Những năm tháng không quên

09:03, 23/03/2015

40 năm trôi qua nhưng âm vang những ngày kháng chiến vẫn còn đó. Những người lính ở tuổi đôi mươi khi tham gia chiến trường Nam Trung bộ - Nam Tây Nguyên khói lửa năm xưa nay đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", song ký ức về những năm tháng oai hùng đó vẫn mãi sống như kỷ niệm theo suốt cuộc đời của những người lính năm xưa. 

40 năm trôi qua nhưng âm vang những ngày kháng chiến vẫn còn đó. Những người lính ở tuổi đôi mươi khi tham gia chiến trường Nam Trung bộ - Nam Tây Nguyên khói lửa năm xưa nay đã ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, song ký ức về những năm tháng oai hùng đó vẫn mãi sống như kỷ niệm theo suốt cuộc đời của những người lính năm xưa. 
 
Tiểu đoàn lá Bép
 
Cựu chiến binh Phùng Hưng
Cựu chiến binh Phùng Hưng
Tháng 4 về, chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Phùng Hưng - người Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 186 - tiểu đoàn chủ lực của Quân khu 6 (nay đã giải thể), đơn vị chủ công tiến về giải phóng Đà Lạt năm xưa. Đã ngoài 80 nhưng mỗi lần nhắc nhớ kỷ niệm về một thời gian khó mà oai hùng trong bom đạn, lòng người cựu binh già lại náo nức trong dòng chảy của kỷ niệm. 
 
Người tiểu đoàn trưởng năm xưa kể lại: “Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến trường khu VI nằm sâu trong vùng địch, nơi mà đất rộng, người thưa, xa sự chỉ đạo và chi viện của cấp trên. Trong khi tại đây, địch có nhiều phương tiện chiến tranh, hỏa lực và rất cơ động, lực lượng đông hơn ta gấp nhiều lần, bởi thế khu VI là chiến trường cực kỳ khó khăn, gian khổ và ác liệt”. Những năm ấy, một bộ phận của tiểu đoàn phải trực tiếp làm rẫy sản xuất trồng mỳ, bắp để có thêm lương thực. Vào những thời điểm địch càn quét, lùng sục, cả bộ đội và nhân dân phải tự tìm củ mài, củ sắn, rau rừng ăn thay cơm. Có khi cả tháng ròng không có lương thực, nhờ bà con mách bảo “bộ đội không có rau ăn, thì hái lá nhíp (cách mà bà con người dân tộc gọi lá bép) về mà ăn”. Từ đó, anh em đi hái lá bép về ăn thay cơm để hoạt động. “Còn sắn thì luộc lá bép ăn với sắn, hết sắn rồi thì vò nát nấu lên ăn, nhưng cũng ngon lắm”, ông Hưng cười nói. Việc đi hái lá bép cũng phải tiến hành khảo sát và khoanh chia khu vực cho từng đại đội. Sống nhờ lá Bép trong thời gian dài nên sau này tiểu đoàn mới có tên là “tiểu đoàn lá Bép”. Có hạt gạo, hạt muối nào thì để dành cho anh em bị thương, cho bà con khi bị bệnh. Những ngày chiến đấu xong anh em chia nhau đi đào củ nừng về ngâm nước làm thực phẩm. Có khi mắc võng nằm dưới rừng, thấy chim, sóc ăn quả gùi mà không chết, bộ đội cũng hái xuống ăn thử, thấy ăn được thì làm thức ăn lâu dài. “Sống trong rừng suốt những năm dài nên mới thấy rừng quý lắm”, ông Hưng khẳng định. Ông nhớ đến những trận đánh ác liệt diễn ra nhiều ngày liền, đến người những đồng đội không chỗ nào không vương bùn đất. Trong “mưa bom bão đạn”, anh em thống nhất một lòng, tiêu diệt kẻ thù để giành chiến thắng. Bộ đội ta ngày ẩn nấp, đêm đánh địch; địch bắn trả, ta tránh ở những gốc cây. Gian khổ thế mà bộ đội ta vẫn chiến thắng, tiêu diệt được cả binh sĩ trong Tiểu đoàn Trâu Điên - những tên lính cơ động và thiện chiến bậc nhất của quân lực Việt Nam Cộng hòa.
 
Tiểu đoàn trưởng “Tiểu đoàn lá Bép” năm xưa tự hào khoe “Tiểu đoàn của chúng tớ là một trong những tiểu đoàn “chủ lực, cơ động, thiện chiến, quyết chiến và quyết thắng” của chiến trường Cực Nam Trung bộ - Nam Tây Nguyên được Đảng và Nhà nước tuyên dương danh hiệu vẻ vang “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” năm 1978”. 
 
Cho đến hôm nay, khi đang sống những năm tháng tuổi già cùng con cháu ở thành phố mộng mơ, cựu chiến binh Phùng Hưng vẫn thường gặp gỡ anh em là chiến sỹ trong tiểu đoàn năm xưa và cùng họ nhắc nhở con cháu về những ngày bộ đội ta tiến về giải phóng thị xã Đà Lạt - một sào huyệt cuối cùng và rất quan trọng của địch ở Tây Nguyên.
 
