Họ - những người đàn ông ngoại quốc, đến từ những đất nước xa xôi với những nền văn hóa khác biệt, đã gắn bó, yêu thương và góp sức mình cho mảnh đất Lang Biang huyền thoại bởi sức hút của con người và văn hóa K'Ho.
[links(right)]
Họ - những người đàn ông ngoại quốc, đến từ những đất nước xa xôi với những nền văn hóa khác biệt, đã gắn bó, yêu thương và góp sức mình cho mảnh đất Lang Biang huyền thoại bởi sức hút của con người và văn hóa K’Ho.
Bài 1: Chuyện tình dưới chân núi Lang Biang và câu chuyện K’Ho Coffee
Đã từng nghe các ông bố hát ru con, nhưng nghe chàng trai “Tây” hát ru con bằng bài ru của người K’Ho, tôi thật sự xúc động. Xúc động để tôi tìm về câu chuyện tình yêu ấy ở Bnơr’C (Lạc Dương). Tình yêu của một chàng “Tây” với cô gái K’Ho và tình yêu chung của họ với cà phê Arabica, họ đang viết nên câu chuyện đẹp về tình yêu và về K’Ho Coffee.
|
Joshua và Rolan pha K’Ho Coffee |
Tình yêu tình cờ
Joshua vẫn nhớ rõ lần đầu tiên đặt chân đến Việt Nam, anh có mặt ở TP Hồ Chí Minh rồi những chuyến đi “phượt” ở miền Trung, Tây Nguyên, miền Đông và miền Tây Nam Bộ của Việt Nam. Những khuôn mặt rạng rỡ, những nụ cười hồn hậu, không khí thanh bình, yên ả đã làm anh thêm say mê đất nước này. Năm 2009, Joshua làm việc cho Công ty Green Energy chuyên tổ chức các tour bằng Vespa cho khách nước ngoài từ TP Hồ Chí Minh - Đà Lạt - Nha Trang - các tỉnh miền Tây. Khi lần đầu tiên đặt chân lên Đà Lạt, cảnh sắc xứ sở mộng mơ đã khiến Joshua không thể chỉ đến một lần.
Năm 2010, khi dừng chân tại Khu du lịch đồi Mộng Mơ, Joshua lần đầu tiên gặp Cơ Liêng Rolan (28 tuổi), cô hướng dẫn du lịch đồng thời là diễn viên múa cồng chiêng. Người con gái K’Ho với những điệu múa, tiếng chiêng độc đáo đã làm say lòng chàng “Tây” này. “Sau nhiều lần chuyện trò, mặc dù vốn tiếng Anh của tôi chỉ bập bẹ, tiếng Việt của anh thì cũng chỉ có đôi ba chữ sơ sài nhưng chúng tôi rất hiểu nhau”, Rolan cho hay. Còn với Joshua thì “cô ấy rất đẹp và múa rất hay”.
Rolan kể: “Khi chưa kết hôn, mình dẫn Joshua vào làng đúng thời điểm thu hoạch cà phê Arabica trong vườn. Joshua đã cùng ra rẫy hái cà phê. Anh sung sướng chạy khắp nơi, níu cành xuống ngắm nghía, nếm thử quả cà phê chín. Anh như đứa trẻ được lần đầu đi vào công viên vui chơi vậy”.
Ban đầu, bố mẹ Rolan chưa thực sự tin chàng “Tây”. Nhưng sau một thời gian, thấy chàng “Tây” mắt xanh, da trắng, tóc ánh kim sống như người bản xứ và không ngại ngần vào vườn cà phê tỉa cành, bố mẹ Rolan mới dần xiêu lòng trước mối tình vượt biên giới của cô con gái. Đầu năm 2014, đám cưới giữa hai người đã được tổ chức ở Bnơr’C (Lạc Dương). Joshua đã chính thức chia tay thành phố Michigan (Mỹ) để gắn bó cuộc đời mình ở dưới chân núi Langbiang. Bởi với Joshua “con người, gia đình và vùng đất ở đây rất tuyệt”.
Joshua và Rolan sống trong căn nhà gỗ nhỏ xinh ấm áp do chính Joshua thiết kế và xây dựng giữa vườn cà phê Arabica. Sau hơn một năm chung sống, hai người đã có một bé trai hội tụ cả nét đẹp của người Mỹ và K’Ho. Lee Henry Guikema Cơ Liêng đã ra đời, là kết quả của một tình yêu đẹp.
