xã Tân Lâm đã được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây dựng trụ sở làm việc, đường giao thông nối từ Quốc lộ 28 vào trung tâm xã, đường liên thôn, trạm y tế và hệ thống điện chiếu sáng… Bên cạnh đó, xã đã đẩy mạnh vận động nhân dân chú trọng đầu tư thâm canh phát triển sản xuất cây công nghiệp (chè, cà phê), chăn nuôi (gia súc, gia cầm) gắn với dịch vụ. Toàn xã hiện có 5.917ha diện tích đất tự nhiên. Trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm trên 80% (3.636ha cà phê, 19ha chè). Những năm qua, song song với việc thực hiện các mô hình chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang giống cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao, xã còn tuyên truyền, vận động nhân dân tự chuyển đổi bằng ghép cải tạo, trồng tái canh và từng bước áp dụng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Nhờ đó, năng suất cây trồng từng bước được nâng cao. Bình quân năng suất chè ước đạt 16,8 tấn búp tươi/ha/năm; 2,6 tấn cà phê nhân/ha (tăng 3 tạ/ha so với năm 2013) và tổng sản lượng ước đạt 9.900 tấn.
 
Già làng K’Brếh (buôn B’Su Làch) cho biết: “Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong việc tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi… đã giúp cho bà con nâng cao nhận thức. Hiện nay, bà con trong xã không còn sống trong cảnh đói nghèo và những hộ nghèo cũng đã giảm nhiều. Từ lao động sản xuất, nhiều hộ đã xây dựng nhà cửa khang trang, trang bị đầy đủ tiện nghi và mua sắm nhiều phương tiện có giá trị. Nếu so với 5 năm về trước, thì hiện nay, xã Tân Lâm đã phát triển một cách vượt bậc”.
 
Cơ sở hạ tầng nông thôn, các công trình phúc lợi của xã đã từng bước được đầu tư nâng cấp, xây mới và dần đi vào hoàn thiện. Đây là tiền đề có tầm chiến lược hết sức quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Nếu như năm 2009 (năm mới thành lập), Tân Lâm có 359 hộ nghèo (chiếm 15%), thì đến nay, giảm xuống còn 70 hộ (chiếm tỷ lệ 3,68%) và hộ cận nghèo còn 130 hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm (2009), đến nay, nâng lên 28 triệu đồng/năm và phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt 32 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ I (nhiệm kỳ 2010 - 2015) đề ra là 15 tỷ đồng, đến nay, xã Tân Lâm đã thu 26 tỷ đồng… Bên cạnh đó, các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng ở địa phương luôn được giữ vững, ổn định và phát triển; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đạt từ 98% - 100%; 5/6 thôn được công nhận là “thôn văn hóa” và 1.453 gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa”. Với những thành quả đã đạt được trong 5 năm qua, xã Tân Lâm đang “khoác lên mình tấm áo mới”, tạo nên diện mạo nông thôn ngày càng trù phú.
 
NDONG BRỪM