Trong tỉnh, giáp với TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh; ngoài tỉnh thì giáp với huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai và hai huyện Tánh Linh và Đức Linh của tỉnh Bình Thuận. Với vị trí rừng cửa ngõ - rừng giáp ranh như vậy, Đạ Huoai trong nhiều năm qua được xem là vùng rừng đặc biệt quan trọng của tỉnh Lâm Đồng nhưng đây lại là địa bàn "nóng" về vấn đề vi phạm lâm luật.
Rừng Đạ Huoai được xem là rừng nơi “cửa ngõ” của tỉnh Lâm Đồng. Rồi nữa, rừng ở khu vực cửa ngõ phía nam Lâm Đồng này còn giáp với nhiều địa bàn khác trong và ngoài tỉnh: Trong tỉnh, giáp với TP Bảo Lộc và các huyện Bảo Lâm, Đạ Tẻh; ngoài tỉnh thì giáp với huyện Tân Phú của tỉnh Đồng Nai và hai huyện Tánh Linh và Đức Linh của tỉnh Bình Thuận. Với vị trí rừng cửa ngõ - rừng giáp ranh như vậy, Đạ Huoai trong nhiều năm qua được xem là vùng rừng đặc biệt quan trọng của tỉnh Lâm Đồng nhưng đây lại là địa bàn “nóng” về vấn đề vi phạm lâm luật.
|
Rừng góp phần giữ gìn cảnh quan, môi trường |
Tầm quan trọngcủa rừng “cửa ngõ”
Một cán bộ có trách nhiệm của huyện Đạ Huoai cho biết: Xác định được tầm quan trọng của rừng nơi cửa ngõ, UBND huyện Đạ Huoai hạ quyết tâm từ nay đến năm 2020 là “Tuyên truyền cho người dân nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng; quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; phát triển, khai thác và sử dụng có hiệu quả, bền vững rừng và đất lâm nghiệp; thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng; tăng cường công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp để từng bước xã hội hóa công tác lâm nghiệp”. Chúng tôi còn được biết thêm, cùng đó, Đạ Huoai cũng sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế cộng đồng, kinh tế hộ gia đình trồng rừng, góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là người dân sống phụ thuộc vào rừng. Và, bên cạnh đó là việc nâng cao chức năng phòng hộ của rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học và cung cấp các dịch vụ môi trường rừng; phát triển lâm nghiệp gắn với giữ vững an ninh, quốc phòng, đảm bảo trật tự an toàn xã hội.
Con số chung nhất mà chúng tôi thu thập được là trong tổng diện tích tự nhiên 489,6km2, diện tích rừng và đất lâm nghiệp Đạ Huoai chiếm một phần rất đáng kể: 14.571ha do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đạ Huoai quản lý và 19.504ha do Ban quản lý rừng Nam Huoai quản lý. Trong diện tích này, diện tích rừng phòng hộ chiếm 18.178ha (còn lại là rừng sản xuất, đất rừng cây bụi, đất lâm nghiệp chưa có rừng...). Tuy nhiên, sau khi thu thập những con số về diện tích rừng Đạ Huoai, chúng tôi bỗng lúng túng trong xử lý số liệu bởi “không số nào giống số nào”. Có tài liệu thể hiện Đạ Huoai có gần 36.000ha rừng; trong đó có gần 34.400ha rừng tự nhiên, còn rừng trồng là 1.154ha và 365ha sông suối. Nhưng, một tài liệu khác cho thấy, tổng diện tích rừng Đạ Huoai hiện chỉ có 30.000ha trong tổng số 489,6km2 đất tự nhiên. Tuy nhiên, đây có thể là cách báo cáo chung của nhiều địa phương khác trong tỉnh Lâm Đồng. Nói ra điều này, chúng tôi muốn “phân trần” rằng chúng tôi không quá đặt nặng những con số!
Bảo vệ rừng nơi cửa ngõ
Rõ ràng, rừng nơi cửa ngõ Đạ Huoai có vị trí đặc biệt đối với “lá phổi xanh” của Nam Tây Nguyên Lâm Đồng và trong khu vực. Vì thế, một chiến lược phát triển rừng, bảo vệ rừng, khai thác sử dụng sản phẩm của rừng của Đạ Huoai đã được chính quyền và ngành lâm nghiệp đặt ra và sẽ thực hiện một cách bài bản từ nay đến ít nhất là năm 2020.
Theo chiến lược phát triển rừng thì đến năm 2020, Đạ Huoai sẽ nâng độ che phủ của rừng lên 63,58%. Đây là con số cao hơn nhiều so với con số bình quân chung của cả tỉnh Lâm Đồng (trên 61%). Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai Nguyễn Quý Mỵ cho biết, để đạt được mục tiêu “63,58%”, Đạ Huoai đặt ra 4 nhiệm vụ cụ thể về bảo vệ, phòng cháy chữa cháy và bảo tồn thiên nhiên; phát triển rừng; khai thác gỗ và lâm sản; và các hoạt động khác như chế biến lâm sản, trồng cây phân tán, giao khoán rừng... Cũng theo ông Nguyễn Quý Mỵ, nhiệm vụ cụ thể về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng và bảo tồn thiên nhiên ở vùng rừng giáp ranh và cửa ngõ này đó là: Tăng cường các biện pháp nhằm quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng và nuôi dưỡng rừng, đảm bảo đến năm 2020 đạt 31.494ha; đồng thời lập hồ sơ đề nghị giao khoán hưởng chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng toàn bộ diện tích rừng nêu trên (kể cả diện tích rừng trồng). Cùng đó, vào mùa khô hằng năm, các đơn vị chủ rừng cùng các địa phương (xã) và UBND huyện đều phải xây dựng phương án phòng chống cháy rừng kịp thời (đảm bảo 100% diện tích rừng đều có phương án phòng chống cháy rừng), tổ chức lực lượng phòng chống cháy rừng hoạt động một cách có hiệu quả; đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống cháy rừng đúng mức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài nguyên do cháy rừng gây ra. Cùng đó, bình quân mỗi năm từ nay đến 2020, Đạ Huoai cũng sẽ khoanh nuôi và tái sinh rừng 20ha; trồng rừng trong 5 năm khoảng gần 2.000ha (trong đó có 338ha rừng phòng hộ và hơn 1.600ha rừng sản xuất); chăm sóc nuôi dưỡng 3.253ha...
Dự kiến sẽ có gần 183,3 tỷ đồng cho chương trình bảo vệ và phát triển rừng ở huyện Đạ Huoai từ nay đến năm 2020; trong đó, vốn ngân sách nhà nước chiếm gần 61 tỷ đồng, vốn của các doanh nghiệp hơn 45 tỷ đồng, vốn đầu tư của các hộ gia đình 1 tỷ đồng và còn lại (hơn 76 tỷ đồng) là nguồn vốn huy động. Thoạt trông, con số 183 tỷ đồng là không nhỏ nhưng nếu đặt nó trong phép so sánh với rừng cửa ngõ và giáp ranh thì đây lại là con số không quá lớn trong việc đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng trong 5 năm từ nay đến năm 2020 ở Đạ Huoai.
KHẮC DŨNG