Lâm Đồng đang đẩy mạnh việc kiểm soát thủ tục hành chính, nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, loại bỏ những bất hợp lý, giảm thời gian, công sức và chi phí cho người dân.
Lâm Đồng đang đẩy mạnh việc kiểm soát thủ tục hành chính, nỗ lực đơn giản hóa các thủ tục, loại bỏ những bất hợp lý, giảm thời gian, công sức và chi phí cho người dân.
Rà soát để đơn giản hóa thủ tục hành chính
Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, tính đến đầu năm 2015, tổng số thủ tục hành chính (TTHC) đã được công bố, công khai thực hiện trên địa bàn Lâm Đồng là 1.516 thủ tục, trong đó thực hiện tại các sở, ban, ngành là 1.133 thủ tục; cấp huyện, thành là 247 thủ tục và cấp xã, thị trấn là 136 thủ tục.
Để đơn giản hóa TTHC, trong năm 2014, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề ra 9 nhóm TTHC cần được rà soát, tập trung vào những TTHC có liên quan nhiều đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân trong các lĩnh vực như kế hoạch đầu tư, xây dựng, đất đai, tư pháp, y tế, giáo dục đào tạo… Thông qua việc rà soát, các TTHC sẽ được loại bỏ những bất hợp lý, giảm bớt thời gian, chi phí cho người dân, tổ chức khi thực hiện. Sở Tư pháp Lâm Đồng cùng Sở Nội vụ Lâm Đồng trong năm 2014 đã thành lập đoàn kiểm tra về cải cách hành chính (CCHC) và kiểm soát TTHC tại 5 sở và 6 huyện, thành trong tỉnh, gồm Lâm Hà, Lạc Dương, Bảo Lâm, Đam Rông, Đà Lạt và Bảo Lộc. Tại mỗi địa phương, đoàn còn tiến hành kiểm tra tại một xã. Riêng Sở Tư pháp còn trực tiếp kiểm tra công tác kiểm soát TTHC tại 3 sở (Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải và Sở Kế hoạch đầu tư) cùng 6 huyện trong tỉnh. Qua kiểm tra, các ngành chức năng tỉnh đã phát hiện một số sai sót cơ bản trong thực hiện công tác CCHC tại các đơn vị. Cụ thể, có một số xã thực hiện việc công khai TTHC chưa đúng qui định, chưa cập nhật kịp thời các TTHC do tỉnh công bố. Tại một số huyện, số lượng TTHC thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông còn thấp. Nhiều đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy trình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; vẫn còn trường hợp lưu hồ sơ ngoài quy định; chưa cập nhật đầy đủ, kịp thời các hồ sơ vào sổ theo dõi; chưa lưu giấy biên nhận hồ sơ trong hồ sơ giải quyết; việc kiểm soát, rà soát văn bản qui phạm pháp luật chưa được xử lý đúng qui định. Đoàn kiểm tra đã đề xuất giải pháp với các đơn vị để kịp thời giải quyết các tồn đọng.
|
Giải quyết TTHC tại UBND xã Hiệp Thạnh, Đức Trọng |
Theo Sở Tư pháp Lâm Đồng, việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC tại hầu hết các cơ quan, đơn vị trong tỉnh hiện nay đã thực hiện đúng qui định. Trong năm 2014, tổng số hồ sơ đã tiếp nhận trong toàn tỉnh là 645.969, đã giải quyết 640.230 hồ sơ (trong đó có 638.279 hồ sơ giải quyết đúng hạn - đạt 99,6%), có 1.951 hồ sơ giải quyết quá hạn. Trong số 5.739 hồ sơ còn lại đang tiếp tục giải quyết, trong đó có 5.076 hồ sơ chưa đến hạn và 663 hồ sơ đã quá hạn. Nhìn chung, hầu hết các cơ quan, đơn vị đã làm tốt quy trình tiếp nhận hồ sơ, lập sổ theo dõi, có giấy biên nhận hồ sơ, có hẹn ngày trả kết quả cụ thể. Nhiều đơn vị thực hiện qui trình kiểm soát hồ sơ khá chặt chẽ, từ khâu tiếp nhận đến khâu trả kết quả nên tổ chức rất tốt việc theo dõi, giám sát quá trình giải quyết TTHC. Tuy nhiên, vẫn còn một số TTHC mang tính đặc thù nên quá trình giải quyết của các đơn vị còn trễ hẹn với dân. Trong năm 2014, các cơ quan chức năng tỉnh đã tiếp nhận một số ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân trên địa bàn Đức Trọng và TP Đà Lạt về sự chậm trễ trong giải quyết TTHC liên quan đến đất đai, những trường hợp trên sau đó đã được 2 địa phương này giải quyết dứt điểm. Công tác truyền thông hỗ trợ hoạt động kiểm soát TTHC cũng được tăng cường. Sở Tư pháp trong năm 2014 đã in 20 nghìn tờ gấp tuyên truyền 5 nội dung TTHC trong lĩnh vực tư pháp có liên quan trực tiếp đến mọi người dân như đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh cấp phát rộng rãi trong tỉnh, trong đó có địa chỉ liên lạc cụ thể để mọi người có thể đóng góp ý kiến của mình với cơ quan chức năng.
Trách nhiệm “phục vụ nhân dân”
Theo kế hoạch hoạt động kiểm soát TTHC của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành trong năm 2015, có 6 nhóm TTHC cần được rà soát trong năm nay, bao gồm lĩnh vực thu hút đầu tư; các quy định liên quan về hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh thuốc trong y tế; các vấn đề liên quan đến thủ tục giao đất, cho thuê đất, đăng ký biến động quyền sử dụng đất; thủ tục liên quan đến nâng cấp đô thị, thành lập thành phố thuộc tỉnh, thành lập xã, phường, thị trấn; quy định liên quan đến thỏa thuận quy hoạch, thiết kế đô thị, cấp phép xây dựng công trình nhà ở và nhóm TTHC trong lĩnh vực giao thông vận tải. Các nhóm thủ tục này cần được rà soát lại toàn diện về sự cần thiết, tính hợp lý, hợp pháp cũng như chi phí để thực hiện TTHC; rà soát lại các mẫu đơn, mẫu tờ khai, các yêu cầu, điều kiện để thực hiện các TTHC trên.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần đảm bảo TTHC được công bố, công khai kịp thời, niêm yết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình một cách đầy đủ tại nơi tiếp nhận và trả kết quả, tạo điều kiện tốt nhất cho các cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát quá trình giải quyết TTHC. Mục tiêu lớn nhất của công tác kiểm soát TTHC đặt ra chính là kiểm soát việc ban hành TTHC và các quy định hành chính của tỉnh ngay từ khâu dự thảo thông qua đánh giá tác động và tính toán chi phí tuân thủ nhằm tập trung ban hành TTHC thực sự cần thiết, đơn giản, dễ áp dụng. Thông qua rà soát, cần đánh giá lại các TTHC, đưa ra phương án đơn giản hóa hồ sơ giấy tờ, rút ngắn qui trình xử lý, giảm tối đa thời gian thực hiện.
Để tăng cường công tác CCHC, UBND tỉnh yêu cầu cán bộ công chức phải thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm “phục vụ nhân dân” trong giải quyết TTHC, tạo sự hài lòng cho người dân; kịp thời tiếp nhận và xử lý phản ánh kiến nghị của người dân về TTHC, đặc biệt với những phản ánh về hành vi chậm trễ, nhũng nhiễu, gây phiền hà của cán bộ công chức trong thực hiện TTHC.
Gia Khánh