(LĐ online) - Càng tiến dần về cuối học kỳ II, năm học 2014-2015 thì không khí tại các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh dường như nóng thêm bởi sự gấp rút, tích cực chuẩn bị của thầy và trò các trường cho một bước ngoặt quan trọng - kỳ thi THPT quốc gia...
(LĐ online) - Càng tiến dần về cuối học kỳ II, năm học 2014-2015 thì không khí tại các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh dường như nóng thêm bởi sự gấp rút, tích cực chuẩn bị của thầy và trò các trường cho một bước ngoặt quan trọng - kỳ thi THPT quốc gia. Theo số liệu khảo sát sơ bộ của Sở Giáo dục và đào tạo (GD& ĐT) Lâm Đồng: Số thí sinh đăng ký dự thi toàn tỉnh là 14.179 học sinh, trong đó, học sinh lớp 12 là 13.770 thí sinh, hệ Giáo dục thường xuyên là 409 thí sinh. Nguyện vọng thi để xét tốt nghiệp có 1.867 thí sinh.
|
Việc tập trung ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục |
Kỳ thi “2 trong 1”
Kết quả của kỳ thi chung “2 trong 1” này sẽ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục-đào tạo sau bậc THPT sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng như trước đây.
Lâm Đồng được chọn là cụm thi chung cho hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận với hàng chục nghìn học sinh dự thi. Đến thời điểm này, Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã và đang hoàn tất các phương án chuẩn bị những điều kiện tốt cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.
Kỳ thi THPT quốc gia dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7/2015 với 8 môn thi là: Văn, Toán, Ngoại ngữ, Sinh, Lý, Hóa, Sử, Địa với thời gian cơ bản những môn tự luận 180 phút, môn trắc nghiệm là 90 phút. |
Ông Đặng Trọng Giang - Chánh Văn phòng Sở GD& ĐT Lâm Đồng cho biết: Sau khi Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố quy chế chính thức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, Sở đã chỉ đạo các trường chuẩn bị tốt công tác hướng dẫn ôn tập cho học sinh, bám sát chương trình lớp 12. Kế hoạch ôn tập đã được triển khai ngay từ đầu học kỳ II, đặc biệt Sở còn điều động các giáo viên giỏi, có kinh nghiệm về hỗ trợ ôn tập cho các em ở các trường vùng sâu vùng xa.
Tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP. Đà Lạt), việc triển khai ôn tập đang diễn ra rất nghiêm túc. Ông Nguyễn Hữu Hóa- Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Là năm đầu tiên đổi mới toàn diện trong kỳ thi THPT quốc gia, thầy và trò trường chúng tôi xác định phải thật nghiêm túc, không chủ quan. Công tác phụ đạo, ôn tập đã đi vào “guồng”, các em học sinh cũng rất tích cực ôn luyện, củng cố kiến thức”.
Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi, ngành giáo dục chủ trương đánh giá kết quả học tập của học sinh đúng thực chất, khách quan, công bằng hướng tới phát triển năng lực của học sinh; việc tổ chức ôn thi phân hoá theo năng lực của học sinh dựa theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông. Ngoài ra, ngành còn tăng cường hướng dẫn học sinh tự học, tự nghiên cứu sách giáo khoa, sách bài tập và tài liệu tham khảo; khắc phục việc ghi nhớ máy móc, không nắm vững bản chất kiến thức. Nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn; đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, tăng cường ra thêm các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra.
Đồng hành cùng học sinh
Mặc dù những điểm mới trong quy chế của kỳ thi THPT quốc gia đã được nêu rõ trong các văn bản cũng như hướng dẫn của các thầy cô giáo và thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng thực tế, áp lực của kỳ thi vẫn đang đè nặng trong suy nghĩ của không ít thí sinh. Em Nguyễn Ngọc Phương Anh (Học sinh Trường THPT Tây Sơn, Đà Lạt) bộc bạch: “Các thầy cô giáo hướng dẫn ôn luyện cụ thể và trong quy chế mới cũng nêu rõ đề thi có cấu trúc tương tự như đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 với kiến thức bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không đánh đố, lắt léo… nhưng em vẫn thấy hồi hộp. Đặc biệt với những dạng đề theo hướng mở ở các môn khoa học xã hội, vận dụng kiến thức thực hành ở các môn khoa học tự nhiên và năm nay điểm liệt cũng cao hơn trước (1 điểm) nên em nghĩ mình cần phải cố gắng rất nhiều”.
Hiểu rõ tâm tư ấy của các học sinh, ngoài việc tập trung ôn tập, các giáo viên còn luôn đồng hành, chuẩn bị tâm lý vững vàng cho các em. “Từ kỳ thi học kỳ vào cuối tháng 4 sắp tới, và những lần thi thử sẽ là bước tập dượt, chuẩn bị tâm lý cho học sinh. Ngoài phổ biến cho học sinh kỹ năng làm bài, thông tin cho phụ huynh để phối hợp tốt trong việc ôn tập của học sinh; các trường khẩn trương thống nhất tất cả các loại hồ sơ cá nhân về tên, ngày sinh, nơi sinh, giới tính, dân tộc để tránh những sai sót không đáng có ảnh hưởng đến kỳ thi của các em”- ông Đặng Trọng Giang cho biết thêm.
Thực tế, việc sáp nhập kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại học, cao đẳng thành một kỳ thi chung sẽ có nhiều thuận lợi. Đó là thầy và trò có động lực để đổi mới phương pháp dạy và học, tiết kiệm được chi phí cho xã hội. Tuy nhiên, thực hiện cái mới chắc chắn sẽ có nhiều bỡ ngỡ nên việc chuẩn bị kỹ lưỡng cả về kiến thức và tâm lý cho học sinh là rất cần thiết. Với tinh thần luôn đồng hành cùng học sinh và sự tích cực chuẩn bị mọi mặt cho kỳ thi của ngành giáo dục Lâm Đồng, hi vọng kỳ thi sẽ diễn ra an toàn, nghiêm túc, đạt kết quả cao.
D.Thương