Niềm vui chợ nông thôn mới

08:03, 12/03/2015

Hàng loạt khu chợ thực phẩm tươi sống được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) đã thay thế những khu chợ buôn bán tạm bợ, lấn chiếm vỉa hè trước đây. 

Hàng loạt khu chợ thực phẩm tươi sống được đầu tư từ nguồn vốn của Dự án cạnh tranh chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) đã thay thế những khu chợ buôn bán tạm bợ, lấn chiếm vỉa hè trước đây. Điều này không chỉ góp phần vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn làm thay đổi diện mạo nông thôn mới (NTM). Tại huyện Bảo Lâm, trong thời gian qua đã có 3 khu chợ LIFSAP được đưa vào hoạt động. Tuy chỉ mới hoạt động một thời gian ngắn nhưng cả 3 khu chợ đã tạo được lòng tin và niềm vui cho cả tiểu thương và người tiêu dùng.
 
Một góc chợ mới Lộc Thành
Một góc chợ mới Lộc Thành

Lộc Thành, Lộc An và Lộc Quảng là 3 xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm được đầu tư xây dựng khu chợ thực phẩm tươi sống từ nguồn vốn LIFSAP. Chỉ sau một thời gian ngắn đi vào hoạt động, 3 khu chợ này đã nhận được sự đồng thuận rất cao từ phía người dân và các hộ tiểu thương. Bởi lẽ, trước đây, mọi hoạt động buôn bán đều diễn ra ở lề đường, vừa mất an toàn giao thông vừa không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. 
 
Chị Ngô Thị Nguyệt, tiểu thương kinh doanh tại chợ Lộc Thành, cho biết: “Trước đây, khi chưa có chợ thì việc kinh doanh buôn bán gặp rất nhiều khó khăn vì hàng hóa được bán ngay ở lề Quốc lộ 55. Người mua, kẻ bán tràn ra cả đường gây cản trở giao thông. Không chỉ vậy, từ thịt, cá cho đến rau, củ đều bày bán dưới lề đường. Những hôm trời mưa gió, chị em bán hàng rất cực khổ vì vừa phải chạy mưa vừa phải che đậy hàng hóa. Từ khi chợ Lộc Thành đưa vào sử dụng, các tiểu thương vào đây kinh doanh rất thuận lợi. Quầy sạp được bố trí rộng rãi và sạch sẽ, nên cả người mua lẫn người bán rất an tâm về vấn đề vệ sinh”. Còn đối với tiểu thương Phan Thị Thư, do may mắn bốc thăm trúng quầy sạp nằm ngay mặt tiền của chợ Lộc Thành, nên việc buôn bán rất tốt. Chị bày tỏ: “Được vào kinh doanh ở một khu chợ như thế này là niềm mơ ước không chỉ riêng tôi. Khi vào đây kinh doanh, ngoài 300 ngàn đồng/tháng phải đóng để chi cho điện, nước, bảo vệ và dọn dẹp vệ sinh, các tiểu thương không phải đóng chi phí thuê mặt bằng. Mặt bằng kinh doanh thoáng mát, rộng rãi nên chị em trong chợ còn góp tiền mua chung một cái ti vi để cùng nhau xem phim ảnh hay tin tức thời sự những lúc rảnh rỗi”. 
 
Chợ đi vào hoạt động là niềm vui lớn của các tiểu thương và người tiêu dùng. Không chỉ vậy, công tác an ninh trật tự tại khu vực buôn bán cũng chuyển biến tích cực hơn so với chợ vỉa hè như trước đây. Ông Võ Nguyên Thắng, Công an viên kiêm quản lý chợ Lộc Thành, cho biết: “Tuy mới đưa vào sử dụng hơn nửa năm nay, nhưng chợ thực phẩm tươi sống Lộc Thành hoạt động khá quy củ và hiệu quả. Ngoài công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự và giữ vệ sinh tại khu vực buôn bán, Ban quản lý chợ cũng thường xuyên phối hợp với ngành chức năng của xã tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh khu vực xung quanh chợ vào kinh doanh trong chợ. Đến nay, hầu hết các hộ kinh doanh đã vào chợ, nên công tác đảm bảo an toàn giao thông, giữ gìn an ninh trật tự được thực hiện tốt hơn. Cảnh buôn bán nhếch nhác, lấn chiếm lòng lề đường không còn nữa”. 
 
Chợ nông thôn là một trong các tiêu chí xây dựng NTM của các xã. Tuy nhiên, huyện Bảo Lâm xác định không xây dựng ồ ạt chợ nông thôn mà phải dựa vào nhu cầu thực tế của từng địa phương để tránh lãng phí. Ông Vương Khả Kim, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm, cho biết: “Ba chợ được đầu tư từ Dự án LIFSAP vừa qua đã góp phần rất lớn vào việc hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM của các xã nói trên và làm hạn chế tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán. Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đến nay, tất cả các xã đều đã lập quy hoạch xây dựng chợ. Tuy nhiên, quan điểm của huyện Bảo Lâm là xây dựng chợ phải phù hợp với nhu cầu thực tế và phải có lộ trình phù hợp với từng xã. Chẳng hạn như xã Lộc Ngãi, năm 2015, sẽ hoàn thiện các tiêu chí để được công nhận là xã NTM. Tuy nhiên, do xã nằm gần chợ trung tâm huyện nên không nhất thiết phải xây dựng chợ nông thôn. Do đó, đối với xã Lộc Ngãi và một số xã khác, do không có nhu cầu xây chợ, nên huyện sẽ báo cáo với tỉnh để có sự điều chỉnh về tiêu chí xây dựng NTM cho phù hợp.
 
Theo thiết kế, mỗi khu chợ được đầu tư bằng nguồn vốn của Dự án LIFSAP gồm 32 quầy sạp (4m2/sạp); trong đó, có 20 quầy bán thịt, 12 quầy bán thủy hải sản và khu vực bán rau, củ. Toàn bộ khu chợ được trang bị hệ thống điện, nước tới từng quầy, sạp. Hệ thống mương thoát nước, xử lý rác thải và nhà vệ sinh cũng được đầu tư hoàn chỉnh. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng một chợ thực phẩm tươi sống là 1 tỷ 656 triệu đồng. Ông Hoàng Sỹ Bích, Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Lâm Đồng, cho biết: “Lâm Đồng là 1 trong 12 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai Dự án LIFSAP trong thời gian 5 năm từ 2010 - 2015. Tổng số vốn triển khai là 95,3 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 21/ 26 chợ LIFSAP (với hơn 1.000 quầy, sạp) đi vào hoạt động. Việc đầu tư các khu chợ LIFSAP đã góp phần rất lớn vào việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là đối với các sản phẩm từ chăn nuôi. Đây là một trong những mục tiêu mà Dự án LIFSAP hướng tới nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất cho người chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ hoạt động chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ gia súc, gia cầm. Dự án cũng hướng đến mục tiêu hình thành chuỗi liên kết sản phẩm chăn nuôi từ chuồng trại đến cơ sở giết mổ và chợ thực phẩm tươi sống.
 
ĐÔNG ANH