K’Ho Coffee
Nếu như Rolan là cô gái lớn lên giữa những rẫy cà phê, cả tuổi thơ là mùi hương, màu trắng muốt của cà phê mùa ra hoa trên những con đường đi học; thì với Joshua, cà phê là loại thức uống anh thích nhất và nghiên cứu nhiều nhất. Hai người từ một điểm chung đã nhen nhóm cho việc gây dựng một thương hiệu cà phê riêng.
Joshua với kiến thức học được về cách chế biến cà phê tươi trong thời gian trước và nguồn nguyên liệu cà phê có sẵn từ rẫy nhà Rolan, đôi vợ chồng này bắt tay vào thu hoạch, xay vỏ, tuyển chọn và phơi hạt, sau đó rang thử và xay thành bột cà phê Arabica nguyên chất. Vì làm thử nghiệm nên họ chỉ làm với số lượng nhỏ. Mẻ cà phê đầu tiên hoàn thành và được pha chế trong sự hồi hộp. Nhấp ngụm cà phê đầu tiên ấy, Joshua thốt lên “This is the best coffee” (Đây là loại cà phê ngon nhất). Hạt cà phê được rang tay với độ chín vừa phải cho ly cà phê Arabica màu nâu xám sóng sánh, có vị hơi chua của trái cây. Cũng từ đây “Hạt” ý tưởng K’Ho Coffee bắt đầu “nảy mầm”.
Năm 2012, hai vợ chồng đã bán được 10kg cà phê Arabica lụa theo phương pháp rang tay đầu tiên. Đến năm 2013, đã tăng lên 1 tấn. Năm 2014, vợ chồng Rolan thu mua toàn bộ cà phê của bà con trong xóm. và chế biến theo phương pháp trên. Hiện nay hầu hết các gia đình ở Bnơr’C đều sử dụng loại cà phê này.
Để tạo dựng thương hiệu K’Ho cà phê, Joshua đã mang K’Ho Coffee tham dự Hội chợ “Organic Famers’ Market” năm 2014 tại TP Hồ Chí Minh. Joshua và Rolan bộc bạch: “Mục đích của chúng tôi là chế biến cà phê Arabica chất lượng cao nhất. 100% cà phê chế biến là giống Arabica trồng ở Lạc Dương. Từ thu hoạch đến chế biến đều phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt”.
Roshua cho biết thêm: “Chúng tôi muốn thiết lập một thương hiệu cà phê mới tại Việt Nam, có trách nhiệm với môi trường thông qua các biện pháp canh tác hữu cơ và giữ lợi nhuận trong tay của cộng đồng. Thay vì chỉ bán cà phê thô, chúng tôi muốn bán loại cà phê đã chế biến ngay tại Langbiang”.
Chia sẻ về cái tên K’Ho Coffee, đôi vợ chồng này cho biết: Họ muốn nhấn mạnh tới thương hiệu đặc trưng của sản phẩm do chính những người K’Ho ở mảnh đất này tạo ra. Logo của K’Ho Coffee là hình hạt cà phê cách điệu trên nền họa tiết thổ cẩm. Bao bì đựng cà phê là bao giấy có phủ lớp giấy bạc bên trong để vừa chống ẩm vừa không làm ảnh hưởng tới hương vị được đặt mua ở Hồng Kông.
Joshua trong những đợt về Mỹ thăm gia đình và bạn bè, quà anh mang theo là những bịch cà phê và lần nào anh cũng tiếc vì không thể mang nhiều hơn để tặng bởi họ quá thích loại cà phê này.
Năm 2014, Công ty Coffee Real Speciality Coffee Roasters đã sang khảo sát quy trình sản xuất K’Ho Coffee và đặt hàng vợ chồng Joshua 20 tấn/năm. Đối với họ, đó là niềm hạnh phúc. Tuy nhiên, do quy mô sản xuất còn nhỏ, vợ chồng Joshua đã từ chối bản hợp đồng này để tiếp tục hoàn thiện hơn nữa K’Ho Coffee và trước hết, để phục vụ chính bà con nơi này.
Khi được hỏi về niềm vui trong cuộc sống ở Langbiang, Joshua cười sảng khoái nói: “Tôi yêu vợ con tôi và mọi thứ ở miền đất này. Tôi cũng thích những ngày làm việc như người nông dân ở vườn cà phê, hoặc những ngày mưa ngồi nhâm nhi K’Ho Coffee, nhìn những rẫy Arabica bạt ngàn. Tôi yêu văn hóa, những sản vật, cà phê và nụ cười con người nơi đây”.
NGỌC NGÀ