Gieo vần thơ nuôi trầm

09:03, 05/03/2015

Giữa đồi núi hoang vu cất lên những câu thơ gieo vần mộc mạc, tựa như liều thuốc bổ trợ tinh thần người lao động vơi đi những nhọc nhằn, dốc tâm dốc sức chăm chút từng mầm cây dó bầu từng ngày lớn lên, tạo ra những đường vân trầm quý giá cho ngày mai.    

Giữa đồi núi hoang vu cất lên những câu thơ gieo vần mộc mạc, tựa như liều thuốc bổ trợ tinh thần người lao động vơi đi những nhọc nhằn, dốc tâm dốc sức chăm chút từng mầm cây dó bầu từng ngày lớn lên, tạo ra những đường vân trầm quý giá cho ngày mai.    
 
“Con đường ta đi đã chọn rồi. Phong ba bão táp chẳng hề lui!”
 
Anh Hoàng Duy Thành bên một trong những cây dó bầu đang tạo trầm
Anh Hoàng Duy Thành bên một trong những cây dó bầu đang tạo trầm
Cùng tôi ngồi đón gió đông giữa triền đồi hoang vu năm nào, người đàn ông “quản rừng” đã qua ngưỡng ngũ tuần, trầm ngâm nhớ về bao năm quăng quật với đèn dầu, nước mưa, lều bạt… để dành trọn tấm lòng “thương cây dó bầu khô lá. Lòng anh quặn thắt xót xa”. Rồi quay mặt về hướng Tây, anh đưa đôi bàn tay ký họa một vòng con đường ngoằn ngoèo trên đỉnh đồi kia là rặng Đèo Chuối, địa phận xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng. Từ lưng chừng đèo trải rộng sang các hướng Đông, Nam, Bắc với 3 quả đồi bao bọc khoảng gần một trăm hai mươi héc ta rừng dó bầu của anh và cộng sự cặm cụi phủ xanh một ngàn mấy trăm ngày không ngơi nghỉ. Hơn trăm cây trong số đó đã bắt đầu kết tinh những nan trầm quý hiếm. Như muốn chứng minh “trực quan sinh động” hơn, anh bước thêm mấy bước chân đến cây dó bầu gần nhất, cầm chiếc liềm cắt ra một khoanh nhỏ trên nhánh rồi bật quẹt lửa đốt. Từng làn khói trắng cuồn cuộn bay lên, phả vào mặt hương thơm nghi ngút, cái lạnh cuối đông như tan loãng ra xa. “Quãng thời gian “Anh thương cây dó bầu. Nhưng lại ghét con sâu. Bao tháng ngày chiến đấu. Anh mệt mỏi nhức đầu…” như mới vừa thoáng qua đây…” - anh tâm sự bằng thơ.
 
Thơ không chỉ ngân lên lời tự khuyên cho riêng anh mà cho cả hàng chục người lao động cùng lĩnh hội giữa rừng cây bụi tạp rậm rì bốn năm trước. Khi đó chỉ sau một “… Đêm nay trời nhiều sao quá. Sáng ra nắng cháy thịt da”, anh thảng thốt nhìn hàng chục rồi đến số trăm ngàn cây dó bầu ba, bốn tháng tuổi bỗng trụi lá trên cành khô, chết đứng không kịp cứu chữa. Lúc định thần lại mới hiểu nguyên nhân do xuống cây giống vào thời điểm mùa khô kéo dài, không có hệ thống tưới nước, việc làm cỏ và làm đất không đảm bảo “vô trùng”, dẫn đến sâu bệnh bùng phát ăn hết lá, gây hại những đường “động mạch, tĩnh mạch” truyền dẫn dinh dưỡng nuôi cây. Chưa kể cộng thêm nhiều cách chăm sóc dó bầu cây con không đúng và không đầy đủ các quy trình kỹ thuật hiện thời. Nhớ lại các câu châm ngôn rằng “thất bại là thầy của ta. Đó chỉ là sự trì hoãn, không phải là ngõ cụt…” nên anh đã nhanh chóng cùng cộng sự và công nhân động viên nhau bám trụ với dó bầu. Hai trong nhiều câu thơ của anh giúp nhau lấy lại tinh thần lao động trong lúc ngặt nghèo này là: “Con đường ta đi đã chọn rồi. Phong ba bão táp chẳng hề lui!”. 
 
