Trời Tây Nguyên đổ lửa, nhiệt độ lên 29-30 độ C, nắng hanh khô. Rừng đối diện dự báo cháy cấp độ V, cực kỳ nguy hiểm. Lãnh đạo và nhân viên ngành kiểm lâm tỏa ra các cánh rừng. Tôi cùng Chi cục phó Kiểm lâm Lâm Đồng Võ Danh Tuyên và cán bộ Nguyễn Xuân Đích lên đường. Đâu cũng sẵn sàng đối đầu với giặc hỏa…
Trời Tây Nguyên đổ lửa, nhiệt độ lên 29-30 độ C, nắng hanh khô. Rừng đối diện dự báo cháy cấp độ V, cực kỳ nguy hiểm. Lãnh đạo và nhân viên ngành kiểm lâm tỏa ra các cánh rừng. Tôi cùng Chi cục phó Kiểm lâm Lâm Đồng Võ Danh Tuyên và cán bộ Nguyễn Xuân Đích lên đường. Đâu cũng sẵn sàng đối đầu với giặc hỏa…
Tháng 1 năm 2015, UBND tỉnh đã có Chỉ thị tăng cường thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô trên địa bàn Lâm Đồng. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các chủ tịch UBND huyện, thành phố “phải xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền các cấp trong suốt mùa khô”. Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng (BCĐ KHBV-PTR) tỉnh cho biết, rừng Lâm Đồng là 1 trong 7 địa phương đang rất dễ cháy.
|
Hội ý nhóm trước khi đi tuần tra bảo vệ rừng ở xã Phú Hội |
Năm ngoái, toàn tỉnh xảy ra 40 vụ cháy với tổng diện tích cháy 131,56ha, tập trung vào tháng 2 và 3. So cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy giảm 52 vụ với 66,81ha. Nhưng vẫn là những con số ám ảnh: 29 vụ cháy thảm cỏ, cây bụi dưới tán rừng: 107,4ha; 11 vụ cháy rừng: 24,16ha (trong đó, cháy rừng trồng 7 vụ: 14,86ha; cháy rừng tự nhiên 4 vụ: 9,3ha). Mùa khô năm 2015, Lâm Đồng lần đầu tiên thí điểm chuyển hợp đồng Tổ đội PCCCR từ chủ rừng nhà nước sang BCĐ KHBV-PTR cấp huyện tại Đà Lạt, Đức Trọng và Lạc Dương. Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Minh, phương thức hợp đồng cũ “chủ rừng chưa khai thác, quản lý và sử dụng có hiệu quả lực lượng Tổ đội ở 3 tháng cao điểm trong mùa khô”. Mùa khô 2013-2014, ngân sách tỉnh đầu tư cho hạng mục hợp đồng này trong 3 tháng là 4,342 tỷ đồng, chiếm 30,5% kinh phí PCCCR toàn tỉnh.
***
Dừng xe bên đường cao tốc, anh Nguyễn Xuân Đích chỉ lên mỏm cao: “Đấy, chỗ cắm lá cờ Tổ quốc là chốt đấy anh ạ”. Chốt trực cháy chẳng khác điểm trực chiến của dân quân miền Bắc canh chừng máy bay ném bom những năm 70 thế kỷ trước. Rất đông anh em trong xã Hiệp An, huyện Đức Trọng có mặt. Họ là các hộ nhận khoán bảo vệ rừng, các cá nhân hợp đồng theo Tổ đội. Kiểm lâm phụ trách địa bàn Nguyễn Văn Hạnh lưu ý với tôi đây là khu vực “nóng” của huyện. Tôi trò chuyện với anh Ha Duy, Tổ trưởng Tổ đội PCCCR, người thâm niên lội rừng hơn chục năm có khuôn mặt rắn rỏi và từng trải. Tay không rời chiếc xà gạc, Duy nói: “Hàng ngày, tụi em trực và đi tuần từ 6 giờ 30 đến 4 giờ chiều. Ở đây có thông đỏ nên công việc chủ yếu quản lý loại cây này kỹ lắm”. Anh còn kể, năm ngoái 4 người đi tuần mạn rừng giáp thác Prenn phát hiện nhóm đối tượng phá rừng và bắt được 1 đối tượng, thu giữ 2 máy cưa. Nhưng sau đó, khoảng hơn 20 đối tượng kéo tới giải vây, thu súng công vụ của các anh. Sự việc được cấp báo công an và kiểm lâm, các đối tượng vi phạm lâm luật đã bị bắt và bị xét xử...
