Rừng đang bị thu hẹp

10:03, 11/03/2015

Lâm Đồng là một trong số các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng dẫn đầu cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Chỉ thị 41-CT/TU  ngày 30/9/2008 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng" - (gọi tắt là Chỉ thị 41). Thực tế cho thấy, sau 6 năm kể từ khi thực hiện chỉ thị này, mặc dù tình trạng phá rừng có giảm so với trước nhưng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. 

Lâm Đồng là một trong số các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng dẫn đầu cả nước. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Chỉ thị 41-CT/TU  ngày 30/9/2008 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng” - (gọi tắt là Chỉ thị 41). Thực tế cho thấy, sau 6 năm kể từ khi thực hiện chỉ thị này, mặc dù tình trạng phá rừng có giảm so với trước nhưng diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp. 
 
Đánh giá việc thực hiện Chỉ thị 41 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, báo cáo của UBND tỉnh nêu: Qua 6 năm triển khai Chỉ thị 41, công tác quản lý, bảo vệ rừng của tỉnh còn bộc lộ những bất cập, yếu kém; nhiều mục tiêu đề ra trong chỉ thị thực hiện chưa đạt so với yêu cầu; rừng tiếp tục bị lấn chiếm, bị phá, diễn ra ở một số nơi nghiêm trọng. Điều này dẫn tới tổng diện tích rừng giảm đáng kể so với trước đây. 
 
Những “điểm nóng” vi phạm
 
Thông bị hạ gục trên đường 723
Thông bị hạ gục trên đường 723
Có thể điểm qua một số địa bàn trọng điểm có tình trạng phá rừng trái phép với mức độ nghiêm trọng trong thời gian qua. Đơn cử như các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đông người phá rừng trái phép trên lâm phần cho các doanh nghiệp thuê đất để thực hiện dự án đầu tư tại huyện Bảo Lâm với diện tích lên đến 163ha. Diện tích này đến nay đã được giải tỏa, giao lại cho doanh nghiệp để trồng rừng, trồng cây cao su. Hay tình trạng phá rừng, vận chuyển lâm sản trái phép tại các vùng rừng giáp ranh giữa huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm; qua kiểm tra, truy quét đã phát hiện 67 vụ vi phạm, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan. Đặc biệt, vụ phá rừng tại tiểu khu 737A, 737B ở xã Sơn Điền, Gia Bắc, huyện Di Linh với khối lượng gỗ bị thiệt hại 514m 3. Nhiều người đặt câu hỏi đối với vụ phá rừng nổi cộm tại vùng giáp ranh giữa huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên vào thời điểm cuối năm 2014, là tại sao đối tượng phá rừng lại ngang nhiên dùng xe cơ giới ủi đường để tiến hành chặt hạ trái phép 300m3 gỗ tự nhiên thuộc các loại gỗ từ nhóm II đến nhóm VIII nhưng chính quyền địa phương và chủ rừng không phát hiện, kịp thời ngăn chặn. Tương tự, tình trạng phá rừng còn diễn ra tại một số tiểu khu thuộc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà, khu vực giáp ranh giữa huyện Di Linh, Đức Trọng và huyện Bắc Bình - Bình Thuận. 
 
Diện tích rừng thu hẹp
 
Lâm Đồng có tổng diện tích tự nhiên 977.219ha, trong đó có 596.671ha được quy hoạch 3 loại rừng bao gồm: rừng đặc dụng 84.778ha, chiếm 14%; rừng phòng hộ 173.730ha, chiếm 29% và rừng sản xuất 338.163ha, chiếm 57%. Nhiều năm qua, rừng Lâm Đồng đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, điều tiết nguồn nước các sông suối, hồ trên địa bàn và khu vực Đông Nam Bộ. Với diện tích và vị thế của rừng nơi đầu nguồn; sự đa dạng sinh học là nhân tố giữ gìn môi trường, cảnh quan thiên nhiên, khí hậu quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển du lịch, dịch vụ và các ngành kinh tế khác, do đó việc bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm. Song thực tế công tác quản lý bảo vệ còn nhiều bất cập, hạn chế dẫn đến diện tích rừng ngày một bị thu hẹp so với trước đây. Theo thống kê, trong vòng 6 năm qua, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện, lập biên bản 13.025 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng. Tuy có giảm so với giai đoạn trước khi có Chỉ thị 41 của Tỉnh ủy, song tình trạng phá rừng, ken cây rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn còn diễn ra khá gay gắt ở một số địa phương với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp mà chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để. Vì vậy, trong số trên 13 ngàn vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó có 3.330 vụ phá rừng trái phép trong 6 năm đã gây thiệt hại hơn 1.353ha rừng. 
 
Tại hội nghị tổng kết Chỉ thị 41 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Đoàn Văn Việt đặt câu hỏi đối với các cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương vì sao độ che phủ rừng từ trên 60% nay còn 52%. Ngoài diện tích rừng giao cho các dự án, gần 30 ngàn ha rừng bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, sử dụng sai mục đích. Điều này đặt ra trách nhiệm quản lý địa bàn của lực lượng kiểm lâm, chủ rừng và các địa phương để mất rừng. Qua đó, Chủ tịch Đoàn Văn Việt nhấn mạnh: Cần kiên quyết với đối tượng làm ngơ, tiếp tay cho việc lấn chiếm đất rừng, và nếu có sự thông đồng, cấu kết trong các vụ phá rừng phải điều tra xử lý triệt để. Bởi không ai có thể xây vách ngăn rừng với đất sản xuất, nên trong thời gian tới cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia bảo vệ rừng một cách hiệu quả mà trách nhiệm thuộc về người đứng đầu cấp ủy, chủ rừng, kiểm lâm.
 
Hơn 60 vụ chống người thi hành công vụ
 
Thống kê từ tháng 10/2008 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 62 vụ chống người thi hành công vụ tại các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Di Linh, Đức Trọng, Lâm Hà, Đơn Dương, Lạc Dương và thành phố Bảo Lộc. Qua đó, cơ quan chức năng đã tiến hành điều tra, xử lý hình sự 18 vụ với 44 đối tượng, còn lại xử lý hành chính. Theo nhận định của cơ quan chức năng, tình hình chống người thi hành công vụ trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng có những diễn biến phức tạp, các đối tượng vi phạm bất chấp pháp luật và dùng mọi thủ đoạn có thể để chống trả lực lượng thi hành công vụ, thậm chí dùng hung khí đe dọa, tấn công lực lượng quản lý bảo vệ rừng. Điển hình là vụ chống người thi hành công vụ khiến một cán bộ kiểm lâm hy sinh diễn ra tại huyện Đạ Tẻh vào ngày 28/12/2014.

HỒ XUÂN TRUNG