Đó là ngày 3-4-1975, chính quyền Mỹ - Ngụy Việt Nam Cộng hòa ở Tuyên Đức và Đà Lạt, Lâm Đồng sụp đổ, đoàn quân Giải phóng cùng lực lượng vũ trang nhân dân từ các ngả kéo về trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt trong rừng người và cờ hoa, những gương mặt rạng rỡ với nụ cười chiến thắng rưng rưng lệ…
Đó là ngày 3-4-1975, chính quyền Mỹ - Ngụy Việt Nam Cộng hòa ở Tuyên Đức và Đà Lạt, Lâm Đồng sụp đổ, đoàn quân Giải phóng cùng lực lượng vũ trang nhân dân từ các ngả kéo về trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt trong rừng người và cờ hoa, những gương mặt rạng rỡ với nụ cười chiến thắng rưng rưng lệ…
Tôi được biết không khí của những ngày cuối tháng ba đầu tháng tư qua lời kể của ông Bùi Văn Phồ, thiếu tá về hưu, nguyên là Tham mưu phó Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (lúc đó gọi là Tỉnh Đội), ông chính là Trưởng ban Quân quản thị trấn Tùng Nghĩa, tỉnh Tuyên Đức những ngày đầu tháng 4/1975.
|
Ông Bùi Văn Phồ và tác giả |
Hơn hai mươi năm trước, ông về hưu và xin làm bảo vệ ở Trung tâm giống cây thuốc Cam Ly, nơi trước đây tôi công tác và sau này vẫn thường xuyên lui tới. Ông khoác bộ quân phục cũ, ít nói nhưng nét mặt hiền từ, gặp nhau vẫn chào hỏi bình thường như với những quân nhân về hưu khác, ngờ đâu trong ông có cả kho tư liệu chiến tranh với những nét đặc sắc. Ông cho tôi xem cuốn sổ tay có bài thơ của mình viết về ngày 3/4 ở Đà Lạt:
“… Đường hai mươi đoàn anh tiến về thành phố
Gặp cánh quân em ngay khu chợ Hòa Bình
Giải phóng quê em, quê của chúng mình
Thành phố hoa anh ngỡ hoa ngày cưới
Vui lắm em ơi, đã bao ngày mong đợi
Gặp nhau cười mà lệ cứ rưng rưng…”.
Vẫn biết trong thơ thì có “em thật”, “em ảo” nhưng cái không khí ngày ấy cứ hiển hiện tươi rói, sống động. Tôi hỏi ông “em ơi” là em nào đấy? Ông cười hiền, là một em có thật nhưng miễn nói tên. Cô ta đang học trung học bỏ vào rừng với cách mạng, hồn nhiên phát biểu thế này: “Các ông Việt Cộng, Giải phóng không đánh nổi Mỹ đâu, chúng nó xe tăng thiết giáp, các ông chui lủi thế này (!)”. Ít lâu sau cô thành chiến sĩ quân Giải phóng dũng cảm, và mùng ba tháng tư gặp lại ở chợ Hòa Bình cô đã cười ra nước mắt thực sự. Thế là chính em đã thắng Mỹ chứ chẳng phải ai khác.
Nghe nói ông là người treo cờ ở tiểu khu Đức Trọng phải không?
Ông Phồ cười:
- Thế này, để tôi kể anh nghe. Những ngày cuối tháng ba, không khí thắng trận khắp nơi dội về, lòng người như mở cờ trong bụng. Tôi cùng đồng chí Thanh là Tỉnh đội trưởng đi họp Bộ Tư lệnh Quân khu 6 ở Ninh Thuận, nghe phổ biến kế hoạch tháng 3/1975: “Giải phóng quê hương”. Họp hơn một ngày thì lật đật về địa phương. Đến Bảo Lộc, lúc ấy lộn xộn lắm, tàn quân Ngụy tháo chạy, súng nổ đì đùng, rải rác dọc đường là xác chết, súng ống, quân trang quân dụng… Chúng tôi về Tuyên Đức nhưng cầu Đại Ninh bị quân rút chạy đánh sập, mười giờ đêm cuối tháng ba trời tối đen phải đốt vỏ xe làm đuốc. Đêm hôm đó đến Ủy ban thị trấn Tùng Nghĩa. Sáng hôm sau, tiểu đoàn trưởng Mười Bạc (còn trẻ nhưng tóc bạc, người Phú Yên) được lệnh truy đuổi tàn quân ở Eo Gió. Tôi ở lại làm Chủ tịch Quân quản thị trấn Tùng Nghĩa cùng một đồng chí liên lạc nữa thu nạp vũ khí, tập trung những người trình diện, anh em tự vệ đi truy quét tàn quân. Lúc đó tình hình rối beng, phía tả ngạn sông Đa Nhim chúng vẫn ngoan cố chĩa súng bắn sang. Tiểu khu Đức Trọng (giờ là UBND huyện Đức Trọng) cờ ba sọc còn cắm, tôi lệnh cho cậu liên lạc hạ xuống nhưng cờ của ta lại không có trong tay. Về sau ai cắm cờ đỏ sao vàng không rõ. Nhưng ông Năm Khanh, Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Đức vẫn cứ nói “chính ông Phồ là người đã cắm cờ tiểu khu Đức Trọng”, sự thực không phải vậy.
