Tìm về con đường ký ức

02:02, 23/02/2015

Để giúp cho việc giao thông dễ dàng và tiện nghi, chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng tuyến đường sắt răng cưa dài 84km Tháp Chàm - Đà Lạt có 3 chặng đường sắt răng cưa theo hệ thống Abt. Đây là một trong 2 tuyến đường sắt răng cưa độc đáo trên thế giới.

Theo hồi ức…
 
Để giúp cho việc giao thông dễ dàng và tiện nghi, chính quyền bảo hộ Pháp xây dựng tuyến đường sắt răng cưa dài 84km Tháp Chàm - Đà Lạt có 3 chặng đường sắt răng cưa theo hệ thống Abt. Đây là một trong 2 tuyến đường sắt răng cưa độc đáo trên thế giới.
 
Tuyến đường nay không còn, nhưng trong ký ức nhiều người nó vẫn còn sống mãi. Lần vào Cư xá hỏa xa (TP Đà Lạt), tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Viễn (94 tuổi), tài xế lái tàu trên tuyến đường sắt răng cưa từ tháng 4/1947 đến tháng 6/1981. Ông vẫn còn rất minh mẫn. Khi nói về tuyến đường ấy, ông như đang nói về một cố nhân. Ông lục tìm cho tôi xem cái “bảo tàng” cất giữ rất nhiều giấy tờ một thời lái tàu lửa của mình. 
 
Ông Viễn hồ hởi khi nhắc lại chuyện về tuyến đường xương cá
Ông Viễn hồ hởi khi nhắc lại chuyện về tuyến đường xương cá
 
Ông kể: “Anh em lái tàu gọi tuyến đường sắt này là đường xương cá. Con đường nhánh tách khỏi đường sắt Bắc - Nam lên Đà Lạt, bắt đầu từ Tháp Chàm là cây số 0, đến Đà Lạt là cây số 84. Từ cây số 0 đến cây số 50 là đoạn răng cưa thứ nhất, từ cây số 55 đến cây số 61 là đoạn răng cưa thứ 2 và đoạn răng cưa cuối cùng là từ cây số 72 đến 74. Trên những đoạn răng cưa, tàu chỉ được chạy với tốc độ tối đa 10km/h. Tàu thở phì phò giữa những cánh rừng thông, khách đi tàu tha hồ ngắm cảnh núi non”. ông Viễn trầm ngâm: “Đường sắt không còn nữa, nên tôi giữ những giấy tờ này như kỷ vật”.
 
Gặp anh Phan Văn Chi (50 tuổi, trú tại xã Trạm Hành) - con trai của lính hỏa xa Phan Văn Ngọc - người được phong “tài xế hơi nước thượng hạng” (đã mất vì trận ném bom trên đường tàu năm 1968), tuổi thơ anh là những ngày theo cha đi tàu. Anh còn nhớ “Từ Tháp Chàm lên cao nguyên Đà Lạt đoàn tàu phải vượt qua 5 hầm, 46 cây cầu và 3 đoạn răng cưa. Khi leo đèo dốc tàu như gồng mình, ghì sát vào đường ray, răng cưa móc vào đường răng để tàu an toàn”.
 
“Tiếng còi tàu là âm thanh cả tuổi thơ tôi và có lẽ nó là “đặc sản” riêng của Đà Lạt lúc ấy. Với gia đình tôi, đó là một tín hiệu để các con chạy ra ga tàu xách camen cơm của ba về, còn mẹ bắt đầu nhóm lò nấu cơm tối” - anh Chi tâm sự.
 
…Tìm về tuyến đường “bạc mệnh”
 
Theo tài liệu và những “bản đồ miệng” trên, chúng tôi lần tìm những gì còn sót lại của tuyến đường “bạc mệnh” năm xưa.
 
