Tết ở làng Mông

11:02, 16/02/2015

Xuân này, người Mông ở thôn 10C (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) đã hơn 20 năm trên quê mới. Dù bộn bề, vất vả sau nhiều năm mưu sinh, nhưng hơn 50 hộ người Mông ở Cao Bằng ngày nào vẫn không quên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình trong những ngày tết.  

Xuân này, người Mông ở thôn 10C (xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) đã hơn 20 năm trên quê mới. Dù bộn bề, vất vả sau nhiều năm mưu sinh, nhưng hơn 50 hộ người Mông ở Cao Bằng ngày nào vẫn không quên nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình trong những ngày tết.  
 
Những mùa tết trên quê mới
 
Năm 2003, khi cuộc sống nơi vùng đất mới đã ra dáng và thành hình, Thào Hùng Khải (khi ấy đang còn là Trưởng thôn 10C) quyết tâm “phục dựng” lại (theo cách nói của ông) cái tết của người Mông. Ông bảo: “Gần 10 năm đầu vì mải lo định cư cho cuộc sống mới nên đồng bào chỉ ăn Tết Nguyên đán của người Kinh. Không có tết của mình, buồn lắm. Tổ chức cho mọi người ăn Tết truyền thống Mông, vì tôi muốn đồng bào dù có xa quê cũng vẫn có cái tết của mình, không quên nét văn hóa đặc trưng của người Mông trong những ngày tết”. 
 
Thế là từ năm đó, đồng bào Mông ở Lộc Thành, ngoài cái Tết Nguyên đán của người Kinh, còn có thêm một ngày tết dành riêng cho mình: Ngày mùng 6 Tết Âm lịch. Đó là ngày tất cả già, trẻ, gái, trai trong làng, với những trò chơi đã được chuẩn bị từ trước, đổ ra sân làng để vui hội, thi thố, cầu duyên và cầu may. Tập trung cao điểm trong ngày mùng 6 tết, nhưng lễ hội xuân ở làng Mông kéo dài đến tận Rằm tháng Giêng. Rất nhiều trò chơi dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số và một số trò chơi cổ truyền của người Mông được luân phiên tổ chức trong những ngày này như múa khèn, tung còn (pao), đẩy gậy, leo cột mỡ, đổ nước chai, ném cù, kéo co, nhảy bao bố, đi cà kheo, đi cầu ngô, đâm bù nhìn… Trò chơi nào cũng thu hút đông đảo dân làng Mông tham gia, nhưng được hưởng ứng nhiều nhất vẫn là các trò ném pao, ném cù, leo cột mỡ, đâm bù nhìn, kéo co... Ông Khải cho biết: Người làng Mông không ra khỏi nhà trong ngày mùng 1, thậm chí nhiều gia đình không tiêu tiền trong những ngày đầu năm. Sau 3 ngày tết, đồng bào không ai ở lại trong nhà, đều đến để chung vui lễ hội. 
 
Để ngày tết của mình được sung túc, trọn vẹn, đồng bào Mông đã phải chuẩn bị từ nhiều ngày, thậm chí từ nhiều tháng trước. Bà Hoàng Thị Mai (người Mông) cho hay: “Tết luôn là khoảng thời gian dân làng cùng nhau làm và ôn lại những món ăn cổ truyền của người Mông trong dịp đầu năm mới, như mèn mén, thắng cố, bánh dày, bánh chưng... Bây giờ, không còn nhiều nhà làm thắng cố. Nhưng những năm được mùa, một số nhà vẫn nấu để đãi cả làng. Riêng mèn mén và bánh chưng thì hầu như nhà nào cũng làm”. Theo bà Mai, mèn mén muốn ngon phải được làm từ bắp tẻ. Loại bắp này được đồng bào Mông trồng từ đầu mùa mưa năm trước, thu hoạch vào cuối năm dương lịch. Bắp thu hái về để cả vỏ và cùi treo trên gác bếp để chống mối mọt, đợi đến giáp tết âm lịch sẽ lấy xuống, bóc vỏ phơi khô, xay nát bằng cối đá và sàng sảy để loại mày và trấu, rồi vo đi vo lại nhiều lần. Bắp đã xay và rửa sạch, sau đó, nhồi vào nồi cây (là một gốc cây được khoét rỗng) và nấu nhiều lần trong vòng 1 giờ đồng hồ mới thành món ăn được gọi là mèn mén. Mèn mén muốn ăn ngon phải dùng chung với canh rau cải hoặc lá rau bí xắt nhuyễn nấu với bột đậu nành. Những món ăn này, cùng với bánh chưng, là món ăn phổ biến của đồng bào Mông ở Lộc Thành trong những ngày tết. 
 