|
Trước cửa Nha Địa Dư Đà Lạt 3/4/1975. (Từ trái sang phải: 1. Đ/c Tuân - Tỉnh Đội Phó Lâm Đồng; 2. Nguyễn Thanh Đông - Tham mưu phó Tỉnh Đội Lâm Đồng; 3. Bùi Văn Phồ - Tham mưu phó Tỉnh Đội Tuyên Đức; 4. Bùi Minh Hớn - Tham mưu trưởng Tỉnh Đội Tuyên Đức) |
Tôi thấy trong tủ kính phòng khách nhà ông Phồ có một hộp đựng rất nhiều huân chương bên cạnh những con búp bê của đứa cháu nội. Một hình ảnh đẹp về sự hy sinh của thế hệ đi trước cho con cháu hôm nay. Riêng Huân chương Chiến công hạng Nhất có đến ba chiếc. Lại có cả Huy hiệu Bác Hồ.
Ông cho biết đã tham gia đào Ao cá Bác Hồ ở Phủ Chủ tịch Hà Nội. Đào xong Bác hỏi các cháu thích được thưởng cái gì. Lính chúng tôi nhao nhao: một bữa thịt bò! Bác tặng mỗi đứa cái huy hiệu, lấy đâu ra thịt bò lúc đó.
Thì ra ông Phồ đi bộ đội chống Pháp từ năm 1953. Ôm bọc nilong quần áo nhảy xuống sông Bạch Đằng bơi qua sông nhập ngũ. Năm 1954, sau một lớp huấn luyện được bố trí về Tiểu đoàn 144 bảo vệ Trung ương. Ông nhớ như in lần bảo vệ Bác về thăm quê hương vào năm 1955. Bác mời tất cả những người bạn thời chăn trâu cắt cỏ đến và nói: “Người ta sau bao năm xa quê trở về thì mừng mừng tủi tủi, tôi về chỉ có mừng mà không có tủi”. Bác bảo tôi là Chủ tịch nước nhưng nghèo, không có đủ cho mỗi người gói trà, chỉ có kẹo cho các cháu và một gói trà để khi họp HTX uống chung.
Năm 1958 ông Phồ vào học Trường sĩ quan Lục quân 1, tốt nghiệp năm 1962. Tháng 12/1966 ông đi B là đại đội trưởng, năm 1968 lên tiểu đoàn bậc phó, vào khu 6 chiến đấu tại chiến trường Ninh Thuận, tiếp tục được điều về làm trợ lý tác chiến Quân khu 6, rồi tham mưu phó Tỉnh Đội. Năm 1978 qua Campuchia chiến đấu, sau về làm Tham mưu trưởng Đoàn 859 Quân Khu 5 chuyên huấn luyện quân tình nguyện đi Campuchia. Ông về hưu năm 1998, cư trú tại nhà số 9/10 khu Đồi Thông Tin. Chúng tôi thường gặp nhau ở UBND phường 8 vào đầu tháng đến lãnh trợ cấp hưu trí.
Năm nay thiếu tá Bùi Văn Phồ về hưu đã vào tuổi 80, vẫn trong bộ quân phục cũ và nụ cười hiền từ của người lính Cụ Hồ, con của Bà mẹ Việt Nam Anh hùng huyện An Dương (An Hải cũ) Tp Hải Phòng.
Bút ký: Chu Bá Nam