(LĐ online) - Đó là khẩu hiệu được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn làm mục tiêu hành động cho Năm An toàn giao thông 2015. Cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng cũng đã sớm xây dựng kế hoạch và có những phương án quyết liệt, cụ thể hưởng ứng Năm ATGT 2015.
(LĐ online) - Đó là khẩu hiệu được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn làm mục tiêu hành động cho Năm An toàn giao thông (ATGT) 2015. Cùng với cả nước, tỉnh Lâm Đồng cũng đã sớm xây dựng kế hoạch và có những phương án quyết liệt, cụ thể hưởng ứng Năm ATGT 2015.
|
Lực lượng CSGT Tp. Đà Lạt diễu hành ra quân hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2015. Ảnh: Văn Báu |
“Giảm tai nạn giao thông, không còn xe quá tải”
Ông Hồ Văn Lai- Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Yêu cầu đặt ra quan trọng nhất trong năm 2015 của Lâm Đồng là kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) về số vụ, số người chết và bị thương xuống còn 5%. Trước mục tiêu đó, lực lượng CSGT tỉnh đã triển khai đồng bộ, kiên quyết xử lý nghiêm và ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, tiến hành đồng loạt ở tất cả các tuyến đường bộ Quốc lộ 20, 27, 28, 55; các tỉnh lộ, các tuyến giao thông nông thôn và nội thị trên tất cả các địa bàn trong tỉnh. Đồng thời duy trì tối đa phương thức tuần lưu kết hợp xử lý vi phạm tại một điểm, tuần tra kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang, xử lý “nguội” qua hình ảnh nhằm tăng hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm. Ngoài ra xử lý kết hợp tuyên truyền giáo dục, phòng ngừa vi phạm và tập trung xử lý những hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, gây cản trở giao thông hoặc có thể làm gia tăng mức độ thiệt hại nếu xảy ra TNGT.
Đối với chủ đề “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, Lâm Đồng sẽ hướng đến “không còn xe quá tải”. Trong đó, tập trung xử lý các hành vi vi phạm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật; chở hàng hóa quá tải, quá số người quy định, dừng, đỗ, đón trả khách... không đúng quy định; vi phạm phần đường, làn đường, tốc độ, điều khiển phương tiện sau khi đã uống rượu, bia; xe khách chở quá số người, đón, trả khách không đúng nơi quy định; người đi xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng trên đường…
Riêng tại địa bàn thành phố Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Hùng- Đội trưởng đội CSGT (Công an Tp. Đà Lạt) cũng khẳng định: “Là địa phương đầu tàu, lực lượng CSGT chúng tôi đã sớm ra quân, triển khai nhiều phương án, đặc biệt là sự ra đời của lực lượng 141 (phối hợp giữa CSGT, hình sự và cơ động) sẽ mở nhiều đợt truy quét “mạnh tay”, quyết tâm kéo giảm tai nạn giao thông”.
Trách nhiệm của mỗi người
Ông Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lâm Đồng cho biết: Siết chặt công tác đăng ký quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, kiểm định xe cơ giới và quản lý người lái sẽ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành giao thông đặt ra. Đồng thời tăng cường kỷ luật, mạnh dạn đổi mới công tác lãnh đạo chỉ huy, cải tiến lề lối làm việc, bám sát thực tiễn, nâng cao tinh thần trách nhiệm của toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Quan trọng là phải tích cực tuyên truyền nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông và cần sự phối hợp của toàn xã hội thì mới thành công.
Ông Trương Hữu Hiệp cũng chia sẻ trăn trở: Làm sao để “Tính mạng con người là trên hết”, “Siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện” không còn là khẩu hiệu, chủ đề suông mà phải thực sự đi vào đời sống người dân, toàn dân cùng thực hiện? Đó là bài toán cần sự góp tay “giải khó” của tất cả các tầng lớp nhân dân.
D.Thương