Thôn 10, xã Hòa Nam (huyện Di Linh) gồm có 100 hộ dân từ các tỉnh Hòa Bình, Bến Tre, Nam Định… đến lập nghiệp. Trong đó, Bản Mường có 30 hộ, đều là người dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hòa Bình. Niềm vui lớn đến với Bản Mường, là chỉ hơn 20 năm mà đời sống của người dân ở đây đã có những đổi thay đáng kể.
Thôn 10, xã Hòa Nam (huyện Di Linh) gồm có 100 hộ dân từ các tỉnh Hòa Bình, Bến Tre, Nam Định… đến lập nghiệp. Trong đó, Bản Mường có 30 hộ, đều là người dân tộc Mường, đến từ tỉnh Hòa Bình. Niềm vui lớn đến với Bản Mường, là chỉ hơn 20 năm mà đời sống của người dân ở đây đã có những đổi thay đáng kể. Có người bảo rằng, những đổi thay đó có lẽ phải diễn ra dài hơn cả một đời người, nếu như còn ở quê cũ.
|
Bà con Bản Mường trong niềm vui ngày hội |
Chúng tôi vừa có dịp trở lại Bản Mường vào một ngày đầu xuân Ất Mùi, khi bà con vừa đón xong Tết Nguyên đán. Gọi là “bản”, nhưng thực ra bà con sinh sống không tập trung như một “cụm” dân cư, mà mỗi gia đình có một khu đất sản xuất riêng (nhà gắn với vườn). Lúc này, bà con ở Bản Mường hơi vắng. Khi hỏi, chúng tôi mới biết, giá như không gặp nắng hạn thì có lẽ bà con nghỉ tết thêm vài hôm nữa rồi mới ra đồng. Thế nhưng, tiết trời năm nay khắc nghiệt, do hạn hán kéo dài, bà con chỉ mới nghỉ tết được vài hôm, phải tiếp tục ra đồng chống hạn cho cây trồng (chủ yếu là cây cà phê). Theo Bí thư Chi bộ thôn 10 Đinh Công Hùng (người dân ở Bản Mường): Bà con trong Bản, ai cũng sinh sống chủ yếu nhờ vào cây cà phê. Gia đình nào ít thì có gần 1ha; còn gia đình nào nhiều thì có đến 4ha. Do điều kiện đất đai đồi dốc, thủy lợi nhờ vào tự nhiên rất khó khăn, nên nhà nào trong Bản cũng tự khoan giếng để chủ động bơm nước chống hạn cho cây trồng. Cà phê đã đến thời kỳ trổ bông, nếu không kịp thời tưới đủ nước thì trái sẽ rụng, dẫn đến mất mùa!
Chi bộ thôn 10 đạt TSVM nhiều năm liền. Chi bộ hiện có 8 đảng viên; trong đó, có 7 đảng viên là người dân ở Bản Mường. Đây chính là điều khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ cơ sở đối với đời sống và sự đổi thay của người dân ở Bản Mường. |
Gia đình Bí thư Chi bộ Đinh Công Hùng chỉ có 1,5ha cà phê; nhưng nhờ đầu tư thâm canh, nên hàng năm thu hoạch được 7 - 10 tấn nhân. Gia đình Trưởng thôn 10 Đinh Công Tiến (cũng là người dân Bản Mường) chỉ có 1,5ha cà phê, sản lượng hàng năm đạt xấp xỉ trên dưới 7 tấn. Còn gia đình có kinh tế khá giả nổi trội trong Bản Mường là cựu chiến binh Đinh Công Chức (trước đây là Bí thư Chi bộ thôn, hiện nay là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 10). Hiện, gia đình anh Chức đang sở hữu 4ha cà phê, nhiều nhất ở Bản Mường. Nhờ diện tích cà phê này, gia đình anh lo đủ cho các con học hành thành đạt và có tích lũy xây dựng nhà cửa khang trang… “Bà con Bản Mường rất chịu khó làm ăn; đặc biệt, cán bộ đều gương mẫu, đầu tàu, nên đời sống của bà con khá đồng đều. Hiện nay, ở Bản Mường không còn hộ nghèo; hầu hết bà con đều xây nhà cấp 4 trở lên” - Trưởng thôn Đinh Công Tiến trao đổi.
Trong Bản Mường tuy chỉ có 30 hộ dân, nhưng hầu hết các thế hệ cán bộ ở thôn 10 đều là người dân ở Bản Mường. Riêng khóa đương nhiệm, cán bộ thôn 10 (từ Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Trưởng Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể trong thôn) hầu hết đều là người dân ở Bản Mường gánh vác. Người dân ở đây biết đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống; tích cực, cần cù, chịu khó làm ăn và cũng rất siêng năng, nhiệt tình lo toan các công việc xã hội tại địa phương. Họ không nề hà, né tránh bất cứ việc gì khi bà con trong thôn, trong Bản Mường tín nhiệm giao nhiệm vụ. Bản Mường hiện là một “cụm dân cư” nổi trội nhất của thôn 10, không chỉ về kinh tế, mà cả về các hoạt động văn hóa, xã hội. Trên quê hương mới, Bản Mường hiện vẫn duy trì được nét văn hóa riêng có của dân tộc Mường, như ném còn, bắn nỏ, mùa xòe, hát đối… Vào dịp tết hoặc mỗi khi địa phương (huyện, xã, thôn) có lễ hội, bà con ở Bản Mường luôn sẵn sàng tham gia để góp sức chung vui.
Qua trò chuyện, trao đổi với bà con ở Bản Mường, chúng tôi được biết, ngoài sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng và Nhà nước ở địa phương, còn có vai trò đóng góp của Già làng Đinh Công Tích. Ban đầu, khi mới đến đây lập nghiệp, gia đình ông có 6 người con. Nhờ chịu khó và biết cách làm ăn, hiện giờ, các con của ông đều trưởng thành và đã có cuộc sống khá giả. Bên cạnh việc gương mẫu, tích cực trong lao động sản xuất, ông và các con đều hăng hái tham gia công tác tại địa phương. Tuy đã tuổi 75, ông Đinh Công Tích hiện vẫn còn được tín nhiệm làm Trưởng Bản Mường, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi xã Hòa Nam. Ông chia sẻ: Tết năm nay bà con ở Bản Mường vui lắm. Và, cái vui nhất là Bản Mường hiện không có tệ nạn xã hội, không ai vi phạm pháp luật và không còn ai nghèo đói…
Tạm biệt Bản Mường, trên đường về, tôi nhớ đến lời chúc của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Sĩ Sơn, khi đến dự Ngày hội Đại đoàn kết các dân tộc tại thôn 10 (vào ngày 18/11/2014, nhân kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam): “Điều đầu tiên, tôi rất vui khi nhìn thấy trên mỗi khuôn mặt của bà con ở đây đều rạng ngời những niềm vui. Điều đó, tôi khẳng định chắc chắn rằng, cuộc sống của bà con đã khá no đủ, hạnh phúc…”. Và bên cạnh niềm vui đó, trong tôi còn đọng lại một chút ưu tư, khi nhớ đến đôi điều mà bà con Bản Mường gởi gắm: “Khi viết, nhà báo nhớ nêu thêm cái khó ở địa phương nhé và cố gắng viết như thế nào để giúp cho bà con chúng tôi có được con đường nhựa vào thôn 10. Vì quanh năm hai mùa mưa nắng, người dân ở đây đi lại khó khăn, vất vả!”.