Ném còn (pao) là trò chơi phổ biến của con gái Mông trong những ngày xuân
Ném còn (pao) là trò chơi phổ biến của con gái Mông trong những ngày xuân
 
Pao và sự gắn kết 
 
Một nét văn hóa đặc trưng rất phổ biến khác của người Mông trong những ngày tết là làm trái “còn”, hay còn gọi là pao (theo tiếng Mông), để dùng làm vật cầu duyên và chúc phúc nhau trong dịp đầu năm mới. Những ngày cận tết, đi đến nhà nào ở làng Mông (Lộc Thành) cũng thấy chị em tất bật may pao. Không tròn trịa như quả pao của người Mông Sơn La, quả pao của người Mông Cao Bằng là một dải tua dài khoảng 1 mét, với đầu là quả pao (bên trong là đậu xanh hoặc hạt gạo được bọc khéo bằng vải lanh) hình vuông, nhỏ bằng nắm tay, nối 4 góc với 4 chuỗi cườm và những tua len đủ màu sắc. Đầu pao nối với đuôi pao thông qua một chuỗi tua dài bằng sải tay, dùng để định hướng. Thấy tôi lóng ngóng với quả pao dài, Thào Thị Minh Hải (một cô gái làng Mông) điêu luyện cầm đuôi pao ở tay chiêu, tay thuận giữ khoảng nửa mét tua pao và bắt đầu quay tròn đầu pao, “Khi nhắm vào ai thì hướng vào người đó rồi lấy đà mà ném. Đuôi pao có tác dụng định hướng” - Hải nói. 
 
Một phụ nữ Mông thạo may vá, thêu thùa phải mất ít nhất 3 ngày may liên tục mới có thể hoàn thành một quả pao. Kỹ thuật may pao thể hiện sự khéo léo, tính kiên nhẫn và tài may vá của con gái Mông. Người con trai khi bắt pao nhìn vào đường kim, mũi chỉ của quả pao mà chọn vợ. Nếu ưng ý, chàng trai sẽ giữ lại quả pao rồi tìm cơ hội tiếp cận chủ nhân và hò hẹn, bắt đầu một mối lương duyên. Tuy nhiên, theo lời Minh Hải, tục ném pao để tìm vợ, nhiều năm gần đây, không còn phổ biến ở lễ hội xuân của người Mông ở Lộc Thành. Người ta cũng ném pao nhưng chỉ để giao lưu, hỏi thăm sức khỏe và cầu phúc cho năm mới, chứ không dùng pao để tìm vợ như trước. Dẫu vậy, vẫn có những chàng trai Mông ở Lộc Thành đã tìm được “một nửa” của đời mình nhờ pao. Anh Hoàng Quốc Hùng cho biết: “Năm 2003, khi dân làng đón cái tết truyền thống đầu tiên, tôi ở Cát Tiên lên vui hội đã bén duyên với một cô gái của làng qua tục ném pao. Tôi cưới vợ và làm trai làng Mông từ đó”. Vợ của Hùng, không ai khác, chính là Thào Thị Minh Hải. 
 
Một cái tết được mùa
 
Thấm thoắt đã 12 năm kể từ khi người Mông ở Lộc Thành đón cái tết đầu tiên của mình trên quê mới. Cái tết thứ 13, đón năm mới Ất Mùi 2015, có vẻ “xôm tụ” và sung túc hơn mọi lần. Trong góc nhà chính, nơi trang trọng nhất, đồng bào Mông đặt các vật dụng làm nông (cuốc, cày, xẻng...) đã được lau chùi sạch sẽ để thờ cúng, tượng trưng cho công sức lao động của một năm vất vả, như một cách tri ân và cầu cho vụ mùa mới được bội thu. Bên bếp lửa, nhà nhà quây quần giết gà, giết lợn chuẩn bị cho năm mới. Nhà Thào Hùng Khải năm nay sẽ nấu món thắng cố. Ông cho biết: “Mọi năm, tôi toàn đi nấu giúp cho người ta. Năm nay được mùa, tôi sẽ nấu ở nhà để đãi mọi người”. Bà Hoàng Thị Mai thì đang tất bật chuẩn bị món mèn mén. Bà cho biết: “Tết là dịp để ôn lại cách làm món ăn này, vừa là cơ hội để dạy cho cháu con trong nhà về những nét văn hóa thông qua món ăn cổ truyền của dân tộc”. 
 
Anh Hoàng Quốc Hùng đang chuẩn bị trang phục tết và đồ lễ (chum rượu và con gà trống) chúc Tết nhà bố vợ vào sáng sớm ngày đầu năm. Anh bảo: Theo phong tục, trong năm mới, con trai người Mông phải là người đầu tiên bước vào nhà bố mẹ vợ hoặc nhà người thân để chúc tết, vì như thế sẽ mang đến một năm mạnh khỏe và tốt lành. Trong nhà, Thào Thị Minh Hải cũng đang chuẩn bị váy áo cho năm mới. Căn nhà của đôi vợ chồng trẻ vừa được sửa sang gọn ghẽ, khang trang. “Năm nay chè và cà phê đều được mùa, đồng bào phấn khởi lắm, vì có “đồng ra, đồng vào” để lo tết và sửa sang nhà cửa. Có tiền lo tết nên cũng đỡ vất vả hơn mọi năm. Sửa nhà xong, dự tính tết này tôi sẽ mở quán cà phê sân vườn” - Hải cho hay. Câu chuyện bị ngắt quãng khi có thương lái vào mua cà phê. Thoăn thoắt cân cà phê, Hải mau mắn: “Được giá, nên mình cứ bán. Để dành vốn đầu tư vườn tược cho vụ mùa sau”. Trở lại câu chuyện, Minh Hải liên miên những dự định cho năm mới. Trong ánh mắt cô, rạng rỡ những niềm vui.
 
HẢI UYÊN