Theo chân nhóm đại diện 25 hộ nhận khoán, tôi ngược núi đi tuần. Họ tuần tra tiểu khu 268 và 277a, rộng hơn 545ha, do Ha Thiên ở thôn Đa Ra Hoa chỉ huy. Luồn lách qua những vạt cây thấp được quãng đường dài mấy quăng dao thì thấm mệt. Ha Thiên nói: “Mùa này không vất vả lắm đâu, mùa mưa tuần tra vất vả hơn nhiều. Nếu có tin báo người phá rừng làm rẫy là phải đi thật nhanh mới ngăn chặn kịp”. Sau mỗi lần tuần tra, nhóm báo cáo cụ thể với kiểm lâm tình hình về rừng yên hay không yên…
***
Tôi lại băng qua khu dân cư thôn K’Nai, xã Phú Hội để vào sâu trong cánh rừng thông đang tỉa thưa. Cùng đi có anh Đồng Văn Tuyên là Hạt phó Kiểm lâm Đức Trọng và anh Nguyễn Văn Nhẫn - Trưởng Ban quản lý rừng (BQLR) phòng hộ Đại Ninh. Ô tô chao đảo, xuyên qua bụi đỏ mù trời. Tuyên ghì chặt vô lăng điều khiển xe... trườn lên dốc 3 tầng cao hút. Dốc này mùa mưa ô tô không thể lên được. Chúng tôi gặp 4 người đứng bên ngã 3: kiểm lâm địa bàn xã Phú Hội Võ Duy Lượng và 3 người dân hợp đồng bảo vệ rừng. Các anh vừa lập biên bản ông Ja Thọ vi phạm lâm luật. Người dân này mới phạt cây lồ ô 1 khung (100m2) để làm rẫy thì bị phát hiện và đình chỉ. Những ngọn lửa “ăn” rừng thường bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết luật pháp như thế. Trưởng BQLR Nguyễn Văn Nhẫn và 20 người quản lý hơn 13.000ha rừng thuộc địa bàn 8 xã và 1 thị trấn. Hạt phó Đồng Văn Tuyên nói: Đức Trọng có 3 chủ rừng (BQL), hơn 90% thông, đan xen nương rẫy nhiều nên nguy cơ cháy rất cao. Mất rừng chủ yếu do cháy rừng cho nên BCĐ huyện xây dựng phương án PCCCR thành 2 đợt; cấp xã thị trấn cũng xây dựng phương án để có sự cố cháy triển khai huy động lực lượng nhanh và kịp thời. Nhờ thế, năm 2014, diện tích rừng của ban anh Nhẫn quản lý giảm 33% số vụ vi phạm lâm luật. Xảy ra 10 vụ nhưng đều lấn chiếm đất lâm nghiệp, không xảy ra vụ cháy nào. Hỏi hiệu quả việc thí điểm hợp đồng với Tổ đội, anh Nguyễn Văn Nhẫn nhận xét: “Rất hay anh ạ. Hợp đồng với Hạt (kiểm lâm) thì Hạt điều hành và hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn. Trước đây, hợp đồng với chủ rừng thì chủ rừng nào lực lượng đó thôi. Bây giờ nếu có sự cố cháy, Hạt huy động được lực lượng toàn huyện”.
