Họp mặt truyền thống cách mạng hướng đông bắc Đà Lạt

03:03, 31/03/2015

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Lạt (3/4/1975-3/4/2015) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), Ban liên lạc truyền thống cách mạng hướng đông bắc Đà Lạt tổ chức buổi họp mặt cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị, cơ sở cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cúu nước trên địa bàn phường 11, phường 12 - Đà Lạt.

(LĐ online) - Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng Đà Lạt (3/4/1975-3/4/2015) và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015), Ban liên lạc truyền thống cách mạng hướng đông bắc Đà Lạt tổ chức buổi họp mặt cán bộ, chiến sỹ của các đơn vị, cơ sở cách mạng trong những năm kháng chiến chống Mỹ cúu nước trên địa bàn phường 11, phường 12 - Đà Lạt. Dự buổi họp mặt có đồng chí Hà Phước Toản - UVBTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND TP Đà Lạt; Đảng ủy-HĐND-UBND phường 11, 12; Mẹ VNAH Nguyễn Thị Đỗ, cùng hàng trăm cán bộ, chiến sỹ, cơ sở cách mạng đã chiến đấu, hoạt động hướng đông bắc Đà Lạt và thân nhân của cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh, của cơ sở cách mạng đã qua đời.
 
Trong diễn văn truyền thống do ông Nguyễn Duy Dũng - Trưởng ban Liên lạc cho biết, trong kháng chiến chống Mỹ cúu nước, tại phường 11, phường 12 có gần 573 người tham gia hoạt động cách mạng, trong đó có hơn 152 người thoát ly và đã có 43 người anh dũng hy sinh. Cùng với đó, trong toàn thành phố Đà Lạt có 12 tiểu đội du kích mật, thì phường 11, phường 12 có 6 tiểu đội, toàn TP có 5 ấp trở thành vùng lõm chính trị quan trọng, thì phường 11, phường 12 có 4 vùng lõm chính trị, là hậu phương vững chắc, chỗ dựa trực tiếp của cách mạng trong lòng địch. Cũng trên địa bàn phường 11, phường 12 có 31 gia đình là có cơ sở cách mạng đã đào 50 căn hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội bám trụ để xây dựng phong trào cách mạng và tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, phương tiện, thiết bị phục vụ cách mạng. Chỉ tính riêng 10 năm 1965-1975, nhân dân hai phường đã vận chuyển gần 3.000 tấn lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm không chỉ phục vụ cho lực lượng cách mạng ở hướng đông bắc Đà Lạt, mà còn cho 2 tiểu đoàn chủ lực 200C của Quân khu 6 và 810 của tỉnh Tuyên Đức. Để hoạt động cách mạng trong điều kiện địch kiểm tra, kiểm soát gắt gao, truy lùng, truy đuổi quyết liệt, bắt bớ, giam cầm, tra tấn giã man, đòi hỏi những người tham gia hoạt động cách mạng tại phường 11, phường 12 phải dũng cảm, trí tuệ, một lòng đi theo Đảng, theo cách mạng. Và trong số họ đã có những người hy sinh quả cảm như những đội viên du kích: Trần Duy Thiệt, Hoàng Ngọc Hà, Lương Thị Ngọc Sương, cùng các má, các chị: Đặng Thị Nguyên, Nguyễn Thị Đính… Sự anh dũng hy sinh của họ đã tô thắm thêm truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, góp phần giải phóng TP Đà Lạt và miền Nam, thống nhất đất nước. Ghi nhận những đóng góp của quân và dân phường 11, hiện nay Tổng cục Chính trị - Bộ Quốc phòng đã đề nghị Ban Thi đua khen thưởng Trung ương trình Hội đồng Thi đua khen thưởng TW xét, đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho phường 11.
 
Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt là từ khi thành lập Ban liên lạc truyền thống cách mạng hướng đông bắc 1994 đến nay, hàng năm Ban liên lạc đều tổ chức họp mặt truyền thống để ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của phường 11, 12 và thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn, gian khổ, hăng say lao động sản xuất, góp phần xây dựng phường, TP ngày càng giàu đẹp. Chỉ trong năm 2014, thông qua sự ủng hộ của TP, phường và sự đóng góp của các hội viên, Ban liên lạc đã tiến hành thăm hỏi, tặng quà, phúng điếu cho nhiều cán bộ, chiến sỹ, cơ sở cách mạng bị ốm đau, bệnh tật hiểm nghèo, qua đời với số tiền 10,113 triệu đồng. Trong buổi họp mặt truyền thống ngày 29/3/2015, Ban liên lạc cũng đã tặng 8 suất quà cho những cán bộ, chiến sỹ, cơ sở cách mạng hoặc thân nhân của họ gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, trị giá mỗi suất quà 300.000 đồng. Tuy giá trị món quà không lớn, nhưng tấm lòng biết ơn thì vô hạn, đã góp phần động viên, an ủi những người được tặng quà nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, để luôn xứng đáng với truyền thống mà bản thân họ, hoặc người thân họ đã xây đắp nên trong hai cuộc trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, thu giang sơn về một mối.
 
                                                                                Hoàng Đại Huynh