Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi ấy không chỉ có màu xanh của biển, của trời mà còn có cả màu xanh cây lá. Màu xanh ấy là kết tinh từ công sức, tấm lòng và tình yêu của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã dành một phần cuộc đời mình cống hiến cho biển đảo quê hương.
Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi ấy không chỉ có màu xanh của biển, của trời mà còn có cả màu xanh cây lá. Màu xanh ấy là kết tinh từ công sức, tấm lòng và tình yêu của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ đã dành một phần cuộc đời mình cống hiến cho biển đảo quê hương.
Người đầu tiên chiết thành công cây bàng vuông
Chúng tôi gặp đại tá Bùi Hải Phước, Phó Lữ đoàn trưởng - Tham mưu trưởng - Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân trong chuyến công tác cuối năm 2014 ra quần đảo Trường Sa. Đi giữa những hàng cây xanh mướt trên đảo Trường Sa Lớn, vị đại tá hơn 30 năm quân ngũ đã tâm tình về những kỷ niệm gắn với màu xanh trên đảo.
Năm 1998, đại tá Bùi Hải Phước đang là Chỉ huy phó ở đảo Sinh Tồn Đông. Cả đảo Sinh Tồn Đông lúc bấy giờ chỉ có một cây bàng vuông duy nhất ở cạnh cột mốc chủ quyền. Phi lao trồng quanh đảo thì ngày càng héo quắt vì sóng gió. Nhiều loài cây mang từ đất liền ra đảo sau chặng đường kéo dài cả tháng ròng trên biển cũng mất hết khả năng sinh tồn. Đảo trơ khốc một màu san hô; cái mặn, cái nắng càng thêm bỏng rát. Nơi ấy khắc nghiệt tới mức, có nhạc sỹ đã viết rằng “Nắng Trường Sa đốt cháy thịt da, đốt lá phong ba, lá bàng thành màu hoa gạo”. Lòng người chỉ huy cũng trăn trở băn khoăn!
Vào mùa mưa trên Trường Sa Đông năm 1998, sau khi trằn trọc suy nghĩ “Trong đất liền, nhiều loài cây đã được chiết trồng thành công, tại sao một cây có sức sống mãnh liệt như cây bàng vuông lại không thể chiết được? Nghĩ là làm, vị chỉ huy đã mày mò cắt chiết những nhánh bàng đầu tiên”. Ông vận dụng kỹ thuật chiết như chiết gốc chanh ở nhà, lấy lá cây trộn đất và bó bằng bao gai quanh đoạn thân cây chọn chiết. Đợi ba tháng sau cưa xuống và cắm trồng xuống đất. Không ngờ, những đoạn cây ấy được chăm bẵm kỹ càng đã bắt đầu nhú mầm. Đại tá Phước vẫn bồi hồi như 16 năm về trước, ông nói “Cả đơn vị lúc đó ngóng từng chuyển biến của cây; nhìn thấy mỗi mầm cây nhú ra, mỗi màu xanh lấp ló là anh em vui như thắng trận trở về”. Hiện nay, ở Sinh Tồn Đông vẫn còn cây mẹ cùng ba cây bàng vuông ông chiết, mang lại màu xanh cho đảo. Năm 1999, ông Phước được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng của đảo. Đến năm 2000, việc chiết cây được nhân rộng lên ở Sinh Tồn Đông. Ngoài cây bàng vuông, các cán bộ, chiến sĩ ở đây còn chiết trồng thêm cây tra. Năm 2001, ông rời đảo, mang theo một kỷ niệm rất sâu sắc về sắc xanh cho hòn đảo đầu tiên đại tá Phước được phân công thực thi nhiệm vụ. Ngày nay, nhiều loại cây mới cũng được mang đến đảo, nhưng bốn cây bàng vuông, trong đó có ba cây do chính tay ông chiết trồng vẫn thắm xanh, vẫn in hình kỷ niệm của người đảo trưởng năm ấy.
|
Thượng tá Phạm Văn Hòa ở đảo Trường Sa Lớn tự tay trồng và chăm sóc cây bàng vuông |
Giữ màu xanh cho đảo
Cũng bắt đầu từ năm 1998, người nọ truyền người kia, cán bộ lâu năm dạy người mới đến, việc chiết cây để trồng lan rộng ra toàn bộ quần đảo Trường Sa. Để giờ đây, tại hầu hết các đảo cấp 1, 2, 3 ở Trường Sa đều thắm sắc bàng vuông, phong ba, bão táp. Trồng cây phủ xanh đảo là tình yêu và trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sỹ.
