Chuyện những ông "Tây" yêu Langbiang (bài 2)

05:03, 17/03/2015

Từng rong ruổi qua nhiều đất nước khác nhau, là người thành đạt trên đất Mỹ với công việc kinh doanh của gia đình, nhưng cao nguyên Langbiang mới là nơi James Reelick lựa chọn ở lại để thực sự "sống" lâu dài.

[links(right)]Từng rong ruổi qua nhiều đất nước khác nhau, là người thành đạt trên đất Mỹ với công việc kinh doanh của gia đình, nhưng cao nguyên Langbiang mới là nơi James Reelick lựa chọn ở lại để thực sự “sống” lâu dài.
 
Bài 2: Người đàn ông Mỹ kinh doanh trên đất LangBiang
 
Gắn bó với Langbiang
 
James Reelick sinh ra và lớn lên tại Bang Connecticut (Hoa Kỳ). Tốt nghiệp đại học ngành nghiên cứu về cây và thảo mộc, ông làm việc cho Công ty Hollandeia chuyên trồng cây và hoa của gia đình hơn 31 năm. Sau này, ông  làm việc cho công ty bất động sản Land Development, Buy and Sell Lands và học thêm về xây dựng. Năm 2007, lần đầu đến Việt Nam, đi dọc đất nước này nhưng cuối cùng ông chọn dừng chân ở Đà Lạt thơ mộng bởi khí hậu và cảnh sắc. Sau đó, James Reelick chuyển vào Lạc Dương vì ở đây có núi Langbiang để có thể đi leo núi - việc ông thích nhất tại quê nhà.
 
James nhanh chóng phát hiện ra Langbiang còn có nhiều nét văn hóa đặc sắc mà không có ở bất kỳ một nơi nào khác. “Ở đây con người rất thân thiện, nơi đây còn có thức ăn ngon, rượu cần ngon, tiếng chiêng hay. Văn hóa K’Ho rất tuyệt” - James bộc bạch.
 
Tại Langbiang, ông đã gặp và yêu một người phụ nữ Việt. Lần thứ 4 leo lên Bidoup, James không còn độc hành như 3 lần trước nữa. Ông đã trao nụ hôn đầu với người yêu ngay trên đỉnh Langbiang vào năm 2012. Kỷ niệm này chính James đã kể lại đầy tự hào với chúng tôi trong một đêm cắm trại “săn” trăng tròn cũng trên đỉnh núi này dịp Trung thu năm 2014. James và vợ mình là cô Nguyễn Thị Liên đã có một bé gái đáng yêu tên Reelick Nguyen Ann Trưng. Lý giải về câu chuyện gắn với cái tên của cô bé lai 2 tuổi này, James tâm sự: “Tôi yêu lịch sử và văn hóa Việt Nam, nhất là Hai Bà Trưng - hai nữ anh hùng, nên tôi đặt tên con gái là Trưng cũng vì lẽ đó”.
 
Tâm sự về cuộc đời mình, James kể: “Một lần nghỉ dưỡng ở Idaho Sun Valley, được chứng kiến Lò pizza wood fire pizza oven (loại lò nướng pizza bằng gỗ), với niềm đam mê nấu ăn, sự tò mò, tôi bắt đầu học cách xây dựng loại lò pizza”.
 
Sau bao lần thực hiện, thất bại không làm James lùi bước. Hiện nay, trong khuôn viên sống của gia đình nằm bên đường Langbiang (thị trấn Lạc Dương), James có chiếc lò nướng Pizza cao khoảng 3m, hình trụ được xây bằng loại gạch chịu nhiệt cực tốt. Lò sử dụng nhiên liệu gỗ, được làm nóng bằng cách đốt gỗ trong buồng. Tùy loại thực phẩm mà sẽ được nấu chín khi lửa vẫn còn cháy hoặc chỉ còn than hồng. Nhiệt độ lò có thể vượt quá 1.000 độ Fahrenheit. Lò hoạt động như một “pin nhiệt”, từ từ giải phóng nhiệt theo thời gian. Nhiệt giữ lại trong lò có thể được sử dụng để nướng nhiều loại thực phẩm khác nhau. 
 
Khách nước ngoài thưởng thức pizza ở quán K’Be
Khách nước ngoài thưởng thức pizza ở quán K’Be
 
Pizza ở Langbiang
 
James cho biết: “Pizza gần như là món ăn hàng ngày của người Mỹ. Văn hóa có thể khác nhau, nhưng quê hương tôi và quê hương bạn đều trên con đường hội nhập vào thế giới rộng lớn. Ở Langbiang, thay vì sử dụng công thức Âu, pizza được chế biến từ những nguyên liệu hết sức quen thuộc trong thực đơn truyền thống của người bản địa”.
 
Chị Liên chia sẻ thêm: “Tất cả các nguyên liệu làm pizza ở quán của chị đều mua của bà con trong vùng, đảm bảo chất lượng và hương vị cũng rất đặc trưng”.
 
Nói về sự khác biệt ở pizza này, ông cho rằng: “Thiết kế của loại lò nướng là yếu tố chính tạo nên tính độc đáo cho pizza của ông. Pizza được nướng chín đều, nhanh, không quá béo. Bề ngoài của bánh khô và dẻo, các loại thực phẩm chín đều mà vẫn giữ được màu sắc và hương vị”. 
 
Người dân ở thị trấn Lạc Dương gần như đã quen với cửa hàng của ông “Tây” này và họ đặt mua bánh như những sản phẩm thường ngày ở cửa hàng tạp hóa. Khách từ Đà Lạt cũng chọn nơi đây làm điểm đến bằng xe gắn máy. Còn cuối tuần hay ngày lễ thì đây là điểm “off” của nhiều du khách trong và ngoài nước, nhiều nhóm chơi mô tô, nhóm phượt. Anh Nguyễn Thanh Bình - một du khách ở Sài Gòn sau khi ghé nơi này tâm sự: “Quán rất thú vị, thức ăn ngon và có điều kiện tham quan quanh khu vực đó. Thức ăn ở đây rất vệ sinh, thực phẩm tươi sống”.
 
James đặt tên cho cửa hàng của mình là K’Be Wood Fired Pizza. Điều đặc biệt nằm ở chữ K’Be bởi “K” là dòng họ chính của người bản địa, còn “Be” chính là cách mà người nước ngoài gọi chung về những loại thịt có thể nướng ở Việt Nam, ngoại trừ gà và hải sản”. Có lẽ vì vậy mà nhiều du khách vẫn gọi tắt tên quán là K’Be - nghe thân thiết như một người bạn K’Ho. 
 
Hiện James đang mở rộng kinh doanh, xây thêm 2 căn nhà sàn và 1 nhà dài truyền thống làm nơi lưu trú cho khách, mở thêm dịch vụ cắm trại, homestay. Ngoài pizza, K’Be còn là nơi tạo nên những bữa tiệc BBQ rất hấp dẫn với thịt bò, thịt heo, thịt dê, thịt gà…, những bữa tiệc đậm hương Việt nhưng cũng ngập tràn phong cách Mỹ. “Theo kinh nghiệm của tôi, trong vòng 2 năm tới, du lịch ở núi Langbiang sẽ vô cùng phát triển”, James nói. Những người như James đang kéo dần “tấm rèm cửa” để Langbiang hòa nhập mà không hòa tan.
 
NGỌC NGÀ