Những năm gần đây, Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thực trạng thiên tai diễn ra rất khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, nếu có biện pháp ứng phó phù hợp thì hậu quả của thiên tai gây ra được khắc phục ở mức còn thấp nhất có thể.
Những năm gần đây, Lâm Đồng cũng như nhiều địa phương khác trong cả nước, thực trạng thiên tai diễn ra rất khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên, nếu có biện pháp ứng phó phù hợp thì hậu quả của thiên tai gây ra được khắc phục ở mức còn thấp nhất có thể.
Số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho thấy: Cả năm 2014, Lâm Đồng đã phải đón nhận 12 đợt mưa lớn (bất thường), 7 đợt mưa đá, 26 đợt mưa kèm lốc xoáy, 4 đợt sét đánh, 6 trận lũ quét và 4 đợt sạt lở đất. Thiên tai năm 2014 trên địa bàn Lâm Đồng đã làm 5 người chết (trong đó có 2 người ở Đức Trọng bị sét đánh chết và 3 người bị chết đuối ở Di Linh và Đà Lạt) và 3 người bị thương. Về tài sản, những đợt thiên tai này ở Lâm Đồng đã làm 38 ngôi nhà bị sụp đổ (hoặc bị cuốn trôi), 496 căn nhà bị tốc mái, 321 nhà bị ngập chìm trong nước; hơn 9ha nhà kính trồng hoa bị tốc mái, 7 điểm trường học và 1 trung tâm y tế bị ảnh hưởng xấu; gần 830ha lúa và 4,5ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; 316ha hoa, rau màu và 640ha cây công nghiệp dài ngày bị hư hại... Ước tổng thiệt hại về vật chất của Lâm Đồng do thiên tai gây ra năm 2014 lên đến con số gần 90 tỷ đồng.
Mức thiệt hại này, theo lãnh đạo Sở NN-PTNT Lâm Đồng là mức thiệt hại thấp nhất nhờ Lâm Đồng đã áp dụng nhiều giải pháp để hạn chế và khắc phục thiên tai xảy ra. Năm 2015 này, ngay từ đầu năm, chủ trương của UBND tỉnh đưa ra là: Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ tài nguyên, môi trường; bảo tồn thiên nhiên và giữ gìn sự đa dạng sinh học; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi phá rừng, xâm hại rừng và đất lâm nghiệp. Cùng đó, Lâm Đồng cũng sẽ thực hiện có hiệu quả các định hướng ưu tiên về tài nguyên và môi trường của chiến lược phát triển bền vững, chiến lược tăng trưởng xanh, chiến lược bảo vệ môi trường, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ về bảo vệ môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục nâng cao năng lực phòng tránh và hạn chế tác động xấu của thiên tai; và ứng cứu kịp thời và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
Như trên đã nói, hậu quả do thiên tai gây ra thật khó lường; tuy nhiên, nếu có những biện pháp chủ động, chúng ta có thể hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do nó gây ra!
KD