(LĐ online) - Ngày 9/3, sau ca phẫu thuật sỏi thận kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, BS Lê Quý Sơn - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, là phẫu thuật viên chính của ca mổ, đã đưa ra khỏi người bệnh nhân Hoàng Thị Xuân - 39 tuổi ở phường 8 - Đà Lạt một đoạn kẽm dài gần 20cm và viên sỏi có đường kính khoảng 5cm.
(LĐ online) - Ngày 9/3, sau ca phẫu thuật sỏi thận kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, BS Lê Quý Sơn - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, là phẫu thuật viên chính của ca mổ, đã đưa ra khỏi người bệnh nhân Hoàng Thị Xuân - 39 tuổi ở phường 8 - Đà Lạt một đoạn kẽm dài gần 20cm và viên sỏi có đường kính khoảng 5cm.
Bệnh nhân Hoàng Thị Xuân cho biết: “Em không biết có thanh kẽm vậy! Vừa rồi nhập viện để mổ sỏi thì nghe bác sĩ hỏi em có đặt cái gì trong bụng không, em bảo không. Khi em sinh con thì đẻ thường chứ không mổ xẻ gì hết. Mỗi lần đi tiểu đau mà cứ ráng chịu đến giờ”.
Theo lời kể của bệnh nhân Xuân, đây là hậu quả của tai nạn bị máy cắt cỏ văng đá vào người từ năm 2005 khi chị tham gia cùng tổ dân phố làm đường. Vụ tai nạn đó, chị đã nằm viện tại BVĐK tỉnh 20 ngày để điều trị vết thương. Điều không ngờ là 10 năm chung sống với đoạn kẽm xuyên qua bàng quang vào tiểu khung chị đã phải chịu cảnh tiểu buốt, tiểu khó, tiểu lắt nhắt và đau vùng bàng quang.
Các bác sĩ giải thích về hậu quả của việc 10 năm chung sống với đoạn kẽm xuyên qua bàng quang của bệnh nhân Xuân như sau: Do thanh kẽm xuyên qua bàng quang 10 năm nay đã tạo điều kiện cho cặn lắng ở bàng quang bám vào hình thành cục sỏi bàng quang sần sùi và ngày một lớn. Cùng với việc han gỉ của thanh kẽm, nếu không kịp thời phát hiện sẽ gây tổn thương các mạch máu và viêm nhiễm ở vùng chậu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh hở van tim ở bệnh nhân này.
BS Lê Quý Sơn cho biết: “Bệnh nhân này có bệnh hở van tim nên trước khi mổ sỏi thận, bác sĩ gây mê cảnh báo tôi là bệnh nhân có thể nguy cơ cao về bệnh nội khoa, thành ra mổ sao cho khéo, cho nhanh, làm sao thật chính xác, đừng gây tổn thương gì để khỏi phải can thiệp thêm những vấn đề khác của bệnh nhân. Bệnh nhân bị hở van tim nên khi mổ, tôi hạn chế truyền dịch và sau mổ, tôi cũng không dám truyền dịch thêm vì tăng gánh thất cho tim nữa. Trong cuộc đời mổ trên 30 năm, tôi chưa phát hiện bệnh lý như thế này. Chúng tôi cảm thấy vui bởi vì phát hiện ra và giải quyết tận gốc nguyên nhân gây tổn thương cho bệnh nhân trong thời gian quá dài”.
DIỆU HIỀN