Rất khó để phủ xanh lại những diện tích đất rừng bị lấn chiếm, bị đốn hạ khi chúng đã "nghiễm nhiên" trở thành đất sản xuất nông nghiệp một cách "không chính thức". Đây là một thực tế, hay đúng hơn là một "căn bệnh" trầm kha, triền miên kéo dài trong nhiều năm qua, mà ngay những nhà quản lý, những người thực thi có trách nhiệm liên quan cũng phải gật đầu thừa nhận.
[links()]
Rất khó để phủ xanh lại những diện tích đất rừng bị lấn chiếm, bị đốn hạ khi chúng đã “nghiễm nhiên” trở thành đất sản xuất nông nghiệp một cách “không chính thức”. Đây là một thực tế, hay đúng hơn là một “căn bệnh” trầm kha, triền miên kéo dài trong nhiều năm qua, mà ngay những nhà quản lý, những người thực thi có trách nhiệm liên quan cũng phải gật đầu thừa nhận.
Bài 1: Bế tắc trong vòng luẩn quẩn
Không dễ để giải tỏa và trồng lại rừng, đặc biệt là đối với diện tích rừng bị lấn chiếm. Thực tế này đã được các đơn vị chủ rừng, những người chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp thừa nhận, dù họ đã cố gắng và nỗ lực. Cây rừng vừa trồng lên ngày hôm trước, hôm sau đã bị người dân nhổ bỏ, thậm chí có nhiều nơi vừa giải tỏa xong, đào hố để chuẩn bị trồng cây cũng đã bị san lấp, thực trạng báo động này, đáng buồn lại diễn ra tại rất nhiều địa phương.
Tại tiểu khu 364 - thuộc địa bàn thôn Phú Cao (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng), việc phá rừng mới trồng liên tục xảy ra. Theo anh Lê Đức Thắng - BQL Rừng phòng hộ Ninh Gia (Đức Trọng) thì đây đã là lần thứ 3 toàn bộ diện tích cây thông ba lá mới được trồng đã bị nhổ bỏ hoàn toàn. Điệp khúc người dân phá bỏ rừng (nhất là những khu nằm liền kề đất sản xuất nông nghiệp) để trồng cà phê, chanh dây và những loại cây có giá trị kinh tế cao khác - đơn vị quản lý, nhổ bỏ, trồng lại thông... và ngược lại liên tục diễn ra, cho đến tận thời điểm hiện tại vẫn chưa có hồi kết. Chỉ tính riêng từ năm 2010 đến nay, BQL Rừng phòng hộ Ninh Gia đã trồng lại khoảng 150ha rừng sau giải tỏa; riêng trong năm 2014 vừa qua, diện tích tích trồng lại là 40ha. Anh Nguyễn Ngọc Hạnh - cán bộ kỹ thuật của BQL Rừng phòng hộ Ninh Gia cho biết: “Việc phá hoại rừng trồng ảnh hưởng đến rất nhiều công sức quản lý của chúng tôi và cả nguồn kinh phí của Nhà nước”.
Được biết, theo đơn giá được duyệt, kinh phí trồng lại rừng sau giải tỏa được tỉnh Lâm Đồng bố trí là 17,5 triệu đồng/ha. Có thể nói, ngoài việc thiệt hại về tài chính, hành động phá hoại rừng trồng còn gây ra nhiều hệ lụy khác.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, trên diện tích của Công ty Lâm nghiệp Bảo Thuận quản lý, có nơi cũng đã phải trồng lại rừng lần thứ 3. Điệp khúc trồng - bị nhổ; bị nhổ - rồi lại trồng liên tục tiếp diễn; cuối cùng “người thua cuộc” là các đơn vị chủ rừng, khi họ đã “cạn kiệt” sức lực đành phải để đất trống. Khoảnh 6 - thuộc tiểu khu 683 ( thuộc địa bàn xã Bảo Thuận, huyện Di Linh) là một ví dụ. Trước đây, toàn bộ diện tích rừng này đã bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp. Năm 2010, sau khi giải tỏa, Công ty Lâm nghiệp Bảo Thuận đã tiến hành trồng lại rừng. Thế nhưng, cuối cùng so với cây thông ba lá, cà phê vẫn có “sức sống” mãnh liệt hơn cả. Khi được hỏi, ông Đoàn Văn Thanh - Phó GĐ Công ty Lâm nghiệp Bảo Thuận khẳng định: “Chính việc điều tra, xử lý hành vi phá rừng thiếu kiên quyết, thiếu tính răn đe đã khiến cho việc phá hoại rừng trồng sau giải tỏa tái diễn nhiều lần”.
