Lâm Đồng - xứ sở xinh đẹp trên cao nguyên chứa đựng những nét văn hóa bản sắc hấp dẫn của bà con dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc K'Ho. Nét văn hóa ấy không chỉ thu hút sự quan tâm từ những "ống kính" trong nước mà còn níu chân cả những "tay máy" nước ngoài.
[links(right)]
Bài cuối: Người ghi lại văn hóa K’Ho qua ảnh trắng đen
Lâm Đồng - xứ sở xinh đẹp trên cao nguyên chứa đựng những nét văn hóa bản sắc hấp dẫn của bà con dân tộc thiểu số trong đó có dân tộc K’Ho. Nét văn hóa ấy không chỉ thu hút sự quan tâm từ những “ống kính” trong nước mà còn níu chân cả những “tay máy” nước ngoài.
Duyên nợ với văn hóa K’Ho
Người dân ở thành phố Đà Lạt, thị trấn Lạc Dương và cả ở xã Đa Nhim đều quen với hình ảnh một ông “Tây” tóc bạc, đội mũ, quàng khăn và luôn mang theo máy ảnh. Đó là Robert Morehead (67 tuổi) nhiếp ảnh gia người Úc hiện đang sống tại thị trấn Lạc Dương (huyện Lạc Dương).
Trò chuyện với Robert chúng tôi biết, gia đình ông hiện đang sống ở Sydney. Robert đã từng làm việc trong ngành điện ảnh và sở hữu studio chụp ảnh quảng cáo trong 30 năm tại Sydney. Ngoài xem chụp ảnh như một cái nghề thì với ông đó còn là sự đam mê, nhất là với đề tài chụp hình chân dung. Bởi với Robert “ Chụp hình chân dung chính là ghi lại đời sống tâm hồn của một con người, một xứ sở qua ảnh”.
|
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Robert |
Chuyện bắt đầu khi Robert tham gia dự án chụp ảnh cho tổ chức từ thiện The Indochina Starfish Foundation tại Phnom Penh, Campuchia vào tháng 3/2012 để ghi lại hình ảnh những con người nghèo khổ sống quanh bãi rác ở Phnom Penh.
Sau khi kết thúc công việc ở Campuchia, Robert cùng bạn bè qua Việt Nam bằng thuyền trên sông Mê Kông. Ngay từ lần đầu đặt chân tới Tây Nam Bộ ông đã có cảm tình với đất nước và con người ở đây. Điều đó đã thôi thúc ông đi khám phá hầu khắp Việt Nam. Nhưng Lâm Đồng mới chính là nơi níu giữ bước chân người đàn ông ngoại quốc để ông quyết định quay lại Việt Nam và sống ở đây hơn 2 năm qua.
Trong những lần lang thang khám phá cao nguyên này, Robert đã tình cờ gặp Già làng Krajan Plin ở thị trấn Lạc Dương. Nếu như già làng Plin rất đam mê và am hiểu sâu sắc văn hóa dân tộc K’Ho thì Robert lại đang ấp ủ ghi lại những câu chuyện văn hóa ấy qua ảnh. Và nếu như già làng Krajan Plin biết từng người già nắm giữ những câu chuyện của cha ông, biết từng sự tích gắn với những đồ vật trong đời sống của đồng bào và đang khao khát sưu tầm lại tất cả thì Robert lại muốn ghi và có khả năng lưu giữ những thứ đó một cách sống động thông qua hình ảnh và ngôn ngữ. Họ đã tìm thấy nhau trong hành trình lưu giữ văn hóa giữa xô bồ của cuộc sống. Họ cùng bắt đầu ở tình yêu văn hóa K’Ho. Và hành trình đi chụp “Người K’Ho” trên nền ảnh trắng đen bắt đầu từ đó.
