Lâm Đồng sẵn sàng ứng phó với khô hạn

03:03, 13/03/2015

(LĐ online) - Trước tình trạng nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh đã và đang "khát…" vì thiếu nước tưới, UBND tỉnh đã đưa ra các phương án sẵn sàng ứng phó với khô hạn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho vụ Đông Xuân cũng như cả năm 2015.

(LĐ online) - Trước tình trạng nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn tỉnh đã và đang “khát…” vì thiếu nước tưới, UBND tỉnh đã đưa ra các phương án sẵn sàng ứng phó với khô hạn, đảm bảo sản xuất nông nghiệp cho vụ Đông Xuân cũng như cả năm 2015.
 
Theo báo cáo nhanh của các huyện, thành phố, hiện nhiều hồ chứa vừa và nhỏ, mực nước đều đã xuống thấp, trong đó có hồ xuống dưới mực nước chết, hoặc trơ đáy vì khô cạn. Riêng mực nước sông Đồng Nai đã xuống mức thấp nhất, không đủ cột nước bơm, khiến các trạm bơm điện tại Đức Phổ, Phù Mỹ và Phước Cát I phải tạm ngưng, hoặc hoạt động cầm chừng.
 
Nông dân thôn Hang Hớt (huyện Lâm Hà) chống hạn cho cà phê
Nông dân thôn Hang Hớt (huyện Lâm Hà) chống hạn cho cà phê
 
Tại huyện Đạ Tẻh, địa phương có trên 1.400ha đất canh tác lúa, chè, cà phê… nằm ở khu vực cuối nguồn của các công trình thủy lợi Đạ Hàm, Đạ Tẻh, Tố Lan; và những nơi không có công trình thủy lợi, gồm: các thôn Hương Thanh, Hương Sơn (xã Hương Lâm), Tôn Klong (xã Đạ Pal), xã Đạ Lây là những nơi đang có nguy cơ bị khô hạn rất cao. 
 
Cùng chung tình trạng, ở vùng “rốn lũ” Cát Tiên, nhiều diện tích cây trồng trên diện rộng cũng đang trong tình trạng “khát…”, và có nguy cơ ảnh hưởng cao bởi khô hạn. Các khu vực Cát Hòa, Cát An, Cát Điền (xã Phước Cát 1); thôn 5, vùng Bàu Sen ngoài khu tưới của xã Đức Phổ, Bàu Thái Bình Dương, Trảng Bầu Chim… (thị trấn Cát Tiên) cây trồng đang “quay quắt” dưới nắng. Khu vực quanh Cầu Sắt, đồng Bảy Mẫu (xã Quảng Ngãi); thôn Mỹ Điền, Mỹ Thủy, Mỹ Hợp (xã Mỹ Lâm), đặc biệt các thôn Ninh Thủy, Ninh Hải (xã Nam Ninh); thôn Hòa Thịnh, Liên Phương, Tiến Thắng, Tân Xuân, Trấn Phú (xã Gia Viễn); Bàu Khoai, thôn 5, thôn 3 (xã Tiên Hoàng), cùng các buôn của xã Đồng Nai Thượng là những nơi sẽ ảnh hưởng nặng nhất nếu mùa khô kéo dài.
 
Trước tình hình khô hạn đang và sẽ diễn ra nghiêm trọng trong các tháng cao điểm của mùa khô, UBND tỉnh đã có tờ trình đề nghị Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT hỗ trợ trên 57 tỷ đồng để nạo vét kênh mương, hồ chứa; sửa chữa công trình thủy lợi và phục vụ bơm chống hạn để đảm bảo sản xuất cho vụ Đông Xuân 2014 - 2015 và cả năm 2015.

Một số vùng canh tác lúa, rau màu, cây công nghiệp tại các xã: Tân Hội, Tân Thành, Ninh Loan, Đà Loan, Tà Năng, Đạ Quyn, Tà Hine, Ninh Gia (huyện Đức Trọng); P’Róh, Tu Tra, Đạ Ròn, Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương); Đạ R’Sal, Rô Men, Đạ K’Nàng (huyện Đam Rông)… cũng đang có nguy cơ rơi vào tình trạng khô hạn cao.

Tình trạng này, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng Nguyễn Văn Minh, trước hết là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, hiện tượng khí hậu cực đoan xuất hiện bất thường với tần suất, cường độ ngày càng cao, tình hình hạn hán năm 2015 có xu hướng lặp lại chu kỳ 10 năm. Trong khi đó, Lâm Đồng là tỉnh có địa hình cao, đồi dốc, sông ngắn, đất giữ nước kém; nhiều công trình thủy lợi bị xói mòn, bồi lắng; cơ cấu cây trồng bố trí chưa thật sự phù hợp theo điều kiện của từng vùng… nếu khô hạn kéo dài nhất định sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp.
 
Để sẵn sàng ứng phó với tình trạng khô hạn, Sở NN&PTNT Lâm Đồng, đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương; các phòng, ban chuyên môn tăng cường phối hợp với các đơn vị quản lý thủy nông để xác định khả năng cung cấp nước tưới của các công trình thủy lợi, từ đó có phương án bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với khả năng cân đối nguồn nước. Với những khu vực cách xa, hoặc không có công trình thủy lợi; khu vực canh tác dựa vào nước trời, nước quy hồi từ các công trình thủy lợi, chính quyền khuyến cáo cho người dân canh tác chủ động, chỉ nên xuống giống khi có nguồn nước bổ sung, không xuống giống vụ Hè Thu sớm, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang những cây ít dùng nước.
 
Song song với đó, các địa phương cần huy động và hỗ trợ nhân dân sử dụng các máy bơm của hộ gia đình bơm nước từ các khe suối, ao hồ để phục vụ chống hạn; nạo vét, đào giếng, khoang giếng, ao hồ nhỏ để lấy nước tưới và nước sinh hoạt. Chủ động bố trí nguồn vốn địa phương để sửa chữa, khắc phục các công trình thủy lợi nhỏ do địa phương quản lý để phục vụ hiệu quả. Đối với các trạm bơm điện dọc sông Đồng Nai thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, UBND huyện Cát Tiên cần phối hợp với Công ty Thủy điện Đồng Nai, Công ty CP Thủy điện Đắk R’Tih để xả nước phát điện theo định kỳ, đảm bảo mực nước cho các trạm bơm. 
 
Các địa phương phải xây dựng và thực hiện nghiêm kế hoạch chống hạn; huy động nguồn lực của nhân dân để khai thông nguồn lạch, nạo vét kênh mương nội đồng, đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, phải thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, mực mước các hồ chứa; phối hợp chặc chẽ với chính quyền địa phương lập kế hoạch sản xuất, khuyến cáo chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng tại những nơi không chủ động được nguồn nước. Huy động nhân vật lực để chống hạn; hướng dẫn nhân dân có biện pháp tích trữ nước trong ao, đầm để phục vụ tưới; tiết kiệm nước, và kiểm tra máy bơm dự phòng để sẳn sàng bơm khi có hạn xảy ra.
 
 
Thụy Trang