51 tuổi, ông Phạm Tấn Phúc - Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng không chỉ nợ người vợ thân yêu của mình nghĩa phu thê, tình chồng vợ mà ông còn nợ một khoản tiền lên tới 120 triệu đồng. Nguyên nhân của khoản nợ rất đáng trân trọng này là do ông không muốn người dân thôn Đăng Srôn chịu cảnh khổ cực, ngày ngày phải đi trên con đường chồng chềnh, nham nhở đầy những ổ voi, ổ gà với cảnh dân làng bị té thường xuyên.
51 tuổi, ông Phạm Tấn Phúc - Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng không chỉ nợ người vợ thân yêu của mình nghĩa phu thê, tình chồng vợ mà ông còn nợ một khoản tiền lên tới 120 triệu đồng. Nguyên nhân của khoản nợ rất đáng trân trọng này là do ông không muốn người dân thôn Đăng Srôn chịu cảnh khổ cực, ngày ngày phải đi trên con đường chồng chềnh, nham nhở đầy những ổ voi, ổ gà với cảnh dân làng bị té thường xuyên. Không có tiền nhưng vẫn không lùi bước, để thực hiện ý nguyện của mình, ông đã vay tiền của vợ để làm đường cho dân đi.
|
Con đường thôn Đăng Srôn hoàn thành |
Câu chuyện về ông Phúc mượn tiền của vợ để làm đường giao thông nông thôn cho người dân đi lại đã diễn ra cách đây hơn 1 năm nhưng khi nhắc lại ai cũng cảm thấy nể phục, cảm động và hiện vẫn còn mang tính thời sự tại địa phương. Mặc dù bản thân và gia đình mình sống tại thôn Ninh Hòa nhưng những năm qua ông Phúc vẫn đau đáu một nỗi niềm là người dân thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia vẫn phải đi trên con đường quá mức gian khổ. Nói là con đường nhưng thực tế đây là một lối nhỏ do người dân tự đào đắp để phục vụ cho việc lên nương rẫy. Cái điệp khúc “nắng bụi, mưa sình” đã trở nên quen thuộc đối với dân làng Đăng Srôn. Chỉ chừng vài km thôi nhưng vào hôm trời mưa, người dân Đăng Srôn muốn đi làm nương thì phải “cơm đùm, gạo nắm” vì thời gian đi về trên con đường này quá gian nan. Trăn trở với nỗi khổ đó của người dân, ông Phạm Tấn Phúc đã xin ý kiến của Thường trực Hội Cựu chiến binh xã vận động nhân dân đóng góp làm đường. Được sự đồng tình của chính quyền và Hội Cựu chiến binh xã Ninh Gia, ông Phúc thành lập tổ vận động đóng góp tiền làm đường. Nói là thế, nhưng khi vận động thì khó khăn lại chất chồng khó khăn. Là một thôn có tỷ lệ gần 80% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, mặc dù chăm lam chăm làm nhưng đời sống kinh tế của nhân dân thôn Đăng Srôn vẫn thiếu trước hụt sau, “cái bóng” của nghèo khó vẫn luẩn quẩn đeo bám lấy họ nên qua mấy tháng trời mà ông Phúc chỉ vận động vỏn vẹn 10 triệu đồng. Ông Phúc thầm nghĩ: “Số tiền này không đủ để làm đường, nếu trả lại thì người dân sẽ mất lòng tin nơi mình và chính quyền địa phương”. Vì vậy, đã quyết thì phải làm cho bằng được. Không chùn bước trước thử thách, qua nhiều ngày trằn trọc, ông quyết định “cứ tiếp tục triển khai”. Tuy nhiên, khó khăn một lần nữa trở thành rào cản thách thức người lính Cụ Hồ - Phạm Tấn Phúc. Quyết tâm làm đường thì đã có nhưng khi bắt tay vào làm thì đơn vị thi công đòi ứng trước 50 triệu đồng. Đến lúc này thì nỗi lo tiền bạc thật sự trở thành một mục tiêu khó của ông Phúc. “Với hy vọng được sự hỗ trợ một lần nữa từ người dân địa phương, tôi lại tiếp tục vận động nhưng lần này kết quả chỉ là con số không vì chưa đến mùa thu hoạch nên bà con cũng chẳng lấy đâu ra tiền để đóng”.
Ông Lê Lưu Giang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng cho rằng: “Việc làm của anh Phạm Tấn Phúc trong thời gian qua được chính quyền xã đánh giá rất cao. Anh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm của người cựu chiến binh đối với công tác xây dựng hệ thống đường giao thông tại địa phương. Anh Phúc vận động nhân dân, bỏ tiền của, công sức để cùng mọi người làm đường. Con đường hoàn thành tạo nhiều thuận lợi cho người dân thôn Đăng SRôn trong xây dựng và phát triển kinh tế”. |
Gần như rơi vào “bước đường cùng”, không còn cách nào khác, để có tiền ông đành phải nghĩ đến cách mượn tiền của vợ mình ứng trước cho đơn vị thi công. 50 triệu đồng là số tiền không phải là nhỏ nhưng ông Phúc cũng đành làm liều và thuyết phục vợ. Lúc đầu, vợ ông Phúc là bà Nguyễn Thị Xuân Dung một mực không chấp nhận vì đây là số tiền lớn, vợ ông không có sẵn, hơn nữa biết khi nào mới gom đủ tiền đóng góp của người dân để trả lại cho những người mình vay. Nhưng với ý chí kiên định, lần thứ nhất, thứ hai thuyết phục vợ mình không được thì lần thứ 3 ông tiếp tục thuyết phục và thành công. “Mình nói với vợ là vì lợi ích chung, làm đường cho dân đi chứ đâu phải mang tiền đi chơi bời. Nếu giờ không làm thì đến bao giờ dân mới có đường đi, bao giờ dân mới hết khổ”.