Những thời khắc hào hùng
 
Cựu chiến binh Phạm Quang Ý
Cựu chiến binh Phạm Quang Ý
Cũng như người thủ trưởng năm xưa của mình, cựu chiến binh Phạm Quang Ý - nguyên Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 186 vẫn nhớ như in mùa hè năm 1965, tiểu đoàn tham gia chiến dịch tổng hợp mở màn ở tỉnh Lâm Đồng; liên tục đánh địch trên quốc lộ 20 với những trận đánh giành thắng lợi giòn giã. Trong hai ngày 25, 26/2/1967, Tiểu đoàn liên tiếp đánh nhiều trận, diệt địch tại đồi Nguyễn Khánh đến ấp chiến lược Số 5 (tây Di Linh) và đánh thiệt hại nặng 1 tiểu đoàn bảo an ở Xã Phú Hiệp, 1 đại đội quân Mỹ đổ bộ đường không ở nam Tam Bố (Di Linh). Rồi đến đợt tiến công vào Đà Lạt dịp Tết Mậu Thân 1968, suốt 14 ngày đêm liên tục đánh địch, tiểu đoàn đã đánh rất nhiều trận, trong đó điển hình là những trận đánh quyết liệt diễn ra tại tiểu khu Tuyên Đức, ở khu vực Đa Cát, đồi đất đỏ tại Đa Thành. Sau cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân, chỉ trong chưa đầy một tháng (từ ngày 6/3 đến ngày 4/4/1968) Tiểu đoàn liên tiếp đánh 3 trận lớn, giành thắng lợi giòn giã trên đường 21 đoạn từ cuối sân bay Liên Khương đến xã Thanh Bình, huyện Đức Trọng. Ngày 1/4/1975, Trung đoàn 812 chuẩn bị hướng tiến về Đà Lạt. 17 giờ ngày 2/4/ 1975, Trung đoàn và tiền phương của quân khu được nhân dân giúp đỡ, dùng thuyền bè đưa bộ đội vượt sông và dùng mọi loại xe đưa bộ đội đến thị trấn Tùng Nghĩa, quận lỵ Đức Trọng. Đến đây, Trung đoàn hình thành hai mũi tiến công. Mũi Tiểu đoàn 840 theo hướng dọc xuống Đơn Dương giải phóng quận lỵ Dran - Đơn Dương và làm nhiệm vụ chặn địch rút chạy từ Đà Lạt về Phan Rang. Tiểu đoàn 186 đã tiến công giải phóng Đà Lạt. 
 
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Hải - từng là chiến sỹ Đại đội 1, Tiểu đoàn 186 nay là Phó ban Kiểm tra, Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng. Người con của mảnh đất Hưng Yên ngọt ngào hương vị nhãn lồng quyết định gắn bó cả đời mình với thành phố cao nguyên. Những năm tháng về giải phóng Đà Lạt vẫn còn sống mãi trong ông như chuyện của mới hôm qua. “Thật không có gì sung sướng bằng thấy lá cờ Việt Nam tung bay lúc ấy” - ông Hải bồi hồi. Dòng ký ức lại hiện về rõ mồn một, ông kể “Đúng 7 giờ ngày 3/4 năm 1975, bộ phận đi đầu của Tiểu đoàn 186 đã đến tòa hành chính ngụy tỉnh Tuyên Đức. Đến khoảng 8 giờ 20 phút cùng ngày, cờ cách mạng tung bay tại cơ quan đầu não của ngụy quyền tỉnh và thị xã Đà Lạt, tỉnh Tuyên Đức đã hoàn toàn giải phóng. Sau đó Trung đoàn 812 để Tiểu đoàn 186 ở lại Đà Lạt cùng với lực lượng địa phương truy quét tàn quân và bảo vệ những mục tiêu quan trọng”.
 
 Cựu chiến binh Nguyễn Viết Hải
Cựu chiến binh Nguyễn Viết Hải
 
Cờ đã tung bay nhưng kẻ thù vẫn chưa đi hết, người cựu chiến binh tiếp tục kể: “Do sự xúi giục của bọn phản động nên sau khi tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Tuyên Đức và thành phố Đà Lạt được giải phóng, bọn tàn quân và bọn Fulrô chạy vào rừng. Chúng tụ tập lại, lập căn cứ và chống lại quân cách mạng quyết liệt. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tiểu đoàn 186 trở thành tiểu đoàn bộ đội địa phương của tỉnh Lâm Đồng. Anh em Tiểu đoàn 186 lại tiếp tục cùng với các lực lượng khác của địa phương liên tục truy quét tàn quân FULRO ở vùng sâu vùng xa của tỉnh Lâm Đồng cho đến khi giải quyết cơ bản lực lượng này vào năm 1987”. 
 
Lâm Đồng và Tuyên Đức được giải phóng, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực tiếp tục tiến công địch, mở thông quốc lộ 1 và quốc lộ 20 cho các binh đoàn lớn của ta hành quân đánh chiếm đông bắc Sài Gòn, làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
 
Thật không dễ để phác họa hết một hành trình đầy gian khó, chồng chất máu xương và những hy sinh không lời, song vô cùng vẻ vang, chói lọi của những người lính Tiểu đoàn 186 anh hùng năm xưa. Và chính những câu chuyện, những hồi ức của những người một thời cầm súng ấy đã phần nào gợi lại lịch sử với hình ảnh sống động, chân thực nhất.
 
NGỌC NGÀ