(LĐ online) - Đã nhiều năm qua, những người K'Ho nhận quản lý, bảo vệ rừng ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương chưa ngày nào rời xa cánh rừng. Rừng thiêng không một ngày thiếu bước chân của họ, bình yên của rừng có sự góp sức của họ - những người K'Ho giữ rừng.
(LĐ online) - Đã nhiều năm qua, những người K’Ho nhận quản lý, bảo vệ rừng ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương chưa ngày nào rời xa cánh rừng. Rừng thiêng không một ngày thiếu bước chân của họ, bình yên của rừng có sự góp sức của họ - những người K’Ho giữ rừng.
Vị thủ lĩnh nặng lòng với rừng
Sáng chủ nhật, nhịp sống ở các buôn làng của người K’Ho tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương như chùng lại, khác hẳn với cuộc sống vội vã ngày thường. Lý do là, đồng bào K’Ho nơi đây thường dành riêng ngày nghỉ chủ nhật để đến Thánh đường làm lễ từ rất sớm, vì thế mà buôn làng trở nên vắng lặng.
Thế nhưng, với ông Lơ Mu Ha Beock (58 tuổi), ngụ thôn 5, xã Đạ Sar cùng 31 người khác trong tổ nhận khoán quản lý, bảo vệ 2.790ha rừng, từ khi bước vào mùa khô đến nay, ông chưa ngày nào ở nhà, kể cả ngày lễ, tết. Họ vào rừng từ rất sớm và chỉ trở về lúc mặt trời đã rời sang bên kia núi Mẹ. Với người K’Ho ở Đạ Sar, Ha Beock là một vị thủ lĩnh dẫn đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông đã dành gần trọn đời mình để gắn bó với núi rừng, ngay cả khi trước đây Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ cho người trông coi rừng, ông cùng người dân địa phương vẫn xem đại ngàn xanh là trái tim của buôn làng, bất khả xâm phạm.
Ha Beock kể: “Đồng bào K’Ho nơi đây, từ trước tới nay sống chan hòa bên cạnh “rừng mẹ”, chẳng ai đụng đến rừng, khi làm nhà dù thiếu một cây gỗ cũng không tự ý vào rừng chặt. Với họ, rừng trở nên linh thiêng, che chở cho buôn làng hết đời này đến đời khác”. Thế nhưng, hơn chục năm trở lại đây, nhất là khi tuyến đường 723, nối liền Đà Lạt với Nha Trang chạy qua thì “làn sóng” di cư từ những nơi khác vào Đạ Sar một cách ồ ạt, đất sản xuất bị thiếu. Không ít người tìm mọi cách hủy hoại rừng, cho thông “uống” độc dược để “giải phóng mặt bằng” lấy đất canh tác. Công tác quản lý, bảo vệ rừng ngày càng khó khăn gấp bội lần, cần phải giữ rừng chặt chẽ hơn so với trước đây.
|
Nhóm nhận trông coi bảo vệ rừng ở Đạ Sar xử lý thực bì chống cháy rừng mùa khô |
Những người nhận khoán bảo vệ rừng gần như chẳng ngày nào được nghỉ ngơi, lúc vượt rừng, khi lội suối, sáng ở cánh rừng này, chiều đã sang cánh rừng bên kia, không ít đêm, họ phải thức trắng truy đuổi những kẻ phá hoại rừng. Theo Ha Beock: “Mình mà lơ là, buông lỏng quản lý vài ngày là có thể hàng chục, thậm chí hàng trăm cây thông sẽ bị kẻ xấu đầu độc một cách không thương tiếc. Thế nên phải bám sát rừng”. Còn anh K’Breo (32 tuổi), một người trong tổ nhận bảo vệ rừng cho biết: “Đã có lần, đứng trước những cây thông bị kẻ xấu đầu độc, từ từ vàng lá, chết yểu, ông Ha Beock đã bật khóc như đang tiễn đưa một người tri kỷ đột ngột lìa đời”.
