Tháng tư về, tôi may mắn được gặp Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Xuân Đệ (SN 1939, quê ở xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà) - người chiến sĩ đặc công mưu trí, anh dũng năm xưa.
Tháng tư về, tôi may mắn được gặp Anh hùng lực lượng vũ trang Ngô Xuân Đệ (SN 1939, quê ở xã Nguyễn Úy, huyện Kim Bảng, tỉnh Nam Hà) - người chiến sĩ đặc công mưu trí, anh dũng năm xưa. Với thành tích trong suốt 37 trận đánh tại chiến trường Tuyên Đức, Lào - Ông luôn là người đi đầu, dũng cảm xông pha vào các trận địa gay go ác liệt của địch để thăm dò và tìm mọi cách cùng đồng đội giành thế thắng, không để một chiến sĩ nào của ta bị thương vong…!
Hình ảnh chiến sĩ Đệ “Bốc đất đỏ bazan bôi lên mặt, lên tay, chân; chui qua hơn 10 lớp hàng rào dây thép gai; nín thở kiễng chân nép sau cánh cửa khi địch vào bất chợt; hay thót tim theo địch lên máy bay, rồi nhảy sau cùng xuống đất suýt bị địch phát hiện và bắn chết…”, đó là những tình huống nguy hiểm giữa làn ranh sinh - tử đến trong tích tắc khi ông Đệ đang thi hành nhiệm vụ. Tôi như bị lôi cuốn vào câu chuyện về các trận đánh của ông và của Tiểu đoàn 810 năm xưa... Những trận đánh đồn địch nhiều gian nguy, nhưng không kém phần khốc liệt, nhờ việc thăm nắm tình hình địch kỹ lưỡng trong từng đường đi, nước bước, nắm chắc lực lượng của địch có bao nhiêu, kho đạn nằm ở đâu, hầm của địch nằm vị trí nào, có bao nhiêu loại vũ khí đại liên, trung liên hay đại cối… là thông tin mà đồng chí Đệ cần nắm rõ và chính xác nhất để báo cáo chỉ huy cho ý kiến đánh hay không đánh và đánh ở đâu.
|
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến thăm và tặng quà Anh hùng LLVT Ngô Xuân Đệ nhân dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Đức Trọng |
Trong một trận đánh ác liệt nhất vào đồn Tam Pao (ở Bình Thạnh - Đức Trọng bây giờ), phía địch lực lượng mạnh hơn ta, chúng luôn cảnh giác rất cao, thường xuyên cho đốt thùng dầu sáng để dễ phát hiện nếu phía Cộng sản tấn công. Nhiệm vụ trên giao cho Tiểu đoàn 810 là sẽ đánh đồn Tam Pao giành thế chủ động trong vòng 30 phút. Lúc đó, phía ta để đảm bảo không bị lộ, mỗi chiến sĩ đều phải ngậm một viên thuốc ho. Ông Đệ tiến lên trước tìm hiểu và sau một hồi quan sát mới nảy ra ý định phải tìm cách di chuyển gần đến thùng dầu, rồi bốc đất bỏ vào thùng dầu đang sáng rực. Khi lửa gần tắt hết, ông Đệ quay ra báo cho anh em chuẩn bị tinh thần sẵn sàng chiến đấu, tấn công đồn Tam Pao. Tiếp đến, ông Đệ xung phong đi trước, cắt hàng rào dây thép gai, nhanh chóng đưa lực lượng của ta vào, sau đó chia thành 3 mũi tấn công, dùng B40 diệt lô cốt địch, ông Đệ tiếp tục dẫn đầu Tiểu đoàn thọc sâu tấn công và nhanh chóng tiêu diệt địch chỉ trong vòng 15 phút, góp phần đưa đơn vị lập chiến công, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Hay như trận đánh ở Sân bay Liên Khương, ông Đệ cũng nhận nhiệm vụ khó khăn nhất, vào hầm địch thăm dò, sau đó trực tiếp cầm bộc pháo xông vào đạp cửa ném bất ngờ vào đồn địch gây hoảng loạn, sau đó lực lượng của ta nhanh chóng tấn công, dành thế chủ động. Đối với trận đánh tại Sân bay Cam Ly, cấp trên giao nhiệm vụ phải thắng và làm chủ thế trận trong vòng một ngày. Sau khi nhận nhiệm vụ, ông Đệ đã tìm cách leo lên máy bay địch, rồi nhảy xuống bò vào đồn địch nắm rõ vị trí kho đạn, kho xăng, lực lượng của địch rồi quay ra báo cáo đơn vị. Lúc này đồng chí Đại đội trưởng Hoàng Phi Núi đã trực tiếp ôm quả bộc phá đánh vào kho xăng, ta và địch ở thế giằng co, đánh trong suốt 2 ngày đêm thì giành thế thắng, thu về 12 triệu lít xăng, 1 máy bay và tiêu diệt một đại đội của địch, đơn vị đã được cấp trên khen thưởng. Với trận đánh Trường chiến tranh chính trị của địch ta đã tiêu diệt được 500 tên, khiến chúng kinh hoàng, khiếp vía vì không nghĩ ta lại lọt vào được đồn địch và đánh nhanh gọn như thế…
Từ năm 1965 - 1975 với 37 trận đánh, trận nào ông Đệ cũng tham gia chiến đấu. Trước đó, vào khoảng năm 1961 - 1962, ông Đệ hoạt động ở chiến trường Lào, đã tham gia 2 trận đánh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ. Từ năm 1966 đến 1972, chiến sĩ Ngô Xuân Đệ đã chỉ huy đơn vị đánh 37 trận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao. Ở cương vị chỉ huy, những trận nào gặp khó khăn, ông cũng nhận nhiệm vụ xông lên hàng đầu, trực tiếp giải quyết khó khăn, tạo thuận lợi cho anh em trong đơn vị tiến lên tiêu diệt địch. Ông đã chỉ huy đơn vị diệt hàng nghìn tên địch, riêng đồng chí diệt 270 tên địch.
Những năm sau giải phóng, ông Đệ tham gia công tác tại địa phương với vai trò là cấp ủy khu phố, Bí thư chi bộ tổ dân phố, được nhân dân tin yêu, kính trọng. Ông đã vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân Huy chương, trong đó có Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhì, Huân chương Quân công hạng Ba, được Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang năm 1972.
Nguyệt Thu