Ở nơi đầu sóng, ngọn gió, biển mặn và cát trắng, tưởng chừng chỉ có sự khắc nghiệt, khô cằn nhưng ở xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, Khánh Hòa, nhờ có bàn tay chăm sóc miệt mài của quân dân, cây trái nơi đây vẫn xanh ngát một màu.
Giàn khổ qua (mướp đắng) trĩu quả của người dân xã đảo Sinh Tồn |
Ở Sinh Tồn, ngoài những loài cây xanh đặc trưng của xứ đảo thì nơi đây còn có nhiều loài cây trái khác cũng được trồng, phát triển tốt. Trên đảo Sinh Tồn cũng như các đảo nổi trên quần đảo Trường Sa của Tổ quốc, những cây bàng vuông, cây phong ba, bão táp hay cây tra đã hiên ngang, bất khuất vươn mình trong nắng gió, gắn bó che chắn cho người dân và bộ đội trên đảo. Những ai có dịp ra đảo vào mùa xuân thì có lẽ không thể quên được mùi hương thoang thoảng của hoa bàng vuông hòa lẫn trong hơi gió mặn của biển. Các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn cho biết, cứ khi nào thấy hoa bàng vuông, hoa phong ba và hoa tra bung nở giữa những chùm lá non mơn mởn thì khi đó cũng là lúc mùa xuân đang về trên đảo. Thêm hình ảnh nữa làm cho đảo xa gần với đất liền là những em nhỏ cắp sách đi học dưới những hàng phượng vĩ tỏa bóng trước sân trường. Và để giữ màu xanh cho đảo, các cán bộ, chiến sỹ và người dân trên đảo không ngừng chăm chút, nâng niu và nhân giống cho các loài cây phát triển. Đặc biệt, là cây bàng vuông không chỉ được ươm, chiết để trồng trên đảo mà đã trở thành những món quà gửi về đất liền để trồng lưu niệm trong các khuôn viên công sở, nhắc nhở mọi người về chuỗi đảo tiền tiêu Trường Sa nơi đầu sóng ngọn gió. Ngoài ý nghĩa che bóng mát và chắn gió cho con người thì lá bàng vuông non và lá tra cũng thường có mặt và trở thành món rau xanh trong các bữa ăn của người dân trên đảo. Anh Nguyễn Văn Lương - một người dân trên đảo cho biết: “Lá bàng vuông non và lá tra với vị thanh, chát có thể ăn kèm với rau sống hoặc ăn với món gỏi rất ngon. Khi chưa quen sẽ thấy khó ăn nhưng ăn quen rồi thấy ghiền. Ngoài ra, lá bàng vuông còn được sử dụng để gói bánh chưng trong các dịp tết đến xuân về”.