Ngày 6/3, tại thị trấn D'ran, huyện Đơn Dương, hội nghị tổng kết mô hình thí điểm về phân loại và xử lý rác thải với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 2 Sở TN&MT, NN-PTNT, UBND huyện, Hội Nông dân tỉnh, UBND thị trấn và gần 60 hội viên Hội Nông dân...
Ngày 6/3, tại thị trấn D’ran, huyện Đơn Dương, hội nghị tổng kết mô hình thí điểm về phân loại và xử lý rác thải với sự tham gia của đại diện lãnh đạo 2 Sở TN&MT, NN-PTNT, UBND huyện, Hội Nông dân tỉnh, UBND thị trấn và gần 60 hội viên Hội Nông dân... Đây là Dự án do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam triển khai, Hội Nông dân tỉnh chủ trì và triển khai duy nhất tại D’ran để rút kinh nghiệm nhân rộng trong toàn tỉnh, nhằm hướng đến một môi trường sống trong sạch trong lộ trình xây dựng nông thôn mới.
Được nhất là nhận thức và ý thức của người dân
Thị trấn D’ran là một địa bàn rộng, có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số và 14 tổ dân phố (TDP) với hơn 16.500 khẩu, gần 3.500 hộ. Đây là cửa ngõ phía đông nam lên thành phố Đà Lạt; trong nhiều năm qua, việc xả rác thải bừa bãi dọc đường đèo lên thành phố du lịch đã gây rất nhiều phản cảm. Một địa bàn nằm giữa 2 con đèo, đông dân cư, chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chưa có bãi tập kết rác thải nên môi trường ở đây ô nhiễm nghiêm trọng là đương nhiên. Việc chọn thí điểm mô hình giao cho cộng đồng dân cư thu gom, phân loại và xử lý ban đầu rác thải ở thị trấn D’ran là hoàn toàn hợp lý.
Mục tiêu của mô hình hướng tới là nâng cao nhận thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường nông thôn cho cán bộ, hội viên nông dân, giúp họ thay đổi hành vi, sống thân thiện với môi trường, góp phần làm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường do chính con người gây ra, giảm tỷ lệ mắc bệnh do ô nhiễm môi trường. Mô hình cũng nhằm nâng cao năng lực quản lý, sử dụng và bảo vệ phương tiện phục vụ thu gom và phân loại xử lý rác thải, chất thải cho cộng đồng dân cư. Phương diện khác, từ mô hình sẽ tạo ra một hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện và bảo vệ môi trường. Phân loại và xử lý rác thải bắt đầu chính từ người dân sẽ phát huy được nội lực, kết hợp lồng ghép các nguồn lực khác để xây dựng hạ tầng môi trường nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
|
Thu gom rác thải phải là việc của mọi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, và phải phân loại ngay trong quá trình thu gom |
Từ tháng 7/2014, Dự án bắt đầu triển khai với 100 hộ dân được Trung ương Hội phê duyệt. Theo đó, các ban điều hành từ cấp tỉnh, cấp huyện đến thị trấn và các tổ dịch vụ trong 3 TDP cùng vào cuộc bằng các đợt tập huấn, tuyên truyền hàng ngày trên đài phát thanh, kiểm tra, khảo sát và đặt 42 thùng rác. Đồng thời, mở cuộc vận động hội viên, nông dân đóng góp kinh phí để trang bị các xô nhỏ phân loại rác tại hộ, thuê đội vệ sinh đi thu gom rác và thuê công ty môi trường chở về bãi rác của huyện để xử lý...