Những câu chuyện K’Ho qua ảnh trắng đen
Krajan Plin đã tìm và lưu giữ văn hóa của dân tộc mình bằng ngôn ngữ viết và Robert đã thổi thêm vào đó sự sống bởi mỗi bức ảnh là một ngôn ngữ không lời nhưng lại diễn đạt rất mạnh mẽ và đầy cảm xúc về hạnh phúc, về tình yêu cuộc sống. Trong suốt hai năm rong ruổi trên khắp cao nguyên Lâm Đồng, đến với những cộng đồng người K’Ho, Robert đã chụp thành công 40 bức ảnh chân dung. “Tôi sẽ tiếp tục để hoàn thành dự án mang tên “Người K’Ho” và nếu thành công sẽ tổ chức triển lãm tại Đà Lạt và Sài Gòn vào cuối năm 2015. Triển lãm này sẽ là bộ sưu tập ảnh trắng và đen và kèm theo là các câu chuyện văn hóa do Krajan Plin sưu tầm và biên tập lại. Chúng tôi hy vọng rằng công chúng sẽ có thêm hiểu biết và thêm ấn tượng về dân tộc thiểu số độc đáo đang sống tại Lâm Đồng để nó mãi được bảo tồn”, Robert chia sẻ.
Vào tháng 10/2014 vừa qua, 7 bức ảnh từ dự án này đã được Robert gửi đi tham gia triển lãm tại Sydney trong sự kiện Hội nghị các vườn quốc gia thế giới.Trong đó, 6 bức đã được chọn để trưng bày tại triển lãm.
|
Một trong số những hình ảnh trong bộ sưu tập của Robert |
Hiện nay, tại nhà trọ của Robert ở thị trấn Lạc Dương có một nơi triển lãm nho nhỏ với một vài bức ảnh trong số 40 bức ảnh đã chụp. Mỗi bức ảnh rộng khoảng 50cm, đóng khung gỗ treo trên nền tường trắng tinh. Tất cả đều có điểm chung ở màu sắc và sự khắc họa cụ thể từng chi tiết nhân vật.
Lý giải với tôi về việc chọn chụp ảnh trắng đen Robert nói: “Ảnh trắng đen không màu mè rực rỡ nhưng mang lại cho người xem một cảm giác dung dị, bình yên khiến người ta tập trung vào nội dung ảnh mà không bị sa đà vào những mảng màu sắc. Ảnh đen trắng “giao tiếp” với người xem ở những dải tương phản đơn sắc và những điểm nhấn sẽ tạo nên cái “hồn” thực sự cho tác phẩm”.
Khi nói về công việc của Robert đang làm, nghệ sỹ nhiếp ảnh MPK cho rằng: “Ảnh của Robert đầy sự thiện tâm với người K’Ho. Robert là người chuyên chụp chân dung và ông nhìn thấy văn hóa của người K’Ho qua những nhân vật của mình. Đó là nụ cười của những đứa trẻ, nếp nhăn của những người già, Robert đã lột tả được tâm hồn nhân vật qua ảnh”.
Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện. Mỗi nhân vật xuất hiện trong ảnh của Robert đều có tên tuổi, quê quán rõ ràng và cả câu chuyện về đời sống thường ngày của họ như người đàn bà K’ De Cil (90 tuổi), dệt chiếu hoa; người đàn ông K’Bot (93 tuổi) chơi kèn K’Mbout… Bởi theo Robert, “con người là chủ thể làm nên văn hóa, mỗi người mỗi câu chuyện sẽ tạo nên một nền văn hóa”.
Đã có nhiều lời đề nghị Robert chụp ảnh chân dung hoặc mua lại những bức ảnh của ông nhưng Robert từ chối. Bởi với ông “Tôi chụp những bức hình này không phải để kinh doanh mà vì đam mê. Hơn nữa, văn hóa K’Ho hiện nay đang được lưu giữ trong trí nhớ của những người già, nếu họ không còn thì ai là người kể tiếp câu chuyện. Tôi muốn làm gì đó để gìn giữ cho riêng tôi và cả cho các bạn”.
NGỌC NGÀ