Những ngày sau Tết Ất Mùi 2015, dòng người đông đúc đổ về nhà lưu niệm và mộ của Đại tướng để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, kính phục đối với vị tướng tài ba của dân tộc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh cả của QĐNDVN, người góp phần quyết định chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa xuân 1975, thu giang sơn về một mối.
Ông Võ Hồng Nam thắp hương trên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà lưu niệm |
Sáng 7/3/2015 (17 tết ÂL), theo con đường “Ông Giáp” từ Thượng Giang về Lộc Thủy chạy dài giữa một bên là cánh đồng lúa xanh “thẳng cánh cò bay” của Lệ Thủy vốn được mệnh danh “Nhất Đồng Nai, nhì hai huyện”, một bên là nhà cửa san sát, đến đầu con ngõ có nhiều người dân bán hương, hoa, tôi vào thăm nhà lưu niệm của Đại tướng. Vào nhà, đúng lúc nữ cán bộ, chiến sỹ của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình đang tập hợp chỉnh tề để vào viếng Đại tướng, tôi tranh thủ ghi hình, gặp gỡ, trao đổi với ông Võ Đại Hàm - người trông coi nhà lưu niệm Đại tướng và đại tá Mai Văn Định - Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, người dẫn đoàn nữ cán bộ, chiến sỹ thăm nhà lưu niệm Đại tướng. Ông Võ Đại Hàm cho biết, trước và sau tết, cán bộ, chiến sỹ LLVT và quần chúng nhân dân trong - ngoài tỉnh, kể cả khách quốc tế đến viếng thăm nhà lưu niệm Đại tướng rất đông, bình quân gần 1.000 lượt người/ngày. Công việc của ông rất bận rộn, vì ngoài việc hướng dẫn, giới thiệu cho khách về quê hương, gia đình, dòng họ và năm tháng hoạt động cách mạng của Đại tướng, cũng như những kỷ niệm mỗi khi Đại tướng về thăm quê, còn phải sắp xếp hương, hoa trên bàn thờ vào thời điểm các đoàn khách đến, nhưng ông vẫn luôn cảm thấy ấm lòng, hạnh phúc khi được chứng kiến tình cảm thiêng liêng của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân đối với người chú họ và là vị tướng tài của dân tộc. Ông Hàm kể “Có nhiều cháu thiếu nhi 10-12 tuổi, khi vào nhà lưu niệm vừa nhìn thấy chân dung Đại tướng đã reo lên thật vui sướng “Hoan hô Bác Giáp! Bác Giáp của chúng cháu!”. Nghe các cháu reo mừng, lòng ai cũng dâng trào cảm xúc. Rồi, ông giới thiệu tôi cuốn sổ lưu niệm cùng cuốn kỷ yếu “Đồng Nai với Đại tướng Võ Nguyên Giáp” được đặt trang trọng giữa chiếc bàn đơn sơ, như chính ngôi nhà lưu niệm giản dị của Đại tướng. Tôi lật từng trang lưu niệm, từng trang tập hợp ảnh của Đại tướng trong những lần về thăm, làm việc với tỉnh Đồng Nai, mới thấy hết tình cảm thiêng liêng mà cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Việt Nam, kể cả bạn bè quốc tế dành cho Đại tướng và tấm lòng rộng lớn, tinh thần trách nhiệm cao cả mà Đại tướng dành cho tỉnh Đồng Nai (nói riêng), cả nước (nói chung).
Dòng người dài vô tận trật tự vào dâng hoa, thắp hương tại mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Trung tá Phạm Bá Tuyên cho biết thêm, mộ Đại tướng được đặt trên núi Thọ Sơn, thuộc khu vực Vũng Chùa, Đảo Yến được bao bọc bởi 3 hòn đảo Hòn La, Hòn Gió, và Hòn Nôm tại xã Quảng Long, Quảng Trạch. Tương truyền, xưa kia trên núi Thọ Sơn có một ngôi chùa rất linh thiêng, mỗi bận quân Trịnh - Nguyễn tiến đánh nhau đều đến chùa xin phù trì, phù hộ được an toàn, thắng trận. Nay, mộ Đại tướng được đặt trên núi Thọ Sơn, lưng tựa vào núi, mặt hướng ra biển Đông, cách Đảo Yến hơn 1 hải lý theo thế rồng ngậm ngọc, canh giữ biển Đông để quốc gia đời đời bền vững là ước nguyện của Đại tướng và triệu triệu người con nước Việt. Thế mới biết, những con người kiệt xuất một đời vì nước, vì dân, khi tạ thế vẫn canh cánh vì sự trường tồn của đất nước, sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Nghe trung tá Phạm Bá Tuyên nói, chứng kiến dòng người kiên nhẫn trong trật tự để vào dâng hoa, thắp hương cho Đại tướng, tôi hiểu sâu sắc hơn câu nói của con trai Đại tướng - Võ Hồng Nam: Nhân dân là người phán xét công minh, khách quan, chính đại nhất!