(LĐ online) - "Bố mẹ em là người gốc Huế vào lập nghiệp ở Đà Lạt đã lâu nhưng vẫn giữ thói quen ở quê đặt tên cho con giống nhau với mong muốn gia đình luôn đoàn tụ yêu thương gắn bó với nhau. Ước mong là thế nhưng năm 2000 thì bố mất khi Hiền Vi 14 tuổi, Nhật Vi mới 4 tuổi, đến năm 2011 thì mẹ cũng xa lìa...
(LĐ online) - “Bố mẹ em là người gốc Huế vào lập nghiệp ở Đà Lạt đã lâu nhưng vẫn giữ thói quen ở quê đặt tên cho con giống nhau với mong muốn gia đình luôn đoàn tụ yêu thương gắn bó với nhau. Ước mong là thế nhưng năm 2000 thì bố mất khi Hiền Vi 14 tuổi, Nhật Vi mới 4 tuổi, đến năm 2011 thì mẹ cũng xa lìa. Từ đó hai chị em sống với nhau, lớn lên trong sự đùm bọc của cô dì chú thím và bà con khu phố”. Đó là những ký ức về gia đình của hai chị em mồ côi Trần Ngọc Hiền Vi và Trần Hoàng Nhật Vi ở tổ dân phố Đa Phú, phường 7, Đà Lạt .
Người chị, Trần Ngọc Hiền Vi với tất cả đặc trưng của người con gái Huế bao năm qua là điểm tựa vững chắc cho gia đình mồ côi, đã vượt qua bao sóng gió cuộc đời, bền bỉ phấn đấu, nay trở thành giáo viên Trường cao đẳng nghề-du lịch Đà Lạt. Còn người em, Trần Hoàng Nhật Vi cũng đã vượt qua ốm đau bệnh tật và bao khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống nay vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, người cùng tổ dân phố cho hay: “Nhìn hai chị em ai cũng thương và cảm phục, ở chúng nó ngoài tình chị em còn là tình mẫu tử, bà con ở đây luôn lấy tấm gương vượt khó của hai chị em để dạy bảo con cái mình”.
Khi Nhật Vi trúng tuyển nghĩa vụ quân sự năm 2015 đã làm nhiều người không khỏi băn khoăn. Anh Hoàng Nguyễn Thái Nguyên, Chỉ huy trưởng Ban CHQS phường 7, Đà Lạt giải thích: “Đã làm công tác tuyển quân gần 10 năm nay, đây là trường hợp khiến anh phải suy tư rất nhiều. Nhật Vi có hoàn cảnh khá đặc biệt, các thành viên Hội đồng NVQS đều nhất trí cho em tạm hoãn. Nhưng điều bất ngờ là Nhật Vi đã dấu chị viết đơn tình nguyện và tha thiết muốn đi bằng được”. Anh Nguyên và cán bộ Ban CHQS Thành phố đã phải nhiều lần đến nhà để nắm rõ gia cảnh và làm công tác tư tưởng cho người chị, cuối cùng phải làm một việc lâu nay hiếm khi làm là thuyết phục Hội đồng NVQS cho em được nhập ngũ.
Gặp người chị Hiền Vi, vừa nhắc việc em trai đi bộ đội đã không kìm nổi nước mắt, như sợ hiểu lầm, chị vội phân trần: “Trường em kết nghĩa với Phòng Kỹ thuật/Bộ CHQS tỉnh, em đã nhiều lần giao lưu với các anh, còn tham gia thi hội diễn nghệ thuật quần chúng LLVT tỉnh nên rất quý bộ đội. Nhưng nhà đã quen cảnh chị em sáng tối có nhau, Nhật Vi từ nhỏ đến giờ vốn đã thiếu thốn tình cảm nên em không đành để em đi xa một mình. Thật ra là em thương chứ không có ý ngăn cản em. Sau khi được các anh động viên và thấy được nguyện vọng chính đáng của em trai nên em đã đồng ý”.
Còn Nhật Vi cầm trên tay lệnh gọi nhập ngũ, tỏ ra bình thản dù không dấu nổi vẻ bối rối trước những giọt nước mắt lăn dài trên má người chị. Nhật Vi cho biết: “Từ nhỏ em đã ước mơ trở thành sỹ quan quân đội, năm rồi em đăng ký thi vào Trường SQLQ 2 nhưng không được. Dù vậy em vẫn muốn nhập ngũ vì không muốn trở thành gánh nặng cho chị, chị em còn phải đi lấy chồng. Nếu có cơ hội em sẽ phấn đấu phục vụ lâu dài trong quân đội, còn không, ra quân em sẽ đi học nghề để lập nghiệp. Em tin đến lúc đó mình đủ chín chắn để lo cho bản thân”.
Giờ thì ước mơ quân ngũ đã trở thành hiện thực, mong rằng em sẽ phục vụ tốt, trưởng thành về mọi mặt trong một trường học lớn, xứng đáng niềm tin yêu của chị, của các anh và bà con tổ dân phố.
Xuân Ngọc