UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi Sở TN-MT và Sở NN-PTNT về việc đồng ý cho hai sở này phối hợp với Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam tham gia các hoạt động xây dựng hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, từ 2005 - 2014, Lâm Đồng đã triển khai tiểu dự án hành lang ĐDSH tỉnh Lâm Đồng dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có công văn gửi Sở TN-MT và Sở NN-PTNT về việc đồng ý cho hai sở này phối hợp với Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Việt Nam tham gia các hoạt động xây dựng hành lang đa dạng sinh học (ĐDSH) tỉnh Lâm Đồng. Trước đó, từ 2005 - 2014, Lâm Đồng đã triển khai tiểu dự án hành lang ĐDSH tỉnh Lâm Đồng dưới sự tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Theo đánh giá của các nhà khoa học chuyên ngành thì Lâm Đồng là tỉnh có nguồn ĐDSH cao. Tuy nhiên, sự ĐDSH này đang có nguy cơ bị xâm hại. Về phía mình, ngay từ năm 2008, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 3578/QĐ-UBND ngày 30/12 về việc phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn ĐDSH tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008 - 2020.
Theo quyết định nói trên, một trong những mục tiêu được Lâm Đồng đặt ra là tăng cường hợp tác với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây Nguyên xây dựng các hành lang bảo tồn ĐDSH để đảm bảo sự thống nhất cùng nhau phát triển, đặc biệt là trong triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn đa dạng hóa các hình thức hợp tác với các nước trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH để học tập, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật, tài chính; tăng cường hợp tác quốc tế về nghiên cứu trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, thu hút chuyên gia, thu hút vốn đầu tư vào các dự án bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn ĐDSH, bảo vệ môi trường... Như vậy, có thể nói, việc xây dựng hành lang ĐDSH tỉnh Lâm Đồng trong những năm tiếp theo là sự tiếp nối một giai đoạn triển khai tiểu dự án hành lang ĐDSH đã triển khai từ 2005 - 2014; là một trong những giải pháp để bảo tồn sự ĐDSH chung của tỉnh như Quyết định 3578/QĐ-UBND đã đặt ra cho cả giai đoạn 2008 - 2020.
Trước đây, bắt đầu từ tháng 11.2005, tiểu dự án hành lang ĐDSH Lâm Đồng với mô hình “Bảo tồn ngoại vi” đã được triển khai tại 3 xã của huyện Lạc Dương là Đạ Sar, Đạ Chair và Đạ Nhim thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà. Ban GĐ Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cho biết: Đây có thể xem là một dự án thí điểm nhằm đúc kết cho các hoạt động tiếp theo của chương trình hành lang ĐDSH mở rộng ở tiểu vùng sông Mê Kông. Trong những năm qua, các hoạt động sau đã được tiến hành: Hoạt động đầu tư nông lâm nghiệp, tổ chức các lớp tập huấn về chăn nuôi và trồng trọt, đầu tư chăn nuôi heo, bò và trồng cây cà phê cho các hộ nghèo; triển khai mô hình bảo tồn ngoại vi cây bản địa, chăm sóc rừng để lấy quả (rừng dẻ) và xử lý thực bì xâm hại rừng thông trồng tại Vườn; tập huấn bảo vệ rừng và ĐDSH, xây dựng hương ước thôn bản; xây dựng báo cáo tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của Vườn; điều tra ĐDSH...
Tiểu dự án hành lang ĐDSH Lâm Đồng vừa kết thúc (2005 - 2014). Với những kết quả đạt được, trên nền tảng đó, việc xây dựng hành lang ĐDSH Lâm Đồng giai đoạn mới trong những năm tiếp theo là việc làm hết sức cần thiết. Bởi, theo Quyết định 3578/QĐ-UBND của UBND tỉnh Lâm Đồng về ĐDSH thì định hướng đến năm 2020 được đặt ra là: “Xây dựng các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững ĐDSH về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của Lâm Đồng; các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và các đe dọa khác đến sự đa dạng sinh học được giảm thiểu; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi, bảo vệ môi trường sinh thái và cung cấp các dịch vụ môi trường của tỉnh; nâng cao nhận thức của mọi người dân, các tổ chức về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên, tham gia bảo tồn, sử dụng ĐDSH; hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn ĐDSH ở Lâm Đồng phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn ĐDSH và các chiến lược quốc gia”.
Thêm vào đó, việc xây dựng hành lang ĐDSH Lâm Đồng còn là nội dung nằm trong chương trình xây dựng hành lang ĐDSH của quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030: Đối với hành lang ĐDSH, hệ thống các khu bảo tồn hiện nay phần lớn có diện tích nhỏ với các hệ sinh thái bị phân mảnh, thiếu liên kết, cô lập dẫn tới việc khó có thể thực hiện được các mục tiêu bảo tồn (ví dụ như bảo vệ các loài thú lớn), đảm bảo chức năng của hệ sinh thái rừng. Trên phạm vi cả nước, Bộ TN-MT cũng đã đề xuất xây dựng 8 hệ thống hành lang thuộc 8 vùng địa lý với tổng diện tích khoảng 1.492.000ha, bao gồm 21 hành lang ĐDSH. Hệ thống hành lang này kết nối 38 khu bảo tồn trên cả nước, phân bố rải đều trên các hệ sinh thái quan trọng của Việt Nam, góp phần bảo tồn những giá trị ĐDSH đặc trưng của các vùng địa lý.
Khắc Dũng