“Vững chí bền ta luôn bước tới. Đường ta đi thẳng tiến chân trời…”
 
Phải qua hơn 365 ngày triền miên chung lưng đấu cật với hai chục con người trồng rừng dó bầu trong cảnh ăn uống, sinh hoạt với nước trời, ngủ đêm gió lạnh lùa thông thốc, tiếng con sóc chạy soạt qua lán trại cũng gây rờn rợn sống lưng. Có đêm không vượt qua được nỗi niềm quạnh quẽ, lấy cớ đi mua mấy thứ nhu yếu phẩm bức thiết cho mình, anh tha thiết rủ nhiều người đồng cảnh nữa xuống núi vào một khu “đô thị xã” cách xa đến 3 cây số để được hòa mình với ánh đèn điện. Tính từ ngày dẫn được nguồn nước ở khe suối dốc cao xuống thung lũng dùng tưới tiêu cho sản xuất và phục vụ cho sinh hoạt, đến nay đã hơn 3 năm, anh vẫn còn tươi nguyên cảm tác: “Nơi anh ở không bao giờ mất điện. Nước vô tư xối xả chảy đêm ngày…”. Theo chân anh, tôi vượt bộ ba quãng đường rừng hình vòng cua tay áo để chiêm ngưỡng công trình bể chứa nước đầu tiên mang tính đột phá cho cây dó bầu. Tại đây, anh hướng mắt về phía thượng nguồn kể: “Bỏ ra 5 ngày công lội dốc cao, vực sâu mới tìm thấy khe suối nhỏ nước chảy róc rách. Và mất 10 ngày lắp đặt xong đường ống dài hơn 2 cây số dẫn nước tự chảy về bể chứa trung tâm của rừng dó bầu. Rồi tốn thêm 7 ngày nữa mới đấu nối thành công 2 máy phát điện nhỏ, công suất mỗi máy 2kw/giờ. Đến cuối năm 2014, hệ thống cấp nước gồm 11 chiếc bể chính thức khánh thành sử dụng, đạt trữ lượng mỗi chiếc bể chứa khoảng 40 mét khối nước…”.
 
Có dòng “nước vàng” về, anh phấn chấn tổ chức trồng tái canh dó bầu trên diện tích cả trăm héc ta (trồng cả trăm ngàn cây) đã bị chết khô hàng loạt trong 3 năm trước đó. Giờ đứng bên những hàng cây dó bầu mới tăm tắp ngát xanh, mát rượi tỏa bóng, anh tâm đắc câu thành ngữ đúc kết kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của người Việt: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống!”. 
 
Tôi ghi tên đầy đủ của anh là “Hoàng Duy Thành, quê quán Thăng Bình, Quảng Nam, nguyên là công nhân quốc phòng chuyên môn về lĩnh vực lâm nghiệp…”. Rồi hỏi cơ duyên nào lại vào rừng Liêng Sronh, Đam Rông đánh cược với dó bầu, anh cười chân tình: “Giàu nhờ bạn mà…”. Đó là một ngày, một người bạn học thời trung cấp lâm nghiệp khoác tay anh bảo lên Lâm Đồng tìm đất lành định canh cây dó bầu. Số phận từ ấy đến nay dó bầu đã giữ “anh trở thành người tỷ phú không tiền…” vì đã huy động mọi nguồn vốn đầu tư đến 20 tỷ đồng, chờ đến “5 năm nữa, anh đếm tiền không hết…”. Anh giải thích 2 câu thơ vui này bằng những phép tính lạc quan: Đến năm 2020, toàn bộ hơn 100.000 cây dó bầu đồng trà đồng vụ thu trầm, năng suất trung bình 0,5kg/cây. Nhân với 10 triệu đồng/kg, quả là đạt tổng doanh thu “… anh đếm tiền không hết…”. 
 
4 năm phá cây bụi, nuôi cây trầm nơi đồi núi xa thẳm, anh Thành đã ứng khẩu gieo vần hàng trăm câu thơ hóa giải những khốn khó cho mình và cho những cộng sự cùng sát cánh. Thơ không ghi chép lên giấy vở hay trong thư mục máy vi tính mà chỉ lưu lại trong trí nhớ của mọi người nơi chốn thâm u này. Con đường phía trước với mục tiêu: “Vững chí bền ta luôn bước tới. Đường ta đi thẳng tiến chân trời”, anh Thành đang phác thảo mô hình liên kết khoanh nuôi, chăm sóc rừng dó bầu đến mỗi hộ gia đình khoảng 5ha (tổng số 20 hộ), trong đó chiếm phần lớn là hộ gia đình người đồng bào thiểu số nghèo cư trú ở xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông của Lâm Đồng. Nếu mọi điều kiện đều gặp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì cứ sau mỗi chu kỳ sản xuất và thu hoạch trầm từ 7 - 10 năm, thu nhập được phân chia tiền tỷ đến từng hộ gia đình nghèo của vùng đất nghèo Đam Rông là điều không còn xa vời. Chắc hẳn lúc đó, mọi người sẽ đón nhận những vần thơ mới của anh Thành có cả âm thanh chộn rộn, mừng vui như hội, như tết…
 
Phóng sự: VĂN VIỆT