Tuyến đường ngạo nghễ một thời ấy giờ có đoạn bị cỏ cây phủ lấp, có đoạn đã “hóa kiếp” thành những khu vườn. Lần về ga Eo Gió, tìm đến những gia đình nhiều đời từng làm công nhân hỏa xa, trong đó có gia đình anh Trần Văn Tý (44 tuổi, thị trấn D’Ran). Tuổi thơ rong chơi theo tàu đi dọc tuyến và những lần dẫn các đoàn khách nước ngoài, sinh viên các trường đại học tìm về tuyến đường “nối biển và hoa” giúp anh Tỵ trở thành người dẫn đường chuyên nghiệp. Dọc theo con đường nhỏ giữa “xóm ga”, anh Tỵ nói “ Mình đang đi theo đường sắt ngày xưa đấy”. Để đi tới hầm số 2 trên tuyến đường Tháp Chàm - Đà Lạt. Căn hầm xây bằng đá tảng lớn, bề mặt khá nhẵn, dài khoảng 200m, cao 6m, rộng 5m rất thoáng đãng. Căn hầm giờ là nơi trú mưa, là đường đi lên rẫy của bà con. Rời khỏi miệng hầm vài chục mét, 4 cột đá thẳng đứng hình chữ nhật cao tầm 30m từ đáy vực bắc lên. Khi xưa đây vốn là trụ đỡ của chiếc cầu xe lửa, nối hai bờ vực. Vượt khoảng 10km đường rừng chúng tôi tìm tiếp về ga K’Beu - ga tiếp nước, tiếp than cho tàu giữa chặng Sông Pha - Eo Gió. Đường đến K’Beu qua những nấm mộ của những người lính phu đường ngày xưa, nay vùi sâu trong cỏ. Nơi đây vẫn còn hàng loạt những cột đá bởi khu vực này đồi núi trập trùng nên tập trung nhiều cầu nhất trong cả tuyến đường. Nhìn những khối đá sừng sững, tôi thật không hiểu ngày ấy người ta xây dựng chúng như thế nào để qua bao cuộc bể dâu, nó vẫn đứng giữa đất trời. Nghe nói, bên tuyến đường này có làng Lập Lá của bà con người K’Ho và ga K’Beu là nơi bà con mang rau quả ra bán. Nhìn đống đổ nát hôm nay, ai biết K’Beu đã có thời nhộn nhịp. 
 
Hầm số 2 giờ là nơi trú mưa và đường đi lên rẫy của bà con trong vùng
Hầm số 2 giờ là nơi trú mưa và đường đi lên rẫy của bà con trong vùng
 
Tiếp tục tuyến đường rừng chúng tôi đi về căn hầm số 1 trên đất Ninh Thuận. Những đoạn đường cao, còn sót lại đá vụn - chút còn lại của tuyến đường. Gia đình ông K’Lức (72 tuổi), xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã nhiều đời trồng bắp ngay trên nóc hầm xe lửa này. Gọi thằng cháu K’Phúc (15 tuổi) trên rẫy về, hai ông cháu mang theo xà gạc và cây đuốc dẫn chúng tôi xuống hầm. Hầm số 1 cong cong, tối và ẩm ướt, nằm khá thấp, dài chừng 300m. Ánh lửa và tiếng người đánh động lũ dơi, chúng bay ra ào ào trong tiếng cười khanh khách của K’Phúc. Miệng hầm đầy rêu phong, nếu không được giới thiệu, không ai nghĩ căn hầm này một thời sôi động tiếng còi tàu. Người đàn ông K’Ho kể: “Ngày ấy tàu chạy nhiều lắm, vui lắm. Mấy chỗ răng cưa thanh niên nhảy lên nhảy xuống được vì tàu chạy chậm lắm. Mình cũng hay nhảy tàu ra chơi với bạn ngoài Đơn Dương”.
 
Chia tay già và ký ức của ông, tôi ngược về Lâm Đồng tìm ba căn hầm còn lại. Hầm số 3 nằm ở thôn Trường Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt. Theo tài liệu thì căn hầm này dài nhất với hơn 800m. Có lẽ đã lâu lắm rồi, không ai vào hầm bởi cửa hầm bị cây dại bịt kín. Căn hầm tối mịt, ẩm ướt, sâu hun hút, mùi phân dơi nồng nặc. Hầm số 4 và hầm số 5 cũng có những nét chung về thiết kế. Tuy nhiên, những đống rác lớn bốc mùi ngay miệng hầm thực sự khiến chúng tôi không khỏi ngậm ngùi nhất là sau khi đã đi dọc gần hết tuyến đường huyền thoại và nghe những ký ức tươi đẹp một thời.
 
Đà Lạt xinh đẹp với bốn bề cao nguyên trập trùng, đường bộ là cách duy nhất để lưu thông. Loại hình giao thông này một khi hình thành bắt buộc người ta phải phá hủy một phần của tự nhiên. Có lẽ bởi vì vậy mà cho đến hôm nay những chứng nhân và cả hậu thế vẫn mãi ước mong về con đường sắt bám vào thiên nhiên, giữ gìn tối đa nét đẹp của tạo hóa để đưa người, đưa hàng hóa lên xuống với cao nguyên. Tại Hội nghị phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên ở Gia Lai (4/2013), người ta đã đưa ra sự cần thiết phải có tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt, trong chiến lược đầu tư xây dựng để phát triển vùng này.
 
Rừng thông nay vẫn còn đó mà vắng đi tiếng còi tàu. Đến khi nào, người ta lại thấy đầu máy hơi nước kiêu hãnh chuyển mình trên tuyến đường sắt răng cưa ở Đà Lạt. Nhanh lên thôi cao nguyên chờ đợi lâu lắm rồi!
 
NGỌC NGÀ