Kết quả bước đầu cho thấy rõ sự đồng thuận của nông dân địa phương với chủ trương của các ngành, chính quyền các cấp. Trong cộng đồng dân cư đã dấy lên phong trào thi đua của các tổ chức đoàn thể. Trưởng Ban điều hành Dự án, Phó Chủ tịch UBND thị trấn D’ran Trần Thị Cúc khẳng định về tính thiết thực của Dự án: “Bước đầu giải quyết tốt việc thu gom, phân loại rác thải, làm giảm việc vứt rác bừa bãi trên đầu đèo Ngoạn Mục và một số khu vực trên địa bàn thị trấn”. Qua kiểm tra ngẫu nhiên, các hộ thực hiện mô hình cơ bản đã biết quy trình và phân loại rác thải tại gia đình. Hội viên đã có ý thức hơn trong bảo vệ môi trường nông thôn, gắn bó với Hội và tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội phát động. Một đại diện người dân của TDP 1 bày tỏ sự tâm đắc trước hội nghị rằng: Cái được nhất là cách thức phân loại rác thải đúng loại, ý thức người dân rõ hơn nhiều.
Hướng tới nhân rộng mô hình trong toàn tỉnh
Sau khi ghi nhận thành quả bước đầu, rất nhiều ý kiến của lãnh đạo các cấp, các ngành và người dân sôi nổi thảo luận về phát triển mô hình tiếp tục triển khai tại thị trấn D’ran và sẽ triển khai trong toàn tỉnh. Nhiều hộ dân đặt ra những vấn đề cụ thể nẩy sinh từ thực tiễn. Ông Nguyễn Văn Bảy, đại diện Hội Nông dân TDP 1 nói: Rất cần đặt thùng rác không chỉ kịp thời mà bà con còn cần phân loại một cách nghiêm túc hơn. Bà Đinh Thị Lợi đại diện TDP Đường Mới đề nghị: Xe thu gom rác nên đi thu gom theo ngày giờ quy định để bà con tập kết rác không bị ứ đọng. Trưởng Ban điều hành Trần Thị Cúc cho biết những tồn tại cần khắc phục là: Nhận thức của một bộ phận nhân dân chưa tốt; chưa có thói quen bỏ rác đúng nơi quy định, chưa phân loại rác tại nhà. Việc thu tiền ở các hộ kinh doanh còn nhiều bất cập, chưa phù hợp; hỗ trợ thùng rác còn quá ít. Bà cho biết về nhiệm vụ năm 2015: Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát; tiếp thu ý kiến của dân để khắc phục. Chọn cá nhân, tập thể có giải pháp hay trong việc giải quyết môi trường để đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời; kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm, nhất là không thực hiện cam kết theo dự án…
Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương Đinh Ngọc Hùng thẳng thắn: Thu gom rác phải là việc của mọi cá nhân, gia đình, cơ quan, đơn vị, và phải phân loại ngay trong quá trình thu gom. Việc xử lý, không chỉ đơn vị chức năng của huyện mà ngay trong gia đình đã xử lý bước đầu những rác thải xử lý được. Ông Hùng nhấn mạnh: “Thời gian tới, với trách nhiệm của UBND huyện, chúng tôi nhận thức rằng, việc bảo vệ môi trường cần được hiểu sâu sắc hơn, trách nhiệm hơn của mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đơn vị. Thị trấn cùng huyện đang xây dựng Chương trình nông thôn mới, chủ yếu người dân sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp. Nông thôn mới, đô thị văn minh là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là quan tâm đến môi trường”.
Phó Giám đốc Sở TN-MT Lương Văn Ngự lưu ý về vần đề xử lý rác thải đầu tiên là phân loại, theo đó, dân phân loại hữu cơ, vô cơ; cơ quan chức năng phân loại rác có hại và rác không có hại. Ông Ngự cũng đề nghị năm 2015, Ban điều hành Dự án xây dựng chương trình, lập kế hoạch và đặc biệt là dự trù kinh phí. Theo đó, cần có kinh phí hỗ trợ cho những người đầu tàu trong tổ phục vụ. “Hi vọng thị trấn Dran là điểm điển hình để nhân rộng trong toàn tỉnh thời gian tới”, ông Lương Văn Ngự nói. Theo bà Nguyễn Thị Tường Vi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Lâm Đồng, Chủ Dự án, hướng tới của Hội là phân loại, xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Người dân đã đề nghị huyện xây dựng cho họ những hố để nông dân tập kết bao bì chứa thuốc bảo vệ thực vật. Đó là định hướng phát triển một nền sản xuất bền vững và thân thiện với môi trường.
ĐẠO PHAN