Trồng lại rừng sau giải tỏa (tiếp theo)

09:03, 27/03/2015

Việc phá hoại rừng trồng sau giải tỏa đang để lại rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với các rừng phòng hộ đầu nguồn. Một giải pháp đồng bộ để ngăn chặn là điều cần thiết, hay gần hơn chính là gắn chặt mối dây liên kết bảo vệ rừng với sinh kế của người dân - có lẽ đó mới là giải pháp mang tính khả thi nhất.

[links()] Bài 2: Đâu là giải pháp khả thi
 
Việc phá hoại rừng trồng sau giải tỏa đang để lại rất nhiều hệ lụy, đặc biệt là đối với các rừng phòng hộ đầu nguồn. Một giải pháp đồng bộ để ngăn chặn là điều cần thiết, hay gần hơn chính là gắn chặt mối dây liên kết bảo vệ rừng với sinh kế của người dân - có lẽ đó mới là giải pháp mang tính khả thi nhất.
 
Có thể khẳng định rằng, việc lấn chiếm đất rừng chủ yếu để phục vụ cho nhu cầu hoạt động sản xuất nông nghiệp.
 
Trong số các trường hợp lấn chiếm đất rừng đã bị cơ quan chức năng lập biên bản xử lý, ngoài một số hộ thiếu đất sản xuất, có không ít trường hợp lấn chiếm để mở rộng canh tác. Vì sao tình trạng này luôn tiếp diễn, phải chăng công tác tuyên truyền đã bị xem nhẹ? Giải pháp đầu tiên được đặt ra chính là các đơn vị chủ rừng, các đơn vị chức năng cần phải có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền Luật QLBV rừng. Đặc biệt, là những quy định về quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Và chính ông Võ Danh Tuyên - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng cũng đã khẳng định: “Để có thể hạn chế bớt tình trạng phá hoại rừng trồng sau giải tỏa, công tác tuyên truyền đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nếu người dân hiểu về những tác hại do việc lấn chiếm đến đất lâm nghiệp, nhất là những khu vực thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn, tình trạng này chắc chắn sẽ giảm bớt phần nào”.
 
Thêm vào đó, thông thường các trường hợp lấn chiếm đất rừng thường được phát hiện và xử lý khi người dân đã đầu tư và canh tác ổn định. Nguyên nhân này được chính các đơn vị chủ rừng khẳng định là do lực lượng mỏng, không thể kiểm soát hết diện tích rừng và đất rừng được giao. Vì vậy, việc bổ sung nhân lực cho các đơn vị chủ rừng cũng là một yêu cầu mang tính cấp thiết. Dù cái khó, phần lớn nhân sự của các đơn vị chủ rừng thuộc diện nhà nước quản lý đều bị bó buộc trong hai cụm từ “biên chế” và “quỹ lương”. Ông Nguyễn Xuân Thiều - Phó BQL Rừng phòng hộ Ninh Gia cho rằng: “Do địa bàn rộng, lại ở xa, nên việc quản lý của anh em gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi người một tiểu khu nên rất khó “ôm” hết. Giữ được chỗ này, thì chỗ kia đã bị phá hết. Nhiều hộ dân còn chống đối quyết liệt, gây nguy hiểm cho người thực thi nhiệm vụ”. Cũng cần phải nhắc lại, trong số các vụ lấn chiếm đất rừng, phá hoại rừng trồng sau giải tỏa, dù đối tượng đã được các cơ quan chức năng khoanh vùng xác định, nhưng lại xử lý nhẹ tay, thiếu tính cương quyết, không có tính răn đe. Để ngăn chặn hữu hiệu tình trạng này, điều quan trọng là cần phải áp dụng hình thức chế tài, xử lý nghiêm và kịp thời đối với các đối tượng vi phạm. Với riêng chúng tôi, giải pháp mang tính then chốt và bền vững nhất vẫn là gắn việc giữ rừng với sinh kế của người dân, bằng cách giao khoán việc trồng rừng trên đất giải tỏa cho chính người dân.
 
Trở lại với “điểm nóng” thôn Phú Cao - xã Tà Hine, trong rất nhiều diện tích rừng trồng sau giải tỏa bị người dân nhổ bỏ để trồng cà phê, chanh dây... thì 3 sào thông 3 lá vừa mới được trồng vào cuối năm 2014 của gia đình anh Nguyễn Thành Tâm vẫn phát triển tốt nhờ sự chăm sóc và bảo vệ theo đúng cách. “Tôi thấy rất xót cho những mảnh đất bị phá để trơ trọi, vì vậy sau khi có chủ trương của BQL rừng, tôi nhận trồng ngay. Tôi nghĩ việc trồng rừng tuy trước mắt không có lợi về kinh tế, nhưng lâu dài sẽ ổn định. Đồng thời vấn đề môi trường, khí hậu, cảnh quan ngay tại quê hương cũng sẽ được giữ gìn” - anh Nguyễn Thành Tâm tâm sự.
 
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bất cứ hộ dân nào cũng mặn mà với việc nhận khoán trồng rừng như gia đình anh Tâm. Bởi theo quy định, rừng trồng sau bốn năm mới được bàn giao để các đơn vị chủ rừng giao khoán và khi đó người dân mới được hưởng chế độ quản lý bảo vệ rừng. Trong khi đó, kinh phí bố trí cho việc trồng rừng lại rất hạn hẹp. Tiền trồng rừng sau giải tỏa chỉ được cấp một lần, nếu bị phá, các đơn vị chủ rừng cần phải cân đối kinh phí để thực hiện.
 
Cũng theo ông Võ Danh Tuyên thì vấn đề nan giải nhất hiện nay vẫn là nguồn kinh phí, cần có thêm nguồn để đảm bảo cho các kế hoạch trồng rừng sau giải tỏa được triển khai theo đúng kế hoạch.
 
Việc trồng lại rừng sau giải tỏa vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn, giải pháp nào hữu hiệu nhất để tìm lối ra? Không khó để tìm ra câu trả lời, dù vấn đề này vẫn đang làm đau đầu các nhà quản lý và các đơn vị thực thi. Chưa biết khi nào những diện tích đất rừng kia mới được phủ xanh, chỉ biết rằng tính đến thời điểm hiện tại, trong 5.000ha giải tỏa của cả tỉnh (trong đó: Đạ Tẻh - 1.000ha, Đạ Huoai - 800ha, Bảo Lộc - 743ha, Đam Rông - 400ha), dù đã rất nỗ lực nhưng cũng mới chỉ trồng lại được 3.400ha.
 
ĐẶNG LAM ANH