Dù chưa có số liệu chính thức từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh và các cơ quan chức năng, nhưng có thể khẳng định như lời của một cán bộ có trách nhiệm: “Tình trạng phá hoại rừng trồng sau giải tỏa đã và đang diễn ra khá phức tạp tại một địa phương trong tỉnh. Hầu hết, diện tích rừng trồng lại đều là diện tích đất rừng bị người dân lấn chiếm để sản xuất nông nghiệp, vấn đề này được chúng tôi soi chiếu dưới hình ảnh “món nợ khó đòi”, mà “chủ nợ” cũng chẳng thể làm khó “con nợ”.
Việc tổ chức quản lý thiếu chặt chẽ ngay từ ban đầu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng việc quản lý rừng trồng trên đất lâm nghiệp bị lấn chiếm khó khăn hơn so với việc trồng rừng thông thường khác. Đây có lẽ là câu trả lời hợp lý và thỏa đáng nhất! Ông Nguyễn Xuân Thiều - Phó BQL Rừng phòng hộ Ninh Gia trả lời những khúc mắc của chúng tôi đặt ra: “Việc quản lý rừng trồng sau giải tỏa hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, bởi phần lớn diện tích đất bị lấn chiếm đã xảy ra từ rất lâu và người dân đã canh tác trên diện tích đó trong một thời gian dài, rất khó để họ từ bỏ diện tích đất đang sinh lời, là “miếng cơm” của họ. Thêm vào đó, đất đai, nhất là đất nông nghiệp lại đang lên giá từng ngày. Một trong những nguyên nhân quan trọng nữa, đó là tại một số đơn vị chủ rừng nhà nước hiện nay, có nhiều nơi cán bộ quản lý bảo vệ phải phụ trách quản lý 1 tiểu khu (tương đương với diện tích 1.000ha rừng). Lực lượng mỏng khiến cho công tác tuần tra canh gác, phát hiện và xử lý các trường hợp lấn chiếm đất rừng thiếu kịp thời. Phần lớn diện tích đất rừng bị chiếm đều phục vụ cho việc canh tác cây trồng. Đặc biệt là trong bối cảnh giá cả của một số mặt hàng nông sản tăng cao và giữ mức ổn định như trong thời gian vừa qua, nhu cầu về đất sản xuất lại càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết”.
Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi được biết thêm, việc lấn chiếm đất rừng khá dễ dàng từ ban đầu cũng sẽ khiến cho ý định tiếp tục tái lấn chiếm của người dân thêm “động lực” ở những lần tiếp theo (bởi chế tài và những quy định xử phạt là gần như bằng không). Ngoài ra, việc giải tỏa đất rừng bị lấn chiếm thường được thực hiện khi các hộ đã “dốc” vào đó rất nhiều tiền của, công sức để canh tác; cây trồng thì đã bước vào thời kỳ phát triển ổn định, thậm chí có nơi đã thu hoạch... đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phá hoại rừng trồng rất khó để dẹp bỏ.
Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra, nguyên nhân cũng đã được xác định, tuy nhiên vấn đề trồng lại rừng sau giải tỏa nhằm phủ xanh đất trống và khôi phục tài nguyên rừng lại vẫn bị xoáy trong vòng luẩn quẩn chưa tìm được lối ra cụ thể.
(Bài 2: Đâu là giải pháp khả thi)
ĐẶNG LAM ANH