Ở đảo Trường Sa Lớn, việc phủ xanh đảo đã được chỉ huy đảo quan tâm chỉ đạo từ nhiều năm nay. Đến nay, trên toàn đảo có hàng ngàn cây xanh các loại. Riêng năm 2014, có gần 300 cây xanh được trồng mới.
Dịp Tết trồng cây (Mồng 5 Tết Ất Mùi) này, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân và các lực lượng trên đảo Trường Sa Lớn đã trồng thêm 100 cây tra và bàng vuông. Nguồn cây được chiết sẵn từ 50 ngày trước, sau khi chỉ huy đảo kiểm tra về chất lượng thì được cắt đem trồng đợt này.
Việc trồng cây ở Trường Sa rất khó thành công, nhưng tất cả chiến sỹ ai cũng muốn trồng thành công, vì đó như là một kỷ niệm với đảo. Trồng sau một tháng chỉ huy đảo sẽ nghiệm thu, nếu cây sống mới được xem là hoàn thành nhiệm vụ.
Thượng úy Hoàng Đức Thắng - cán bộ Trạm Định vị vệ tinh ở Trường Sa Lớn, người chuyên chiết cây bàng vuông tâm sự: “Mình đam mê trồng cây từ nhỏ, cũng mát tay chiết ghép nên được chỉ huy đảo giao hẳn cho nhiệm vụ này. Những năm gần đây, việc chiết ghép cây được thực hiện thường xuyên, không nhớ nổi đã có bao nhiêu cây được chiết”. Chiết cây cho đồng đội trồng, dường như anh Thắng cũng thấy hạnh phúc, anh tâm tình “Mỗi năm màu xanh trên đảo lại càng nhiều, thấy cây con - những đứa con tinh thần của mình đâm chồi ra lá, thấy hạnh phúc thật nhiều”. Giữa biển khơi nhìn về Trường Sa Lớn như một công viên xanh nổi lên giữa màu xanh của biển. Đó là kết tinh từ công sức, tấm lòng và tình yêu của bao thế hệ cán bộ, chiến sỹ trên đảo.
Thượng tá Phạm Văn Hòa - Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa Lớn cho rằng “Cây bàng vuông tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, cho sức trẻ của những chiến sỹ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Họ anh dũng kiên cường trong chiến đấu, nhưng cũng đẹp ngỡ ngàng trước sóng gió trùng khơi. Việc tặng bàng vuông làm quà không chỉ thể hiện đặc trưng của biển đảo mà còn đóng góp rất lớn trong việc giáo dục tư tưởng cho nhiều thế hệ về biển đảo và những người giữ đảo. Bởi thế, nơi đất liền bàng vuông từ Trường Sa thường được trồng ở những vị trí trang trọng nhất như để nhắc nhở mỗi người con đất Việt về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc nằm về phía biển”. Các đảo như Trường Sa Lớn, An Bang... mỗi năm chiết cả hàng trăm cây, nhiều nhất là bàng vuông để trồng và để gửi về đất liền như một món quà thiêng liêng của biển đảo gửi về đất mẹ. Đó cũng là món quà mà nhiều cá nhân, tổ chức, đơn vị ở đất liền mong ngóng yêu thương.
Để sắc xanh lan tỏa khắp Trường Sa, Hải quân vùng 4 đang khuyến khích những sáng kiến để cây xanh sống được trên đảo chìm. Nếu thành công, sẽ cho trồng thử nghiệm đầu tiên ở đảo Đá Tây.
Hiện nay, cây xanh trồng trên các đảo ở Trường Sa được quy hoạch vị trí trồng rõ ràng, vừa tạo cảnh quan đẹp đồng thời tránh việc phải di chuyển cây hay chặt bỏ. Đối với cán bộ, chiến sỹ ở đảo, cây xanh quý tựa như giọt máu…
NGỌC NGÀ