Thôn 1 - Đinh Trang Thượng là thôn vùng sâu của huyện Di Linh với phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm trước đây, việc giao tiếp giữa người đồng bào và người Kinh trong sinh hoạt, lao động sản xuất, giáo dục rất khó khăn...
Thôn 1 - Đinh Trang Thượng là thôn vùng sâu của huyện Di Linh với phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Những năm trước đây, việc giao tiếp giữa người đồng bào và người Kinh trong sinh hoạt, lao động sản xuất, giáo dục rất khó khăn. Đặc biệt, ở cấp học mầm non khi ngôn ngữ chính của các em là tiếng mẹ đẻ thì sự bất đồng về ngôn ngữ này gây cản trở không nhỏ trong việc dạy và học giữa cô và trò, ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục. Mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ” do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh xây dựng là giải pháp thiết thực, hiệu quả nhằm cải thiện tình trạng trên.
|
Chị Ka Đườm đang lắng nghe cách chăm sóc, nuôi con tốt, dạy con ngoan |
Là một mô hình mới nhưng sau hơn 1 năm hoạt động, mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ” đã có trên 30 bà mẹ có con trong độ tuổi mầm non tham gia. Cứ 1 tháng 1 lần, các bà mẹ lại dẫn con em mình đến hội trường thôn để học hỏi, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm và được hướng dẫn cách chăm sóc, nuôi con tốt, dạy con ngoan. Với những kiến thức được học sau khi tham gia mô hình, các mẹ về hướng dẫn và truyền đạt lại cho con em bằng tiếng Việt, điều này không chỉ giúp trẻ hình thành thói quen sinh hoạt tốt mà còn cải thiện được khả năng nói tiếng Việt của trẻ. Theo chị Ka Liễu ở thôn 1, xã Đinh Trang Thượng, một bà mẹ tham gia mô hình cho biết: “Mình tham gia mô hình này vì muốn con mình biết tiếng Việt, giúp ích cho việc học hành sau này của con. Lúc đầu, mình dạy thì con chưa nói rành tiếng Việt, nhưng bây giờ con cũng biết khá nhiều rồi”. Cũng là một bà mẹ tham gia chương trình này, chị Ka Đườm ở thôn 1, xã Đinh Trang Thượng trao đổi: “Khi tham gia mô hình này, tôi thấy rất vui, những kiến thức mình học được, mình dạy cho con được nhiều điều, nhờ vậy, khi con đi học giao tiếp với thầy cô, bạn bè cũng dễ dàng hơn”.
Tại Trường Mầm non Đinh Trang Thượng, trước đây việc trao đổi thông tin giữa cô và trò thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh xây dựng mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ” thì việc dạy và học giữa cô và trò đã có nhiều khởi sắc. Các em đã biết đọc thơ, hát nhạc, nhanh nhẹn và linh hoạt hơn trong giao tiếp. Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đinh Trang Thượng cho biết: “Qua theo dõi của nhà trường thì những cháu có mẹ tham gia mô hình “Mẹ nói, dạy tiếng Việt cho trẻ” khi đến trường các cháu nói được tiếng Việt, có thể giao tiếp với cô giáo rất lưu loát và tự tin. Còn những trẻ không tham gia mô hình thì chưa biết giao tiếp bằng tiếng Việt, điều này khiến các cháu tiếp thu chậm hơn”. Trước những hiệu quả mà mô hình mang lại, bà Trần Thị Tâm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh cho biết: “Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Di Linh sẽ tiếp tục duy trì và phát triển mô hình tại xã Đinh Trang Thượng, đồng thời nhân rộng tại các thôn, buôn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn huyện Di Linh”.
PHAN NHÂN