Đặc biệt, mới đây, việc tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hung dữ đã được quy định bằng các văn bản từ cấp trung ương đến cấp tỉnh nên vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn đối với lực lượng kiểm lâm, trong đó có đội ngũ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh chúng tôi" - ông Nguyễn Ngọc Toán, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh cho biết.
Trước đây, Đạ Tẻh là một trong những địa bàn thường hay nảy sinh những phức tạp về tình hình mua bán, vận chuyển, sử dụng, gây nuôi động vật rừng hoang dã. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, nhờ tăng cường các giải pháp trong quản lý, kiểm soát nên tình hình này ở Đạ Tẻh đã có phần lắng dịu. “Chúng tôi luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động chuyên môn của toàn thể anh em kiểm lâm trong Hạt. Đặc biệt, mới đây, việc tăng cường công tác quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã hung dữ đã được quy định bằng các văn bản từ cấp trung ương đến cấp tỉnh nên vấn đề càng trở nên cấp thiết hơn đối với lực lượng kiểm lâm, trong đó có đội ngũ kiểm lâm của Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh chúng tôi” - ông Nguyễn Ngọc Toán, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh cho biết.
|
Con tê giác một sừng duy nhất của Việt Nam ở rừng Cát Tiên đã bị sát hại; nay chỉ còn là “hình mẫu” ở Vườn quốc gia Cát Tiên, trong đó có một phần của đất lâm nghiệp huyện Đạ Tẻh |
Về địa lý, hơn 38.000ha rừng của huyện Đạ Tẻh bị “bao vây” bởi những khu rừng có vị trí hết sức quan trọng của tỉnh Lâm Đồng: Phía bắc giáp với vùng rừng cấm Cát Tiên, phía nam giáp rừng cửa ngõ Đạ Huoai, phía đông giáp rừng đầu nguồn Bảo Lâm, phía tây giáp với Tân Phú - một trong những khu rừng cũng thuộc rừng cấm Cát Tiên. Có thể hình dung, rừng Đạ Tẻh gần như nằm trong một bình nguyên của dãy cuối nam Trường Sơn trải về phía đông nam giáp với khu vực Đông Nam Bộ. Với đặc điểm này, trong thực tế, rừng Đạ Tẻh khá giàu có về động vật hoang dã, trong đó có nhiều loài quý hiếm.
Với sự giàu có về động vật rừng (và cả về thực vật) như vậy nên rừng Đạ Tẻh thường xuyên được giới săn thú rừng nhòm ngó. Một cán bộ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Tẻh, cho biết: “Giờ thì đỡ nhiều rồi, chứ còn trước đây, các cơ sở quán ăn bán thịt thú rừng, các cơ sở thu mua động vật rừng hoang dã (cả thịt lẫn thú còn sống) ở Đạ Tẻh là không hiếm. Cùng đó, không ít đầu nậu từ nơi khác đến (nhất là từ Phương Lâm, Đồng Nai) để tổ chức thu mua thú rừng khiến cho tình hình ở Đạ Tẻh vốn đã phức tạp càng thêm phức tạp. Trước thực trạng này, lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo huyện Đạ Tẻh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của huyện như kiểm lâm, công an, lâm nghiệp... vào cuộc triệt phá một cách quyết liệt nhằm lập lại trật tự trên lĩnh vực mua bán, vận chuyển và sử dụng thịt thú rừng. Hàng loạt các tụ điểm thu mua thú rừng trên địa bàn thị trấn Đạ Tẻh và một số xã đã bị xóa sổ; các quán ăn, nhà hàng đã không còn tình trạng mua bán thịt thú rừng một cách phổ biến công khai như trước; các nhóm thợ săn thú rừng cũng đã giải tán...”. Kết quả này được minh chứng khá thuyết phục thông qua báo cáo về tình hình vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện của cơ quan chức năng: Trung bình mỗi tháng trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 14 vụ vi phạm lâm luật được phát hiện. Từ đầu năm 2014 đến nay (tháng 3/2015), không những số vụ vi phạm lâm luật có giảm (gần 19% so với 2013) mà trong khoảng 200 vụ vi phạm (kể cả 2 tháng đầu năm 2015) chỉ có 3 vụ liên quan đến động vật rừng hoang dã (chủ yếu là các nhà hàng mua bán cho khách hàng) - giảm nhiều so với năm 2013.
Ông Nguyễn Bá Khai, Phó GĐ Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Tẻh, cho biết: “Các đơn vị và cơ quan chức năng của huyện như Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đạ Tẻh, Hạt Kiểm lâm, Cơ quan Quân sự huyện, Công an huyện... thường xuyên thành lập những tổ tuần tra cơ động tùy vào thời điểm, tùy vào “sức nóng” của tình hình để thường xuyên, liên tục tuần tra, kịp thời phát hiện những vụ vi phạm lâm luật nói chung và những vụ săn bắn, mua bán, vận chuyển, sử dụng động vật rừng nói riêng; các tổ tuần tra liên ngành này hoạt động không có giới hạn về khu vực rừng trên địa bàn huyện và cũng không có ấn định về thời gian đi tuần để hạn chế đến mức thấp nhất sự đối phó của lâm tặc”.
Về việc theo dõi hoạt động của các cơ sở gây nuôi và nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn huyện, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh Nguyễn Ngọc Toán cho biết: “Tính đến đầu năm 2014, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có tổng số 54 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã được cấp phép. Sau hơn một năm triển khai các biện pháp tăng cường quản lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã, Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã đối với 14 cơ sở không hội đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Như vậy, tính đến cuối tháng 3/2015, trên địa bàn huyện Đạ Tẻh hiện có 40 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã còn hoạt động dưới dạng hộ gia đình với 710 cá thể động vật hoang dã; gồm 1 con gấu ngựa, 49 con heo rừng lai, 270 con nhím, 14 con kỳ đà vân, 20 con chim trĩ đỏ, 252 con dúi và 104 con cá sấu nước ngọt”. Cũng theo ông Toán, ngoài việc phát hiện 3 nhà hàng kinh doanh động vật rừng hoang dã, trong vòng hơn một năm qua, cơ quan chức năng của huyện cũng đã tiến hành ký kết 12 bản cam kết với các nhà hàng, quán ăn và cá nhân với nội dung cam kết không kinh doanh động vật hoang dã trái phép. Bên cạnh đó, thực hiện dự án của một số tổ chức hoạt động trên lĩnh vực bảo vệ động vật rừng hoang dã thế giới, Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh cũng đã tổ chức kiểm tra, thu thập dữ liệu và lập hồ sơ quản lý dữ liệu của 40 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn huyện; đồng thời cung cấp tư liệu này cho Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng để Chi cục tổng hợp và chuyển đến cơ quan CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp) của Việt Nam phục vụ cho chương trình thí điểm xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý cơ sở gây nuôi động vật hoang dã trong phạm vi tỉnh Lâm Đồng.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đạ Tẻh Nguyễn Ngọc Toán cho biết thêm: “Trong thời gian sắp tới, Hạt chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã, thị trấn tiến hành nhiều biện pháp trong tuyên truyền, giải thích cho người dân trên địa bàn hiểu rõ hơn để thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về gây nuôi và sử dụng động vật rừng hoang dã; đồng thời, tiếp tục tăng cường giám sát các hoạt động của các cơ sở gây nuôi và kiên quyết xử lý các sai phạm xảy ra, nếu có”.
THI HOÀNG