Để bảo vệ tốt những cánh rừng được giao trông coi, bên cạnh việc hằng ngày thực hiện tuần tra, canh gác, nhiều năm qua, Ha Beock và những người nhận trông coi, bảo vệ rừng còn đảm đương nhiệm vụ tiên phong của một tuyên truyền viên về rừng. Họ đến từng gia đình vận động người dân tích cực tham gia bảo vệ rừng, ngăn chặn, tố giác những đối tượng tới chặt hạ cây rừng lấy gỗ, lấy đất sản xuất.
Tất cả vì sự bình yên của rừng
Ông Ha Beock cùng những người nhận trông coi rừng ở xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương không còn nhớ rõ mình đã đón bao nhiêu cái tết ở rừng. Chỉ biết rằng, đối với họ, tết là ngày đặc biệt nhưng công việc vẫn như ngày thường, hằng ngày cũng phải thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh gác, trông coi rừng, xử lý lớp thực bì để phòng chống cháy rừng vào mùa khô.
Theo anh K’Biên, thậm chí, những ngày tết, tổ trông coi rừng của anh phải làm việc vất vả hơn nhiều, bởi kẻ xấu thường lợi dụng thời điểm này để tổ chức khai thác gỗ trái phép, đầu độc rừng lấy đất sản suất. Sự khác biệt rõ nhất của ngày tết với ngày thường của những người bảo vệ rừng ở Đạ Sar là bữa cơm có thêm hương vị thịt cá ngày tết, bánh chưng, kẹo, mứt tết… mà ở Ban quản lý bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim xuống biếu, động viên tinh thần bà con tích cực chung tay góp sức trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Từ năm 2009, khi Nhà nước có chính sách giao rừng cho nhân dân chăm sóc, ưu tiên đồng bào các dân tộc tại địa phương, Ha Beock cùng 31 người khác đã nhận chăm sóc, bảo vệ 2.790ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Với những chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của Nhà nước, những người nhận chăm sóc, bảo vệ rừng như ông Ha Beock mỗi năm có thêm thu nhập 10 triệu đồng. Trước đây, mỗi hecta rừng nhận chăm sóc chỉ được trả 200.000đ/ha thì nay, số tiền đã nâng lên 450.000đ/ha và dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng trong những năm tới. “Đây là số tiền không nhỏ giúp gia đình những người nhận chăm sóc rừng trang trải cuộc sống và có trách nhiệm với rừng cao hơn”- Ha Beock tâm sự.
Ông Trịnh Xuân Tự - Phó Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim cho biết: Hiện ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim đã giao 31.184,51ha rừng cho 1.147 hộ và 5 tập thể chăm sóc, quản lý theo hình thức chi trả dịch vụ môi trường rừng. Từ khi Nhà nước có chính sách giao rừng cho nhân dân địa phương quản lý, chăm sóc, diện tích rừng đã không còn bị xâm phạm nghiêm trọng như trước đây. Nhận thức quản lý, bảo vệ rừng trong nhân dân đã có sự chuyển biến rõ rệt. Các hộ đồng bào dân tộc người K’Ho luôn nghiêm chỉnh và làm tốt công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng, qua đó người dân có một nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Theo UBND huyện Lạc Dương, tình hình vi phạm pháp luật về rừng trong năm 2014 giảm mạnh cả về số vụ, diện tích và số lượng lâm sản. Số vụ vi phạm giảm 23 vụ, tỉ lệ giảm 16,64%; diện tích vi phạm giảm 12,50ha, tỉ lệ giảm 59,64%; lâm sản thiệt hại giảm 283,442m
3, tỉ lệ giảm 47,64%.
Đối với những người như K’Biên, Ha Beock, K’Breo… từ khi nhận quản lý, bảo vệ rừng chưa có một cái tết năm nào các anh được hưởng trọn vẹn bên gia đình nhưng đổi lại là sự bình yên của rừng thì còn vui hơn cả tết. Bởi với những người K’Ho giữ rừng ấy: “Niềm vui lớn nhất là hoàn thành nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ rừng; rừng bình yên thì mình cũng yên lòng”.
Diễm Thương