Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gởi đến bạn đọc một góc nhìn về công tác cán bộ nữ và vai trò tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về công tác này qua phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, xin gởi đến bạn đọc một góc nhìn về công tác cán bộ nữ và vai trò tham mưu của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh về công tác này qua phỏng vấn bà Nguyễn Thị Lệ - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh.
|
Bà Nguyễn Thị Lệ - TUV, Chủ tịch Hội LHPN Lâm Đồng |
PV: Sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình 39-Ctr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”, bà đánh giá thế nào về kết quả đạt được?
Bà Nguyễn Thị Lệ: Thời gian qua, Đảng đoàn Hội LHPN tỉnh đã có chương trình làm việc với Ban Thường vụ các huyện, thành ủy về công tác cán bộ nữ của địa phương, bao gồm: công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ; kết quả thực hiện Nghị quyết 11 và Kết luận 55 của Ban Bí thư “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước”. Kết quả làm việc cho thấy công tác cán bộ nữ đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm chăm lo, xây dựng và phát triển; trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng lên; số cán bộ nữ tham gia lãnh đạo cấp ủy, chính quyền ngày càng tăng. Thể hiện sự bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định, đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ từng bước được cải thiện, phụ nữ ngày càng tham gia các hoạt động xã hội nhiều hơn. Hội LHPN các cấp trong tỉnh thể hiện được vai trò là người đại diện và chăm lo lợi ích chính đáng, hợp pháp cho phụ nữ, tạo được niềm tin, tập hợp đoàn kết các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh. Hằng năm có 100% cán bộ Hội, trên 90% hội viên và 60%-70% phụ nữ được học tập các nghị quyết, nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ rèn luyện, học tập để phát triển toàn diện, có cơ hội phát triển và cống hiến.
PV: Thực trạng cán bộ nữ hiện nay và công tác quy hoạch cho nhiệm kỳ tới có chuyển biến tích cực?
Bà Nguyễn Thị Lệ: Trong những năm gần đây, tỉ lệ, cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ nữ dân tộc thiểu số làm việc trong các cơ quan Đảng, ban, ngành, đoàn thể đã được cụ thể tại các quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ. Đây là cơ sở pháp lý để đội ngũ cán bộ nữ phát triển nhanh, cán bộ nữ dân tộc thiểu số được bố trí sử dụng phù hợp với trình độ, yêu cầu công tác đặt ra. Tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy tại các xã, phường, thị trấn là 321/1.856 (đạt 17,29%), trong đó có 41 UVBTV, 8 Bí thư, 15 Phó Bí thư, 4 Chủ tịch UBND, 28 Phó Chủ tịch UBND, 7 Chủ tịch HĐND, 28 Phó Chủ tịch HĐND. Đối với cấp huyện, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy là 64/496 (đạt 12,9%), trong đó có 11 nữ là UVBTV, 3 Phó Chủ tịch UBND, 3 Phó Chủ tịch HĐND. Đối với cấp tỉnh, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy là 5/55 (đạt 9%), trong đó có 1 nữ là UVBTV, 1 Phó Chủ tịch HĐND. Nhìn lại thời quan qua, tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý đều chưa đạt theo tinh thần Nghị quyết 11.
Tỉ lệ nữ tham gia HĐND và Quốc hội nhiệm kỳ 2010-2015 tăng so với trước: Đại biểu QH 3/7 (đạt 42,85%); HĐND cấp tỉnh 23/73 (đạt 31,5%); HĐND cấp huyện 99/425 (đạt 21,88%), trong đó, cao nhất là Đơn Dương 35%, thấp nhất là Bảo Lộc 11,4%; HĐND cấp xã 865/4.097 (đạt 21,1%), trong đó, cao nhất là Đam Rông 27,75% và thấp nhất là Di Linh 15,74%.
Theo quy hoạch cán bộ giai đoạn 2015-2020 của Ban Thường vụ Huyện ủy, Thành ủy đã phê duyệt quy hoạch của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh có quan tâm đến tỉ lệ nữ đạt và cao hơn theo hướng dẫn, trong đó cao nhất là Đà Lạt 36,65% và thấp nhất là Bảo Lâm 18%. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phê duyệt quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015-2020 của các huyện, thành ủy; nhìn chung, các huyện, thành phố đều đạt từ 15% trở lên tỉ lệ cán bộ nữ được đưa vào quy hoạch, trong đó, cao nhất là Đức Trọng 34,97% và thấp nhất là Lạc Dương 15,49%. Theo kết quả phê duyệt quy hoạch của cấp ủy các cấp, nhiệm kỳ tới, tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp có tăng hơn nhưng vẫn chưa đạt theo tinh thần Nghị quyết 11.
PV: Thưa bà, việc cán bộ nữ được tạo điều kiện tham gia bộ máy lãnh đạo, quản lý nhưng số lượng vẫn chưa đạt tỉ lệ quy định là do đâu và giải pháp khắc phục?
Bà Nguyễn Thị Lệ: Xét quá trình qua nhiều năm, công tác cán bộ nữ đã được quan tâm thực sự, số lượng cán bộ nữ năm sau cao hơn năm trước, có quan tâm quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ. Về phía cán bộ nữ, có sự nỗ lực vươn lên, khẳng định được vai trò, vị trí cán bộ nữ đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại tình trạng có quy hoạch nhưng đào tạo đưa vào quy hoạch chưa hiệu quả, tỉ lệ đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ về trình độ chính trị còn thấp, số lượng chưa theo mong muốn, chính sách hỗ trợ chưa đảm bảo, cán bộ nữ thiếu chủ động trong tham mưu đề xuất và tự ti an phận của phụ nữ đây đó vẫn còn.
Giải pháp trong thời gian tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị và Hội LHPN các cấp tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, tham mưu công tác cán bộ nữ. Cấp ủy Đảng có biện pháp quyết liệt để đảm bảo tỉ lệ nữ cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và nữ đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 theo đúng quy định của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 39 của Tỉnh ủy. Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ ĐBQH và HĐND các cấp từ 35%-40%, các cơ quan có tỉ lệ nữ từ 30% trở lên nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
PV: Xin cám ơn bà!
DIỆU HIỀN (Thực hiện)