Với những lời lẽ chân thành mà mộc mạc như vậy nên vợ ông Phúc bằng lòng bỏ tiền túi và đi vay mượn thêm của bà con đưa cho ông 50 triệu đồng để làm đường. Suốt thời gian làm đường, ông Phúc đã giao toàn bộ việc nhà cho người vợ của mình quán xuyến, còn bản thân ông bám trụ với con đường mà ông tâm huyết. Công việc không liền tay, cùng với nhà thi công, hàng ngày ông xắn tay cào rãnh, móc mương thoát nước, đặt ống bi, lao động cật lực với mục tiêu hoàn thành sớm con đường chừng nào thì nhân dân bớt khổ chừng đó. Có lúc vừa làm đường nhưng khi nghe có người từ thành phố Đà Lạt hỗ trợ tiền thi công, ông lập tức lên nhận ngay để kịp chi cho các khoản làm đường. Qua gần 2 tháng thi công, con đường cấp phối đã sắp hoàn thành. Lại một lần nữa ông Phúc đau đầu với chuyện tiền công, đường sắp hoàn thành thì điều này đồng nghĩa với việc ông và tổ công tác phải thanh toán tiếp số tiền còn lại cho đơn vị thi công. 50 triệu đồng lần trước đã được chi tiêu hết cho các khoản san mặt bằng. Số tiền nhân dân địa phương đóng góp từ trước và nhà hảo tâm các nơi hỗ trợ được sử dụng cho việc ủi đất, chở đá, giờ ông phải lo tiền nhân công khoảng chừng 70 triệu nữa. Chẳng đặng đừng ông lại nghĩ đến vợ - một “chủ nợ” hết sức gần gũi và thân thương. Sau khi trình bày sự việc, vợ ông không phản đối mà bà như hiểu công việc, đức tính của chồng mình nên sau mấy ngày xoay xở, bà Dung đã cho chồng mình mượn thêm 70 triệu đồng để trả tiền nhân công làm đường và nhiều khoản khác. “Trước đây thì còn chần chừ ,do dự nhưng lần này tôi biết tính chồng mình nên cũng vui vẻ nhận lời cho ông ấy mượn tiền để làm cho xong con đường”. Bà Dung - vợ ông Phúc chia sẻ. Vậy là con đường dài 3,5km với tổng kinh phí hơn 180 triệu đồng của người dân thôn Đăng Srôn đã hoàn thành,tiền cũng đã trả hết cho đơn vị thi công nhưng ông Phúc nghiễm nhiên trợ thành “con nợ” của vợ mình.
Con đường thôn Đăng Srôn hoàn thành như chở bao nhiêu khát vọng và mơ ước của người dân. Cảnh sình lầy, ổ gà, hố voi chỉ còn lại trong quá khứ mà thay vào đó là niềm vui xen lẫn sự tin yêu đối với người cựu binh Phạm Tấn Phúc “ dân làng nơi đây ai cũng mừng, có đường mới bà con vui lắm. Nhờ có ông Phúc mà mình được đi trên đường mới. Dân làng này ai cũng biết ơn ông”, bà Phạm Thị Dương, thôn Đăng Srôn, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng phấn khởi cho hay.
Người đồng bào chất phát thật thà nhưng cũng hết sức nhiệt tình. Nhận thức được tầm quan trọng của con đường sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng, bà con nhân dân thôn Đăng Srôn đã tự nguyện mang tiền đóng góp công trình đến cho ông Phúc. Tuy nhiên đối với những gia đình còn khó khăn quá thì ông Phúc không lấy tiền của họ. Cũng chính vì vậy mà qua bao năm đóng góp nhưng ông vẫn chưa thể trả hết tiền cho vợ. Hiện tại người cựu chiến binh Phạm Tấn Phúc vẫn còn nợ vợ mình 20 triệu đồng .
Không phải sinh sống tại thôn Đăng Srôn nhưng vẫn quyết tâm làm đường cho người dân nơi đây đi lại, việc làm của ông Phạm Tấn Phúc xuất phát từ tình cảm chân thành với mong muốn đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình vào quá trình làm đường giao thông nông thôn tại địa phương. Mặc dù điệp khúc “anh còn nợ em” vẫn còn rộn ràng giai điệu trong tâm trí của ông Phạm Tấn Phúc nhưng không vì thế mà ông thấy buồn. Ngược lại, ông thấy phấn khởi bởi chính mình đã làm một việc có ích và ý nghĩa cho bà con nhân dân mặc dù mình vẫn còn nợ tiền vợ.
THÀNH NAM