Thực hiện chính sách bình đẳng giới hiện nay

04:03, 04/03/2015

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình. Nam và nữ có quyền thụ hưởng như nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới).

Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình. Nam và nữ có quyền thụ hưởng như nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình (khoản 3, Điều 5 Luật Bình đẳng giới).
 
Mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình (Điều 4, Luật Bình đẳng giới).
 
Thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền bình đẳng giới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật và rất đáng tự hào. Hệ thống chính sách, pháp luật về bình đẳng giới ngày càng hoàn thiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động về thực hiện bình đẳng giới, quyền bình đẳng giới. Đến nay, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước. Điểm qua những con số tiêu biểu như: Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, là nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao ở khu vực và thế giới; phụ nữ đảm nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt ở Trung ương và các ngành, địa phương; trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân phụ nữ đóng vai trò hết sức quan trọng; đội ngũ nữ doanh nhân ngày càng đông đảo; tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%; thạc sĩ 33,95%; tiến sĩ 25,69%; tỷ lệ phụ nữ biết chữ là 92%; khoảng 80% trẻ em gái ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số được đi học đúng tuổi. Theo báo cáo, trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể về việc giải quyết các vấn đề giới trong giáo dục, lao động và an sinh xã hội. Chênh lệch thu nhập xét theo giới tính ở Việt Nam hiện nay thấp hơn nhiều so với các nước Đông Á khác, thu nhập của phụ nữ cũng đã tăng lên đáng kể. Đây là những con số sinh động, là bằng chứng chứng minh những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển. Nỗ lực bảo đảm bình đẳng giới của Việt Nam đã được quốc tế ghi nhận, theo xếp hạng năm 2012 của Liên hợp quốc về chỉ số bất bình đẳng giới, Việt Nam xếp thứ 47/187 quốc gia, so với vị trí 58/136 quốc gia năm 2010.
 
Tuy việc thực hiện bình đẳng giới đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhưng là một nước đang phát triển, chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo “trọng nam khinh nữ” nên cuộc đấu tranh để thực hiện được sự bình đẳng giới thực sự giữa nam và nữ vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, đó là: Tư tưởng mang tính định kiến về giới còn tồn tại khá phổ biến trong nhân dân, kể cả trong một bộ phận cán bộ, công chức (thích sinh con trai hơn con gái); coi công việc gia đình, nội trợ, chăm sóc con cái, người già là công việc của phụ nữ, nên thời gian nghỉ ngơi, học tập nâng cao trình độ của phụ nữ ít hơn nam giới; việc bồi dưỡng, phát triển cán bộ nữ ở nơi này, nơi khác vẫn còn hạn chế; ngay một số ngành, đơn vị hành chính, kinh tế lớn thậm chí không muốn nhận lao động nữ vì nhiều lý do khác nhau; thu nhập thực tế của nam giới cao hơn ở nữ giới vẫn còn khá phổ biến; sự tự khẳng định của chính bản thân phụ nữ cũng chưa thật sự mạnh mẽ ... Vì vậy, mặc dù đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng vấn đề bình đẳng giới vẫn còn những bất cập mà chúng ta còn phải tiếp tục phấn đấu để đạt mục tiêu đề ra. 
 
Để khắc phục và vượt qua những thách thức nêu trên, trong thời gian tới, việc thực hiện về bình đẳng giới cần tập trung làm tốt một số nội dung sau:
 
Một là, ngoài việc tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới, trước mắt cần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã ban hành bằng hệ thống giải pháp toàn diện, đồng bộ.
 
Hai là, tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới; nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vấn đề giới và bình đẳng giới; thực hiện tốt công tác thông tin, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới có hiệu quả, thiết thực và phù hợp với từng đối tượng cụ thể. 
 
Ba là, hình thành và kiện toàn hệ thống tổ chức, cán bộ làm công tác bình đẳng giới các cấp, nhất là cấp cơ sở; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ làm công tác này.
 
Bốn là, sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút các nguồn tài chính, hỗ trợ kỹ thuật trong và ngoài nước, bảo đảm thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
 
Năm là, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới phải được coi trọng và tiến hành thường xuyên; tăng cường sự giám sát của Mặt trận và các đoàn thể trong việc thực hiện các quy định pháp luật về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ.
 
Sáu là, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về bình đẳng giới nói chung và sự tiến bộ của phụ nữ nói riêng. 
 
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chế độ chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển, bình đẳng với nam giới; xã hội cũng đã thừa nhận vai trò và vị thế của phụ nữ. Thực tế đã chứng minh, phụ nữ hoàn toàn có thể đảm nhiệm tốt vai trò trong hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội... Vì vậy, chị em phụ nữ không thể sống cam chịu mà phải đấu tranh và tích cực vươn lên để giành quyền bình đẳng cho chính mình. Đối với các cấp, các ngành ngoài việc thường xuyên động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ, còn phải biết lắng nghe, quan tâm đến nguyện vọng, tâm tư, tình cảm của phụ nữ nhiều hơn nữa; đặc biệt là người chồng nên biết chia sẻ gánh nặng gia đình với vợ để chị em đỡ vất vả có thêm thời gian tham gia các hoạt động xã hội cũng như hoàn thiện bản thân. 
 
Bình đẳng giới là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển của xã hội, đất nước và địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị . Làm tốt công tác này không chỉ là mục tiêu phấn đấu, mà còn là yếu tố thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.           
 
 KHÁNH LINH