***
Anh Phan Thanh Long tập hợp đồng đội 2 nhóm, phân công người trực chốt, người đi tuần. Bàn bạc, thống nhất từng phương án rồi kẻ ở lại, người nhanh chóng khuất vào rừng xanh. Nhóm tuần tra rời chốt tại thôn Lạc Lâm, vượt qua thôn K’Nai đến thôn M’Lá, cách 7km, giáp xã Tà Năng. Xa đấy, khó đi đấy, nhưng phải thường xuyên “để mắt đặt tai” ở tiểu khu 353b này vì rẫy của bà con xen kẽ với rừng. “Có yêu rừng mới bảo vệ rừng được, không yêu đừng làm người bảo vệ”. Triết lý của anh Long thật giản đơn mà vô cùng trân quý...
***
Đứng trên chốt đỉnh cáp treo, Đà Lạt, anh Đặng Quốc Thái Bình chỉ cho tôi: “Hôm trước chỗ kia, đầu giờ chiều bị cháy anh kìa. Chốt trực phát hiện kịp thời, Hạt huy động chủ rừng, lực lượng Tổ đội đến dùng bơm nước khống chế dập tắt ngay”. Hiện Đà Lạt có 3 chủ rừng (BQL) và 30 doanh nghiệp thuê rừng. Từ đầu mùa khô, rừng thành phố xảy ra 3 vụ, trong đó vụ lớn nhất là 1,2ha thuộc rừng tự nhiên, nhưng chỉ cháy thảm cỏ khe bụi, không thiệt hại về rừng. Nguyên nhân do dân đốt rác và tảo mộ cháy lan qua. Các anh đang chịu 2 mối lo dễ cháy rừng: dân dọn nương rẫy ven rừng để chuẩn bị mùa mưa tới, nếu không có ý thức làm ranh cản lửa và mùa du lịch, du khách nấu nướng, đốt lửa, hút thuốc… quên dọn dẹp hay bất cẩn. Chúng tôi có mặt tại BQLR đặc dụng Lâm Viên, một cán bộ hồ hởi bộc lộ với anh Võ Danh Tuyên: “May quá, 31 và mùng Một tết năm nay trời mưa. Hi vọng năm nay sẽ tốt anh ạ, đến giờ chưa xảy ra vụ nào!”. Anh Tuyên khoát tay tức thì: “Chưa. Chưa đâu nhé. Mấy ông còn phải cảnh giác cao đấy!”. Trạm trưởng QLBVR Phát Chi Lê Vũ Thuật cho biết khó nhất là đất lâm nghiệp bị xâm lấn, giải tỏa trồng mới mấy lần mà thông non vẫn không trụ được vì bị dân nhớm gốc cho chết…
Rời Trạm Hành, tôi miên man với nỗi lo canh cánh của anh Thuật. Bỗng anh Võ Danh Tuyên nghiêng đầu, chỉ xéo sang bên phải, phía xã Đạ Sa, huyện Lạc Dương: “Chỗ đấy vừa có đám cháy đấy anh. Nhưng anh em đã dập tắt rồi. Nhìn khói tản ra mỏng, nhạt và không cuồn cuộn nữa là biết”. Về trụ sở thường trực BCĐ KHBV-PTR tỉnh, tôi trao đổi thêm với anh Tuyên. Anh ra cửa nhìn khoảng trời thông mướt xanh nhấp nhô trong phố. Bầu trời phía tây bắc ngả màu xám. Anh Tuyên chặc lưỡi buột miệng như nguyện cầu: “Trông trời mưa xuống đi!”. Rồi sốt sắng: “Sao đến giờ này mà chưa thấy anh em báo cáo về?”. Đó là quy định trong toàn tỉnh, hàng ngày báo cáo tình hình rừng mùa khô. Đồng hồ của tôi chỉ 16 giờ 02 phút, ngày cuối tuần…
Đà Lạt, tháng 3/2015
Ký sự: MINH ĐẠO